Giá xăng giảm 500 đồng/lít: Dân càng thêm bức xúc!

Ngày 11/04/2013 09:50 AM (GMT+7)

Xung quanh việc giá xăng giảm 500 đồng/lít, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm như thế chỉ khiến người tiêu dùng bức xúc, chỉ là biện pháp sửa sai cho lần tăng giá xăng khủng trước đó...

Điều hành hợp lý?

Chiều 10.4, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính những vấn đề về giá, quản lý giá, trong đó có giá xăng dầu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định:

Ngày 8.4 vừa qua, sau khi chốt giá bình quân cơ sở 30 ngày thì kết quả chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở của các chủng loại xăng dầu lần lượt là 481 đồng/lít đối với xăng Ron A 92,445 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu trong nước còn thấp hơn nhiều so với barem quy định nhưng để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn chưa khôi phục thuế suất mà thay vào đó quyết định chủ động giảm giá.

“Cách điều hành như vậy là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu”- ông Tuấn nói.

Giá xăng giảm 500 đồng/lít: Dân càng thêm bức xúc! - 1
Giá xăng dầu giảm nhỏ giọt khiến người dân càng thêm bức xúc.

Riêng về quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Tuấn giải thích: Cứ 3 tháng Cục Quản lý giá lại yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thông báo về tình hình quản lý quỹ và sử dụng quỹ 1 lần, chính vì vậy lãnh đạo cơ quan quản lý giá khẳng định: “Công tác điều hành quỹ như vậy là hoàn toàn minh bạch”. Tính đến ngày 21.3 quỹ bình ổn đã âm hơn 430,9 tỷ đồng. “Nếu ai chưa hiểu rõ về quỹ bình ổn thì có thể xem lại Thông tư 234” - ông Tuần đề nghị.

Tuy nhiên, khác với giải thích của lãnh đạo Bộ Tài chính, các chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu như vậy càng khiến cho người dân thêm bức xúc. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nói thẳng: “Quyết định giảm 500 đồng/lít xăng của Bộ Tài chính vừa qua chỉ khiến cho người tiêu dùng bức xúc vì mức giảm quá ít”.

Theo ông Thắng, người dân thấy rằng khi giá thế giới tăng thì giá trong nước lập tức nhảy vọt lên theo, mức tăng thì rất lớn, nhưng giá thế giới giảm thì giá trong nước chỉ giảm rất ít, điều này dường như đã trở thành quy luật bất biến.

Chưa kể, sau "cú" tăng giá bị cho là "phản cảm" vừa qua, dư luận ầm ầm lên tiếng phản đối thì giá xăng dầu mới chịu giảm như hiện nay nhưng lại giảm không đáng kể. Giá xăng dầu lẽ ra phải giảm từ giữa tháng 3 vừa qua nếu các khoản chi phí hình thành giá bán lẻ được minh bạch và quyền lợi của người tiêu dùng được đặt lên đúng mức.

Cần xem lại cơ chế định giá xăng

Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện nay, cơ sở cấu thành giá bán lẻ xăng dầu và cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn chưa minh bạch. Tại sao chúng ta không dựa theo giá cả nhập khẩu thực tế của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở thời điểm cụ thể để kết luận doanh nghiệp xăng dầu lỗ hay lãi để từ đó quyết định điều chỉnh tăng- giảm giá xăng dầu hợp lý(?).

“Tôi cho rằng, không thể kết luận doanh nghiệp lỗ lãi để đưa ra quyết định tăng/giảm giá chỉ dựa theo giá trung bình tại Singapore và lúc thì áp 30 ngày, lúc lại 20 ngày như hiện nay”- ông Lê Đăng Doanh nói.

Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, qua số liệu của Bộ Công Thương cũng thấy rõ, thời điểm nào giá xăng dầu thế giới giảm thì doanh nghiệp nhập về rất lớn, ngược lại giá tăng họ nhập rất ít, do vậy tính toán của Bộ Tài chính về giá cơ sở so với giá bán lẻ cho đến nay vẫn có quá nhiều điểm không rõ ràng, dẫn tới không minh bạch trong giá xăng dầu hiện nay.

Cách tính giá trung bình 30 ngày theo giá thế giới thay vì giá thực nhập của doanh nghiệp, nhiều khoản không rõ giữa quy định và thực tế, phân phối lợi nhuận định mức được tính trong giá cơ sở... đã khiến thông tin về giá xăng dầu rất mù mờ. “Cơ chế định giá, kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu phải được xem lại thì mới đảm bảo việc tăng- giảm giá xăng dầu không gây bức xúc cho người dân”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Chỉ là biện pháp “sửa sai”

Thời điểm tăng giá xăng dầu đã có vấn đề. Người dân đang thấy việc giảm giá của các bộ ngành chỉ là biện pháp "sửa sai" quyết định tăng giá trước đó, chứ không liên quan gì đến chủ trương kiềm chế lạm phát hay vì người tiêu dùng gì cả. Ngay từ đầu chúng ta đã chưa minh bạch được yếu tố thời điểm tăng, giảm giá. Lần tăng giá mới đây đã không thuyết phục nên dù có giảm tí chút hiện nay cũng không thuyết phục. Tuy giảm được 500 đồng/lít nhưng giá xăng hiện hành vẫn cao vì lần tăng trước, ngày 28.3, liên bộ cho phép tăng ở mức rất cao là 1.430 đồng/lít.

Chưa kể, cơ sở tính toán của các bộ ngành thế nào khi giảm giá cũng không rõ, bởi lẽ ra giá xăng dầu có thể phải giảm nhiều hơn chứ không chỉ 500 đồng/lít. Xăng dầu của ta nói là theo cơ chế thị trường nhưng lại được quyết định bởi các biện pháp hành chính nên tăng hay giảm đã bị trễ so với thực tế. Tôi cho cứ với cách quản lý, điều hành như thế này thì giá xăng dầu vẫn còn mù mờ, chậm chạp và cuối cùng người tiêu dùng vẫn thiệt thòi nhất.

Nguyễn Phương (ghi)

Đọc thêm: 18h tối nay, giá xăng giảm 500 đồng/lít

Theo Mai Hương - Hương Thủy (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas