Thuộc danh mục bình ổn giá nhưng theo quy chuẩn mới, sữa nhập khẩu được Bộ Y tế cho phép “đội lốt” dưới tên gọi khác để rồi mặc sức tăng giá vô tội vạ vì thoát khỏi sự quản lý của cơ quan chức năng.
Trong khi hai cơ quan quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang đổ lỗi cho nhau việc “thay tên đổi họ” khiến giá sữa trở thành “con ngựa bất kham”, người tiêu dùng tiếp tục bị “móc túi” một cách trắng trợn.
Lợi dụng kẽ hở
Hiếm mặt hàng nào có tốc độ tăng giá như các sản phẩm sữa nhập khẩu. Theo bảng thống kê giá một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, mức giá nhập khẩu là 4-5 USD/hộp (khoảng 80.00-100.000 đồng) song giá bán lẻ trên thị trường lên tới 400.000-900.000 đồng/hộp.
Trong những sản phẩm “1 vốn 8-9 lời”, sữa Nestle Kinder giá nhập khẩu chỉ 105.500 đồng nhưng giá bán lẻ trên thị trường đã lên tới 950.000 đồng; sữa Similac Advance có giá nhập khẩu 105.500 đồng, bán ra thị trường 560.000 đồng; sữa Similac Go&Grow nhập khẩu ở mức 105.500 đồng nhưng đến tay người tiêu dùng là 670.000 đồng...
Nhiều sản phẩm sữa hiện nay có tên gọi là sản phẩm công thức dinh dưỡng
Bà Nguyễn Thu Hiền - chủ một cửa hàng sữa ở quận Ba Bình, TP Hà Nội - cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, cùng với những thay đổi về tên gọi trên bao bì sản phẩm, nhiều loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi đã điều chỉnh tăng giá. Đơn cử, sữa Pediasure của Abbott đầu năm 2013 đã tăng 5%-7% so với giá cũ. Với những sản phẩm nhập khẩu đắt tiền, chỉ tăng vài phần trăm là giá đã “đội” thêm hàng chục ngàn đồng/hộp.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, giá sữa từ năm 2009 đến nay đã tăng đến vài chục lần, mỗi năm trung bình 2-3 đợt tăng giá, có năm tăng đến 5 lần. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, giá sữa đã tăng đến 3 lần, mỗi lần tăng ít nhất 5%-10% giá bán.
Ông Ngô Trí Long cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến giá sữa tăng, như thuế, phí, chi phí vận chuyển, quảng cáo... của doanh nghiệp. Việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân làm giá sữa tăng mà không được quản lý.
“Việc ban hành quy chuẩn khiến các sản phẩm sữa trước kia biến thành “thực phẩm dinh dưỡng” là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng tăng giá thoải mái, trốn tránh vòng quản lý giá của Bộ Tài chính” - ông Long khẳng định.
Cả 2 bộ phải chịu trách nhiệm
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho rằng việc thay đổi tên gọi không phải là nguyên nhân làm sữa tăng giá. Quản lý giá sữa được quy định từ năm 2008 nhưng đến năm 2013, việc định danh này mới có. Từ đó đến nay, khi chưa có việc đổi tên thì sữa vẫn tăng giá.
Ông Phong giải thích việc định danh lại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là để phù hợp với các quy định, thông lệ quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Lâu nay, người tiêu dùng đã nhầm lẫn khi gọi tất cả sản phẩm có thành phần sữa bột là sữa. “Theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác của quốc tế, sữa bột phải đạt 34% độ đạm, dưới mức này chỉ là sản phẩm dinh dưỡng nhưng do thói quen lâu nay, tất cả đều được quy là sữa” - ông Phong nói.
Tuy nhiên, dù được “đội lốt” với bất kỳ tên gọi nào thì thành phần các “sản phẩm dinh dưỡng” cũng không khác gì so với sữa. Thực tế, kể từ khi được “thay tên đổi họ”, cả bên bán lẫn người mua vẫn hiểu đây là sữa bột và trong giao dịch vẫn được gọi với tên duy nhất là sữa.
Chị Trần Vân Anh - chủ một siêu thị tư nhân ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - cho biết khá bất ngờ khi khách hàng thắc mắc tại sao sữa lại đổi tên thành “sản phẩm công thức dinh dưỡng” vì chưa khi nào chị nhận được thông báo về việc điều chỉnh tên gọi. Chị băn khoăn: “Tôi từng đem 2 sản phẩm ra so sánh thành phần nhưng thấy chẳng khác gì, từ hàm lượng đến mẫu mã. Nếu khác chỉ là tên gọi “sữa bột” trước đây và nay thành “sản phẩm công thức dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thức ăn dinh dưỡng”.
Những ngày gần đây, giá sữa lại làm nóng dư luận khi “quả bóng” trách nhiệm được 2 cơ quan quản lý là Bộ Y tế và Bộ Tài chính “đá qua, đá lại”. Sẽ chẳng có gì đáng nói về chuyện “bình mới rượu cũ” nếu không phát hiện rằng chỉ bằng việc “thay tên đổi họ” này, các sản phẩm sữa đã thoát một cách ngoạn mục khỏi sự quản lý về giá như một mặt hàng cần bình ổn, khiến người tiêu dùng phải gánh chịu sự tăng giá vô tội vạ.
Theo TS Ngô Trí Long, nguyên nhân chính là do sự bất cập trong quản lý và sự bất lực của cơ quan chức năng. “Quản lý giá sữa liên quan đến Bộ Tài chính và Bộ Y tế nhưng cả 2 cơ quan đều thiếu trách nhiệm. Hai bộ đã từng ngồi họp bàn với nhau nhưng bộ này đề nghị bộ kia làm, không bên nào đứng ra chủ trì, dẫn đến tình trạng sản phẩm thiết yếu đến đời sống bị bỏ lửng quản lý” - ông Long bức xúc.
Đổi tên, giá sữa thoát sự quản lý Đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng bộ này chỉ quản lý giá đối với những mặt hàng trong danh sách bình ổn, còn những sản phẩm gọi là sữa trước đây (nay là sản phẩm dinh dưỡng) không thuộc danh mục bình ổn nữa thì không quản được. Chỉ sản phẩm nào là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thì bộ mới quản lý giá, còn sản phẩm dinh dưỡng chỉ cần doanh nghiệp báo cáo với Cục An toàn thực phẩm. Do các sản phẩm này hiện chưa có phương án nào quản lý nên cần thiết phải chuẩn hóa tên gọi, điều này phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế. |