Khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ - loại Arsen gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng
Nước mắm vẫn an toàn
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) vừa công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc.
Kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm đóng chai, có cơ sở sản xuất tại 19 tỉnh thành cho thấy: 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.
Trong đó có 51% mẫu nước mắm có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amoniac.
Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu Arsen (Thạch tín) tổng theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, có 101/150 mẫu không đạt quy định, có hàm lượng Arsen tổng dao động từ trên 1,0mg/L đến 5mg/L.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký VINASTAS cho biết, theo quy định của Bộ Y tế về hàm lượng thạch tín cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/L.
Nước mắm chứa Arsen (thạch tín) vượt ngưỡng nhưng vẫn an toàn
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu các hàm lượng Arsen càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ - loại Arsen gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L).
Thông tin “95,65% nước mắm có độ đạm càng cao, chứa thạch tín nặng” đã khiến dư luận hết sức hoang mang bởi từ lâu nay nước mắm luôn là gia vị không thể thiếu đối với các gia đình Việt Nam.
Song, ông Vương Ngọc Tuấn khẳng định “Rất may 20 mẫu có Arsen tổng vượt ngưỡng không phát hiện Arsen vô cơ. Arsen phát hiện là Arsen hữu cơ, không độc. Điều đó chứng tỏ nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo ngại về việc Arsen vượt ngưỡng", ông Tuấn nói.
“Có người hỏi tôi rằng như vậy nghĩa là nước mắm có hàm lượng đạm cao là không tốt? Nói như vậy là không đúng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang phải trả tiền cho quảng cáo ảo. Theo quy định, nước mắm phải có hàm lượng đạm 10g/lít nhưng thực tế có nhiều loại không đạt nhưng vẫn gọi là nước mắm.
Ông khẳng định, mục đích của cuộc khảo sát là doanh nghiệp phải công bố thông tin trung thực, minh bạch để người tiêu dùng có thể lựa chọn. Bên cạnh đó, những nhập nhèm trên thị trường nước mắm hiện nay được cho là do thiếu quy chuẩn, do đó các cơ quan quản lý cần nghiên cứu có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm trên thị trường, kiểm tra quy trình sản xuất, ghi nhãn công bố.
Trước kết quả khảo sát, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định đây là Arsen hữu cơ chứ không phải Arsen vô cơ. Còn chỉ tiêu Arsen hữu cơ vượt ngưỡng có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không cần có nghiên cứu, đánh giá sâu.
Theo ông, trong báo cáo mới chỉ nói đến độ đạm và chất lượng chứ chưa thấy độc chất. Ông Dũng khẳng định, chưa thấy loại nước mắm nào là không an toàn. Điều quan trọng hiện nay là các nhà sản xuất có công bố công khai và minh bạch thành phần nước mắm, nước chấm hay không.
“Đây là kết quả khảo sát chứ chưa phải là kết quả giám định, kiểm định để làm cơ sở xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đây là nguồn tin quan trọng để các doanh nghiệp công bố đúng thông tin, để người dân hiểu được, tránh việc công bố một đằng nhưng thực tế hàm lượng lại thấp hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc có công bố danh sách 88 thương hiệu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép không, ông Vương Ngọc Tuấn cho biết mục đích của khảo sát này là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm. Sau hội thảo, nếu cơ quan quản lý nhà nước cho phép công bố Hội sẽ công bố.
Cuộc chiến nước mắm công nghiệp và truyền thống?
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết,cuộc khảo sát của VINASTAS là sự cảnh báo về mặt xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm, nước chấm phải tự nhìn nhận sản phẩm của mình có đúng như công bố hay không, có đảm bảo an toàn hay không. Doanh nghiệp cần công khai minh bạch thông tin để người tiêu dùng có quyền lựa chọn.
Về kết quả khảo sát “nước mắm có độ đạm càng cao có arsen vượt ngưỡng nặng”, ông Quang cho biết, phía Bộ Y tế không bình luận gì về kết quả khảo sát. Theo ông, chỉ khi cơ quan Bộ Y tế lấy mẫu, nếu phát hiện nước mắm có kim loại nặng, vi sinh vượt giới hạn cho phép thì Bộ sẽ công bố, có ý kiến.
Cũng tại Hội thảo "Nước mắm- Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống" do Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức mới đây, những người bảo vệ nước mắm truyền thống thì tố nước mắm công nghiệp đạm thấp, có chất bảo quản. Trong khi đó nhóm còn lại cảnh báo nước mắm đạm cao thường chứa arsen vượt ngưỡng.
Nhiều ý kiến cho rằng đang xảy ra cuộc chiến nước mắm giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, ông Quang cho rằng sẽ không có cuộc chiến nào cả. Luật không cấm sản xuất nước mắm công nghiệp hay truyền thống. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh lành mạnh, sản phẩm đưa ra phải đảm bảo công khai minh bạch, phải có nhãn mác, công khai hàm lượng... Sản xuất nước mắm hay nước chấm đều phải đảm bảo quy chuẩn về kim loại nặng và quy chuẩn liên quan đến vi sinh.
“Nói sản xuất nước mắm thủ công có nhiều độc tố hơn công nghiệp thì rất khó xác định. Với kinh nghiệm sản xuất nước mắm truyền thống, thủ công, chúng ta đã có nhiều sản phẩm có tiếng vang trên thị trường. Các sản phẩm về cơ bản đảm bảo an toàn”, ông Quang cho biết.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cũng cho biết thêm, Bộ sẽ đề xuất có quy chuẩn cho nước mắm mang đặc thù của Việt Nam. Khi có những quy định quy chuẩn này thì sản xuất nước mắm công nghiệp hay thủ công đều phải đảm bảo an toàn. Nếu đó là quy chuẩn quốc gia thì sản xuất nước mắm truyền thống sẽ còn khẳng định được thương hiệu, đặc trưng của nước mắm Việt.