Áp lực bán ra chốt lời ngày càng mạnh trong khi lực cầu thấp nên chứng khoán chìm trong sắc đỏ.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Sau nhiều phiên tăng mạnh với thanh khoản rất cao, thị trường chứng khoán đang bước vào nhịp điều chỉnh ngày càng rõ nét hơn. Tiếp đà giảm của phiên đầu tuần, mở cửa sáng nay, sắc đỏ sớm xuất hiện trên bảng giao dịch điện tử. Càng giao dịch, áp lực bán ra càng mạnh trong khi lực cầu khá rụt rè.
Nhà đầu tư không dám lạc quan tin rằng hôm nay chứng khoán đảo chiều đi lên. Vì vậy, lực mua giá thấp áp đảo lực mua giá cao. VN-Index đuối dần, có thời điểm chỉ số này giảm tới 5 điểm và lùi về ngưỡng 525 điểm. Sau những đợt giằng co mạnh, VN-Index không thể giữ được ngưỡng 630 điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 16/9, VN-Index giảm 2,68 điểm, tương ứng 0,43% và đóng cửa ở mức 627,66 điểm.
Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đi lùi sau phiên tăng vọt. Tổng khối lượng giao dịch đạt 180.897.170 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 3.230,8 tỷ đồng, giảm 14,5% về khối lượng, giảm 20% về giá trị so với hôm qua. Khối lượng thỏa thuận sụt giảm mạnh, đạt 4.707.850 cổ phiếu, tương đương 233,81 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận có 93 mã tăng giá, 74 mã đứng giá và 118 mã giảm giá.
VN30-Index giảm nhẹ hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, VN30-Index giảm 1,76 điểm, tương ứng 0,26% dừng ở mức 666,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81.080.390 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.788,89 tỷ đồng, chiếm 50% giao dịch toàn sản thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm VN30-Index có 7 mã tăng giá, 9 mã đứng giá và 14 mã giảm giá.
Hôm nay, blue-chip rất nỗ lực “giải cứu” thị trường. Tuy nhiên, do một số mã đuối sức nên blue-chip không thể đưa cả VN-Index và VN30-Index tìm lại sắc xanh. Dù vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn ghi nhận 3 blue-chip giao dịch lạc quan khi “vượt bão” và tăng trần. Đó là DRC, PVT và CSM.
DRC tăng 3.500 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP. CSM tăng 3.100 đồng/CP lên 37.600 đồng/CP. PVT tăng 1.200 đồng/CP lên 19.600 đồng/CP. Trong 3 mã này, có 2 mã thuộc họ cao su, một mã thuộc họ dầu khí.
Cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì được đà tăng ấn tượng dù nhiều thời điểm rung lắc mạnh. Cuối phiên, nhiều penny họ dầu khí dừng trong sắc tím. PXI tăng 700 đồng/CP lên 11.500 đồng/CP. PXS tăng 2.800 đồng/CP lên 42.800 đồng/CP. PXT tăng 400 đồng/CP lên 7.000 đồng/CP. PXI có sự bứt phá ngoạn mục vì đầu phiên giảm sàn xuống 10.100 đồng/CP.
Cổ phiếu thủy sản nhanh chóng hạ nhiệt. Không nhiều mã giữ được sắc tím. AGF tăng 1.600 đồng/CP lên 25.600 đồng/CP. Trong khi đó, đa số cổ phiếu thủy sản quay đầu giảm điểm. ACL giảm 200 đồng/CP xuống 13.400 đồng/CP.
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội có phiên giao dịch lạc quan hơn sàn thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các chỉ số đều dừng trong sắc xanh. Chốt phiên giao dịch 16/9, HNX-Index tăng 0,74 điểm, tương ứng 0,83% và đóng cửa ở mức 90,15 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội giảm nhẹ.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 90.768.249 cổ phiếu, tương ứng 1.297,399 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.266.919 cổ phiếu, tương ứng 30,05 tỷ đồng, đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 96 mã tăng giá, 71 mã đứng giá và 111 mã giảm giá.
HNX30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn HNX-Index. Chốt phiên ngày 16/9, HNX30-Index tăng 2,93 điểm, tương ứng 1,59% và đóng cửa ở mức 187,15 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 52.301.900 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 895,34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất lớn trên sàn Hà Nội. Trong nhóm ghi nhận 19 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 5 mã giảm giá.
Nếu blue-chip không thể “giải cứu” được sàn thành phố Hồ Chí Minh thì blue-chip trên sàn Hà Nội làm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này. Blue-chip góp phần không nhỏ đưa các chỉ số duy trì được sắc xanh. Trong đó, PVC và SHS gây ấn tượng khi tăng trần. PVC tăng 4.000 đồng/CP lên 44.800 đồng/CP. SHS tăng 1.100 đồng/CP lên 12.500 đồng/CP.
Một số blue-chip khác cũng tăng khá mạnh. DXP tăng 3.400 đồng/CP lên 45.000 đồng/CP. DBC tăng 2.000 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP. LAS tăng 900 đồng/CP lên 35.400 đồng/CP. PVS tăng 400 đồng/CP lên 45.200 đồng/CP. PVG tăng 300 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP.