Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành, có trường hợp người chết do nhiễm virút H5N1.
Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành, có trường hợp người chết do nhiễm virút H5N1. Thế nhưng, tại TP.HCM, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm lớn nhất khu vực phía Nam vẫn đang tồn tại thực trạng đáng báo động đó là trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán tràn lan. Cơ quan thú y thành phố không thể kiểm soát được tình trạng vi phạm này.
Hơn 7 giờ sáng một ngày cuối tuần, trước cổng chợ Bùi Văn Ba, chợ Tân Thuận và các con hẻm đan xen trong các phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Bình Thuận (quận 7) có hàng trăm người bán trứng dạo trên xe đẩy, xe đạp. Bà C., một người bán trứng dạo ở phường Bình Thuận nói trung bình mỗi ngày hai vợ chồng bà bán hết 3.000 trứng có đóng hộp. “Tui dậy từ 5 giờ sáng đi chuyến đầu đến 7 giờ là bỏ mối hết, sau đó về lấy thêm bán đến 9, 10 giờ thì quay lại thu tiền”, bà C. nhẩm tính. Hộp trứng gia cầm của bà C. có thương hiệu, được giới thiệu có giấy kiểm dịch của thú y nhưng khi nhặt từng quả ra mới thấy giật mình: trứng còn dính nguyên phân gà, phân vịt, lông, thậm chí có hộp bị vỡ bốc mùi hôi thối.
Thoải mái bán trứng bẩn
Không chỉ khu vực quận 7, tại các quận nội thành như quận 1, chợ quận 4, chợ quận 5… cũng bày bán trứng gia cầm, thậm chí còn không được đóng hộp, bỏ trong chậu nhựa, cần xé. Sáng 12.5, ngay sát bên hông chợ quận 4 có tới bốn, năm sạp bán trứng không đúng tiêu chuẩn nhưng nhóm quản lý thị trường đứng cạnh không hề phản ứng.
Ở chợ trứng Phú Hữu (quận 5), nơi bán sỉ trứng lớn nhất ở TP.HCM, dù đang có dịch cúm gia cầm, nhưng buôn bán trứng ở đây vẫn nhộn nhịp, có sạp còn đóng hộp ngay trên… vỉa hè để bán. Trong cảnh náo nhiệt, chiếc xe ba gác chở một xe trứng vịt tươi còn dính nguyên cọng rơm, lông, phân vịt giao cho chủ vựa. Trong chốc lát, anh công nhân ngồi bệt trên vỉa hè dùng tay thoăn thoắt bốc từng quả trứng cho vào hộp nhựa trong suốt rồi ném vào thêm cái nhãn mang thương hiệu có ghi ngày đóng gói 13.5.2013, sau đó ghim lại cẩn thận và giao cho đội ngũ xe đẩy đứng chờ sẵn. Cứ thế, trứng không hề được xử lý, không hề qua một khâu kiểm dịch nào, chỉ chở đến rồi được chủ vựa đóng hộp ngay trên vỉa hè đầy bụi bặm.
Bà C., người bán trứng dạo ở quận 7 đang tự đóng hộp sai quy định.
Bà C. cùng chồng thuê căn phòng trọ chừng 10m2 nằm sâu trong con hẻm ở phường Bình Thuận dùng làm nơi ở và đóng hộp trứng. Nguồn trứng của bà C., lấy từ hai đại lý ở quận 5 và quận 7. Trung bình mỗi ngày hai cơ sở này cung cấp khoảng trên dưới 3.000 quả dưới dạng hàng cây và giao luôn nhãn mang thương hiệu của mình cho bà C. tự đóng hộp.
Qua quan sát, sau khi nhận trứng từ xe tải chở đến khoảng 12 giờ trưa, đến 2 giờ chiều vợ chồng bà C. bắt đầu công việc nhặt từng quả trứng chưa qua xử lý, kiểm dịch, còn nguyên phân dơ bẩn cho vào hộp. Trong khi bà C. chỉ là người bán lẻ, không có giấy phép kinh doanh, không được tự đóng hộp mà chỉ được bán trứng đã đóng hộp từ các cơ sở đủ điều kiện. “Ôi, sợ gì chứ, tui làm mười mấy năm mà có thấy ông thú y nào tới hỏi han gì đâu. Thỉnh thoảng đi bán dạo ngoài đường cũng có thấy quản lý thị trường kiểm tra nhưng tui nói tên đại lý ra họ lại cho, khỏi cần giấy kiểm dịch”, bà C. khẳng định.
Có chuyện “bao” lãnh địa?
Thành phố đang tồn tại khoảng 70 cơ sở trứng cấp một, hàng trăm cơ sở cấp hai. Mỗi đầu mối kinh doanh trứng đều tung ra thị trường thương hiệu riêng của mình. Theo quy định thú y thì hầu hết các cơ sở này đều không đủ điều kiện kinh doanh, nhưng do các cơ quan chức năng chưa làm quyết liệt nên họ vẫn tồn tại.
Giới kinh doanh trứng gia cầm nhỏ lẻ tiết lộ mỗi cơ sở kinh doanh như vậy thường “bao” lãnh địa riêng. Theo họ, nếu có một thương hiệu nào ở quận khác lấn sân, chắc chắn sẽ bị thú y, quản lý thị trường “vịn”. Họ giao hàng cây, nhãn mác cho đội quân bán lẻ tự đóng gói mà không hề bị thú y kiểm tra, nhắc nhở. “Làm nghề gì ăn nghề đó, nếu chủ cơ sở không biết điều với thú y, quản lý thị trường thì làm sao chúng tôi có thể làm được”, bà C. buột miệng. Không rõ chuyện “bao” lãnh địa có thật không, nhưng thực tế khu vực quận 7, quận 4 chỉ có một số thương hiệu trứng có mặt. Xuống xa hơn nữa là khu vực huyện Nhà Bè có thêm vài thương hiệu nữa.
Những người bán trứng dạo như bà C. về nguyên tắc không được phép tự đóng hộp. Tuy nhiên họ cũng phải lệ thuộc vào nguồn trứng nguyên liệu của các cơ sở cấp 1, cấp 2 bởi nếu tự tiện xuống tận trại lấy trứng về đóng hộp sẽ không thể tồn tại được. Bà C. giải thích: “Đại lý có trong tay giấy phép kinh doanh, họ lấy trứng từ trại, giao cho mình ăn chênh lệch giá chứ không cần xử lý. Nhưng nếu mình tự tiện xuống tỉnh lấy về bán thì chúng nó (đại lý) báo cơ quan thú y vào hốt một cái là sạch bách luôn”.
Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận đang xảy ra tình trạng kinh doanh trứng gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố có hơn 70 cơ sở kinh doanh trứng cấp 1 và hơn 100 đại lý cấp 2, cấp 3, cung cấp khoảng 50% số lượng mỗi ngày (khoảng 2 triệu quả). Hầu hết các cơ sở này không đáp ứng các điều kiện như: phải ở cách biệt khu dân cư và các nguồn gây ô nhiễm, nguồn điện nước ổn định, đảm bảo xử lý chất thải, kho bảo quản, xử lý và chế biến đóng gói… Ông Thảo cũng cho hay thời gian qua thú y thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn để các chủ cơ sở nắm bắt chủ trương, đồng thời khuyến cáo họ chuẩn bị di dời, dự kiến sau ngày 1.7 mà cơ sở nào không đáp ứng các điều kiện kinh doanh thì sẽ phải đóng cửa. |