Giá USD đã hạ nhiệt tại các ngân hàng trong chiều nay (18.3) song trên thị trường tự do, giá USD quy đổi từ VNĐ vẫn nhích tăng do tâm lý người dân.
Đến cuối giờ chiều 18.3, tỷ giá niêm yết trong các ngân hàng đã giảm 20-30 đồng so với mức đỉnh hôm 17.3. Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 21.430 – 21.490 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với ngày 17.3.
Giá USD đã hạ nhiệt tại các ngân hàng trong chiều nay (18.3)
Eximbank giao dịch USD ở mức mua vào là 21.420 đồng/USD và bán ra ở ngưỡng 21.500 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào so với ngày 17.3.
Ngân hàng BIDV tỷ giá USD/VND điều chỉnh giảm 10 đồng chiều mua vào xuống mức 21.440 đồng/USD và giữ nguyên chiều bán ra là 21.500 đồng/USD.
Ngân hàng Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức 21.410 đồng/USD chiều mua vào và bán ra ở mức 21.510 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào so với ngày 17.3.
Ngân hàng ACB tỷ giá USD/VND hiện niêm yết ở mức 21.430- 21.510 đồng/USD (mua vào- bán ra), tăng 10 đồng cả hai chiều mua và bán so với ngày hôm qua.
Ngân hàng HSBC tỷ giá USD/VND cũng điều chỉnh tăng 10 đồng và hiện niêm yết ở mức mua vào 21.430 đồng/USD- bán ra 21.530 đồng/USD.
Ngân hàng VIB tỷ giá USD/VND niêm yết mua vào 21.420 đồng/USD và bán ra là 21.510 đồng/USD.
Ngân hàng VPbank tỷ giá USD/VND niêm yết ở mức mua vào 21.410 đồng/USD- bán ra 21.510 đồng/USD.
Trong khi các ngân hàng đã giảm giá bán loại ngoại tệ này thì tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giá mua bán đồng bạc xanh này vẫn tăng thêm 30-40 đồng so với hôm qua khi báo giá lập đỉnh mới là 21.790 - 21.810 đồng đổi một USD.
Thị trường ngoại tệ đã liên tục có những đợt sóng trong những ngày vừa qua khi tỷ giá có ngày tăng 50-70 đồng.
Hiện tượng tỷ giá USD/VND “nổi”, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh là khá bất thường bởi nhu cầu USD cho hoạt động nhập khẩu vào thời điểm này thường không quá cao. Hơn thế, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND thêm 1% ngay hồi đầu năm, từ mức 21.246 đồng lên 21.458 đồng.
Nhiều người lo ngại, USD giảm hiện nay có yếu tố “neo” của Nhà nước, song thực tế tỉ giá có thể còn tăng tiếp theo diễn biến mạnh lên của đồng tiền này trên thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tỷ giá tăng mạnh những ngày qua tại Việt Nam ít nhiều có yếu tốt tâm lý của thị trường khi đồng USD mạnh lên chứ không xuất phát từ nhu cầu thanh toán thực.
Nhìn chung các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, biến động về tỷ giá chưa đáng lo ngại, bởi theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước biên độ điều chỉnh tỷ giá năm nay là 2% và đã thực hiện điều chỉnh 1% thời điểm tháng 1, như vậy dư địa từ nay đến cuối năm là 1%. Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) thì đề xuất: “Trong thời gian tới nếu USD tiếp tục mạnh lên thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách tỷ giá linh hoạt, sát với thị trường hơn”.