Các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM chuẩn bị hơn 15.000 tỉ đồng hàng hóa phục vụ 2 tháng trước và sau Tết
Bắt đầu từ tháng 10-2014, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị hàng Tết. Dự báo sức mua thị trường chỉ tăng nhẹ so với Tết 2014 nên hầu hết DN khá dè dặt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Sở Công Thương TP HCM, sức mua có nhiều chuyển biến tốt. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tháng 1-2015 tăng nhẹ so với cùng kỳ trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm, cộng thêm việc tăng lương đầu năm 2015 sẽ là những điều kiện thuận lợi cho DN bán hàng Tết.
Sức mua tăng 10%-15%
Đa số DN bình ổn thị trường đều đánh giá thị trường Tết này sẽ tăng khá và đã chuẩn bị lượng hàng tăng hơn 10%, có DN chuẩn bị tăng đến 20%. Các DN ngoài chương trình bình ổn cũng chuẩn bị mức tăng 10%-15%.
Chuẩn bị lượng hàng tăng 10% so với năm 2014, Công ty CP Kinh Đô cho biết tiến độ đưa hàng ra thị trường đã nhanh hơn kế hoạch 5% và 80% lượng hàng Tết đã ra thị trường. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh Đô, cho biết ngay từ đầu đã dự báo ngành bánh kẹo nói chung và Kinh Đô nói riêng sẽ giữ được mức tăng trưởng tốt mùa Tết này. “Kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định trong thời gian tương đối dài, lạm phát được kiềm chế, các lĩnh vực khá nhạy cảm như tài chính, chứng khoán, bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều DN đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng, DN nào không vượt qua được đã rời cuộc chơi, những DN còn lại đã được cọ xát. Tết là dịp quan trọng cho các DN muốn củng cố mối quan hệ với các đối tác, đồng nghiệp, cán bộ công nhân viên, người thân, gia đình… nên nhu cầu mua biếu tặng ít nhất phải bằng năm trước” - ông Luân phân tích.
Kinh tế ổn định, giá xăng dầu giảm nên dự kiến Tết năm nay sức mua sẽ tăng mạnh Ảnh: TẤN THẠNH
Thừa nhận rất “đau đầu” trong kế hoạch hàng Tết, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, thở phào nhẹ nhõm khi thấy tín hiệu thị trường sau Tết dương lịch khả quan hơn. Vào thời điểm này những năm trước, các DN thường tăng giá. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết DN công bố không tăng giá kèm chương trình khuyến mãi kích cầu nên người tiêu dùng yên tâm hơn. Gần đây, giá xăng dầu giảm liên tục càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Đó là những điều kiện làm sức mua tăng.
Phát huy lợi thế hàng Việt
Hàng hóa các nước đã theo chân nhà đầu tư, DN nước ngoài và thông qua các DN xuất nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực bánh kẹo, thực phẩm - mặt hàng chủ lực biếu tặng, tiêu dùng ngày Tết - sự cạnh tranh giữa thương hiệu nội địa và ngoại nhập diễn ra gay gắt. Làm thế nào để cạnh tranh với hàng ngoại, giữ vững và phát triển thị phần trong mùa kinh doanh lớn nhất năm là bài toán chung của nhiều DN.
Người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn nên yêu cầu cao hơn, đòi hỏi sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn và mẫu mã đẹp hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Luân, lĩnh vực bánh kẹo Tết gồm 3 phân khúc nhu cầu chính: Với nhu cầu mua biếu tặng, xu hướng nghiêng về chất lượng cao hơn, thương hiệu uy tín hơn và món quà phải trang trọng hơn. Nhu cầu mua về cúng thì sản phẩm mang xu thế truyền thống có ưu thế ở phân khúc này. Phân khúc mua tiêu dùng hoặc đãi khách thì ưu tiên sự tiện lợi, chất lượng, uy tín, khẩu vị ngon, khác lạ. Sản phẩm của DN Việt Nam hiện đáp ứng được tính truyền thống và giá cả hợp lý. Kinh Đô đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, công nghệ nên sản phẩm nhắm đến lợi thế là chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, quy cách bao bì bắt mắt… cho tất cả phân khúc; gầy dựng niềm tin yêu của người tiêu dùng và từng là thương hiệu được yêu thích thứ hai trong Tết 2014.
