Các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng để ngành nghề này phát triển đúng với tên gọi nước mắm thì cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng để phân biệt với nước mắm công nghiệp.
Cần ban hành quy chuẩn cho nước mắm
Sáng 24/10, tại hội thảo “Trao đổi một số thông tin trong sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” do Hội lương thực thực phẩm TP.HCM tổ chức, đại diện hiệp hội các nhà sản xuất nước mắm truyền thống thống nhất rằng cần có bộ quy chuẩn kỹ thuật thật rõ ràng để phân biệt với nước mắm công nghiệp.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện hiệp hội các DN sản xuất nước mắm công nghiệp như Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản Việt Nam (VASEP) cùng nhiều chuyên gia về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Huy Tiến – Phó chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết thay mặt cho 2.800 nhà sản xuất nước mắm truyền thống cả nước cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, các bộ ngành, nhà khoa học độc lập, báo đài đã góp tiếng nói để người tiêu dùng hiểu đúng bản chất, giúp các DN sản xuất nước mắm truyền thống phần nào bớt đi thiệt hại không đáng có.
Đại diện các hiệp hội thống nhất sẽ vận động 2.800 DN sản xuất nước mắm truyền thống tự công bố chuẩn mực, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ chế giám sát nội bộ để đảm bảo sản phẩm đăng ký đạt chuẩn mực thống nhất. Đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị cũng như chất lượng của nước mắm truyền thống.
Trên cơ sở đó, đại diện các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao cho bộ chuyên ngành ban hành quy chuẩn kỹ thuật để phân biệt nước mắm truyền thống và công nghiệp. Nước mắm truyền thống chỉ nên quy định thành phần chỉ có cá và muối, không có chất bảo quản. Quy chuẩn này cần dựa trên cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của ông cha để tránh bị hiểu sai hoặc cố tình làm người tiêu dùng nhầm lẫn.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch danh dự của VASEP cho rằng xã hội phát triển thì công nghệ sản xuất thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên những sản phẩm dùng công nghệ mới phả gọi cho đúng tên, giống như cá hộp khác với cá muối hay xúc xích khác với chả lụa.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Dũng – Nguyên Phó chủ nhiệm CLB nước chấm TP.HCM, người có 40 năm theo đuổi nghề sản xuất nước mắm cho hay vướng mắc nằm ở chỗ bộ quy chuẩn chưa cụ thể. Vì thế mới có chuyện hiểu theo cách lập lờ, đánh tráo khái niệm.
Theo ông Dũng, cần phải xây dựng bộ quy chuẩn dựa trên tính rào cản. Nâng quy chuẩn về độ đạm trong nước mắm cao là đã bảo vệ được nước mắm truyền thống. Còn cho phụ gia gì thêm vào thì phải ghi rõ ràng trên nhãn mác và ông khuyến khích dùng phụ gia có nguồn gốc tự nhiên.
“Nước mắm của Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, trong khi đó các nhà khoa học của Pháp, Nhật, Mỹ làm rất kỳ công. Chúng ta chưa nắm được mùi hương nước mắm tạo theo cơ chế nào. Muốn bảo vệ sản phẩm “quốc hồn quốc tuý” thì chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa”, ông Dũng chia sẻ.
Chưa thống kê hết thiệt hại
Bà Lê Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho hay, sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ ngưới tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả kiểm nghiệm asen trong nước mắm, đến nay nhiều DN phản ánh việc bán hàng bị ngưng trệ, kinh doanh điêu đứng. Theo bà Chi, thông tin của VINASTAS gây thiệt hại là rõ ràng nhưng đến nay DN vẫn chưa thống kê hết được.
Dưới góc độ DN, ông Trần Hữu Hiền – Giám đốc điều hành công ty TNHH SX-TM-DV Bảy Hồng Hạnh cho rằng thông tin VINASTAS công bố như “cơn bão”, gây hoang mang cho cả DN sản xuất nước mắm và người tiêu dùng. Để tự bảo vệ DN mình cũng như trả lời cho các đối tác nhập hàng, ông Hiền cho biết công ty đã tự bỏ tiền kiểm nghiệm các sản phẩm của công ty. Kết quả cho thấy không phát hiện asen vô cơ.
“Người dân ở các thành phố lớn có điều kiện cập nhật thông tin nên mức độ ảnh hưởng không lớn, nhưng ở vùng sâu vùng xa người dân vẫn còn hoang mang lắm. Tôi đề nghị nên thông báo rộng rãi trên báo đài, ban quản lý các chợ rằng asen hữu cơ trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không gây hại”, ông Hiền nói.
Bà Bùi Thị Sách – Chủ thương hiệu nước mắm Nam Phan lo ngại, nếu nâng tiêu chuẩn về độ đạm lên cao để phân biệt nước mắm truyền thống với công nghiệp thì e rằng các DN miền Trung như Nam Phan sẽ không đáp ứng được. Bởi tuỳ theo nguyên liệu cá từng vùng miền mà cho ra độ đạm khác nhau, như ở Ninh Thuận thì cao nhất là 30 độ đạm. Do vậy, khi xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật cũng nên lưu ý vấn đề này tránh gây khó khăn cho DN.
Đại diện DN sản xuất nước mắm Hạnh Phúc, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho rằng suốt những ngày qua DN ông thật sự rơi vào khó khăn bởi công ty ông chuyên biệt sản xuất nước mắm cao đạm.
“Uy tín của nước mắm Việt đã lan ra các nước trên thế giới, thiệt hại khó có thể cân đo đong đếm được. Để ngăn ngừa hiệu quả những vụ việc tương tự, cơ quan quản lý của Nhà nước cần ban hành quy chuẩn cho sản phẩm, đừng để hiệu một cách lập lờ. Tuy nhiên, qua vụ việc này người tiêu dùng có thêm nhiều kiến thức về nước mắm hơn”, ông Hùng cho hay.
PGS.TS Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (Giảng viên thỉnh giảng trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay, thạch tín là hoạt chất vô cơ. Mặc dù đây là chất độc nhưng vẫn được sử dụng làm thuốc trong Đông y lẫn Tây y. Còn với asen hữu cơ lại có trong hầu hết sinh vật biển. Ở các nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về asen trong hải sản. Theo PGS.TS Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, nước mắm được làm từ nhiều loại cá biển nên không khác gì thuốc bổ vì chứa nhiều a xít a min, giúp hấp thu tốt. Hàng ngàn năm nay người Việt ăn nước mắm truyền thống chưa bao giờ ngộ độc, nếu có thì chắc chắn đã thêm phụ gia vào. “Kiểm nghiệm kim loại nặng trong nước mắm thì người ta chỉ kiểm tra hàm lượng chì và thuỷ ngân, chứ chưa thấy kiểm định asen bao giờ. Chúng ta có thể an tâm dùng nước mắm theo cách làm truyền thống của ông cha ta từ bao đời nay”, PGS.TS Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức đúc kết. |