Luôn đưa ra thị trường những sản phẩm mới, độc đáo, Sài Gòn Food xác định đó là lợi thế cạnh tranh của DN mình. Thời gian qua, tủ đông của các siêu thị đầy ắp hàng vì khá nhiều DN xuất khẩu thủy hải sản gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu đã quay về chen chúc nhau ở thị trường nội địa. Thấy được thực tế đó, Sài Gòn Food đã đột phá sang các sản phẩm bảo quản ở tủ mát hoặc nhiệt độ bình thường. Mặt hàng cháo tươi sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, đóng gói với bao bì rất cao cấp đã ra đời và được người tiêu dùng chấp nhận.
Cạnh tranh trên 4 “mặt trận” DN trong nước đã có thời gian dài để cọ xát, chuẩn bị cho hội nhập, cạnh tranh. DN ngoại đầu tư vào Việt Nam mở nhà máy sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng Việt. Sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam tuy giảm thuế nhưng chi phí vận chuyển không rẻ và bị giới hạn bởi hàng rào kỹ thuật. Đó là chưa kể sự khác biệt về văn hóa, am hiểu người tiêu dùng. Vì vậy, không phải lúc nào hàng ngoại cũng có ưu thế hơn hàng Việt. Theo tôi, DN Việt phải cạnh tranh trên 4 “mặt trận”. Trước tiên, phải đưa được sự phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng vào sản phẩm. Kế đến là kiểm soát giá, chi phí, đầu tư hệ thống phần mềm quản lý để tiết giảm chi phí. Kênh phân phối thì phải đẩy mạnh kênh truyền thống vì DN trong nước có lợi thế hơn ở kênh này và ít bị DN ngoại cạnh tranh. DN Việt Nam thường không có nhiều tiền để đầu tư cạnh tranh thương hiệu với nước ngoài và mắc sai lầm là danh mục sản phẩm quá dàn trải. Cho nên, muốn xây thương hiệu thì phải mạnh dạn quy hoạch lại doanh mục sản phẩm, tập trung vào một vài sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó. Ông Nguyễn Xuân Luân Giảm giá mạnh chưa từng có Đến nay, Sở Công Thương TP HCM đã tiếp nhận đăng ký trên 1.300 chương trình khuyến mãi Tết của các DN trên địa bàn với tổng giá trị khuyến mãi khoảng 700 tỉ đồng. Các DN bình ổn thị trường cũng thông qua kế hoạch khuyến mãi Tết, đã thực hiện giảm giá thịt gia súc từ 5%-10% và giữ nguyên giá này đến sau Tết. Cận Tết, hàng bình ổn sẽ giảm giá thêm. Các DN cũng đẩy mạnh việc mở rộng điểm bán, bán hàng lưu động đến các chợ truyền thống, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Việc giảm giá tập trung cận Tết nhằm hỗ trợ người tiêu dùng khó khăn có điều kiện mua sắm vào giờ chót. Mọi năm, cứ cận Tết giá cả sẽ tăng nhưng năm nay, DN tung lượng hàng rất lớn và tăng thời gian bán hàng, giảm giá khuyến mãi, công bố các điểm bán rộng khắp trên địa bàn TP HCM... nên chúng tôi tin rằng người dân cũng sẽ mua được nguồn hàng chất lượng tốt, giá ổn định. Ông Nguyễn Nguyên Phương (Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TP HCM) Nâng tầm hàng nội Hàng ngoại nhập tràn lan. Vì vậy, bên cạnh việc đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng hàng Việt, xứng tầm cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì chúng ta còn phải quan tâm làm sao cho mẫu mã bao bì phải đẹp. Bên cạnh đó, hầu hết DN Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng kênh phân phối. Sài Gòn Food cũng yếu mặt này nên mục tiêu trong năm 2015 chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng cho được kênh phân phối truyền thống, có như vậy sản phẩm mới đến được nhiều người tiêu dùng và cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bà Lê Thị Thanh Lâm |