Thịt lợn trong nước liên tục rớt giá từ cuối năm 2016 và rẻ nhất trong 10 năm qua, trong khi nguồn cung rất dồi dào. Thịt lợn ngoại nhập vào Việt Nam với giá rất rẻ, trung bình chỉ 27.000 đồng/kg đang khiến người chăn nuôi điêu đứng.
“Chuộng” thịt nhập khẩu vì giá rẻ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt lợn khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng. Còn năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng/kg, thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng/kg. Con số thịt lợn nhập khẩu đó không có gì đáng nói nếu như thị trường thịt lợn trong nước khan hiếm.
Thực tế, theo khảo sát của chúng tôi, giá lợn thịt thành phẩm trong nước phổ biến từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Những số liệu đó cho thấy bất lợi về giá của thịt lợn trong nước so với lợn nhập khẩu.
Thịt lợn nhập khẩu giá rẻ được bán chủ yếu ở các cửa hàng đông lạnh, siêu thị và bán online trên các trang mạng xã hội với hình thức ship hàng đến tận tay người dùng. Một chủ cửa hàng thực phẩm online ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết bán đủ các loại thịt lợn ngoại từ Ba Lan, Mỹ, Tây Ban Nha… với giá khá hấp dẫn. Cụ thể, móng giò 37.000 đồng/kg, đuôi 40.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 59.000 đồng/kg, xương sườn 60.000 đồng/kg, thịt nạc vai cũng chỉ 69.000 đồng/kg. Với các mệnh giá đó, thịt lợn trong nước thật khó để cạnh tranh.
Người dân băn khoăn trước việc lựa chọn các loại thịt lợn. Ảnh: H.P
Thịt lợn nhập với giá rẻ nên nhiều cửa hàng, quán ăn, nhà hàng ưa chuộng. Một số cửa hàng đông lạnh tại Khu Đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết thịt lợn nhập khẩu bán khá chạy, đa phần được các quán ăn mua về chế biến bán cho khách. Hiện các phụ phẩm của lợn như tim, gan, cật có giá đóng gói rất rẻ, chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Lành, tiểu thương tại chợ Kim Giang (quận Hoàng Mai) cho biết, chợ truyền thống cơ bản vẫn chuộng thịt lợn tươi (không đông lạnh) nhưng xu thế mấy tháng nay chủ các quán ăn thích sử dụng các loại thịt đông lạnh ngoại nhập vì rẻ hơn. “Giá mua thịt lợn đông lạnh rẻ hơn quá nửa so với thịt lợn tươi nên họ chọn dùng cũng không khó hiểu. Một số địa chỉ đã nhập thịt lợn đông lạnh về bán song song với thịt lợn tươi”, chị Lành nói.
Nhiều bất hợp lý từ thịt lợn nhập khẩu
Các cửa hàng online bán thịt lợn nhập đều cho biết tất cả thịt nhập khẩu về tính chất không có gì khác. Chỉ khác ở chỗ thịt giết mổ tại Việt Nam là thịt tươi còn hàng nhập khẩu là đông lạnh, tuy nhiên hàng nhập khẩu đảm bảo an toàn hơn. Trong khi hiện nay những thông tin về thịt lợn trong nước sử dụng nhiều chất kích thích, bơm nước… khó kiểm soát được chất lượng, vẫn lan truyền gây bất lợi cho thịt tươi.
Ông Hồ Sỹ Hoàn, quản lý vùng miền Trung của công ty thức ăn chăn nuôi A.N.T Việt Nam băn khoăn: “Giá thịt lợn nhập về đến thị trường Việt Nam nằm ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg khiến chúng tôi rất khó hiểu bởi tính chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí chăn nuôi… rất khó có được giá này. Nhìn vào là thấy ngay sự cạnh tranh giữa thị trường trong nước với ngoài nước rất bất lợi. Khó khăn này lại thuộc về người chăn nuôi trong nước. Cơ quan chức năng nên có cơ chế để cứu người chăn nuôi thoát khỏi hoàn cảnh này”.
Trong khi các cửa hàng bán thịt nhập khẩu với giá rẻ thì trong nước mặc dù giá thịt lợn hơi đã xuống đáy trong vòng 10 năm nay, chỉ còn 25.000- 27.000 đồng/kg, nhưng tại các siêu thị, sạp thịt tại chợ, giá vẫn cao gấp đôi hàng nhập khẩu.
Về giá thịt lợn trong nước xuống đến đáy nhưng vẫn không cạnh tranh được giá lợn nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Toàn, công tác tại Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam lý giải: “Người chăn nuôi trong nước gặp khó khi từ cuối năm 2016 Trung Quốc ngừng nhập thịt lợn của người chăn nuôi Việt Nam, trong khi số đàn lợn đã tăng vọt, giá lợn xuống thấp. Tuy nhiên tính chi phí chăn nuôi thì thịt lợn trong nước không thể có giá cạnh tranh so với thịt lợn nhập. Thị trường chăn nuôi trong nước đang phải nhập khẩu đến 70% thức ăn chăn nuôi, một lọ vaccine nước ngoài bán 2USD, trong nước có giá 200.000 đồng nên giá thành phẩm không thể thấp hơn được nữa”.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam Bộ cho rằng, thịt lợn nhập khẩu đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với hàng trong nước. Lợn nhập nguyên con thì không thể cạnh tranh được với hàng trong nước vì ngoài chuyện chịu thuế cao hơn thì giá thành chăn nuôi tại các nước cũng không thấp hơn quá nhiều so với nước ta, trong khi chi phí vận chuyển, thuế, phí… lại nhiều, đây là điều bất hợp lý cần các cơ quan chức năng liên quan giải thích.
Hiệp hội cũng đang tìm hiểu xem tại sao nhiều bộ phận của lợn được xem như phụ phẩm bán tại nước bản địa cũng có giá ngang bằng, thậm chí cao gấp đôi tại Việt Nam, nhưng khi nhập về Việt Nam lại bán rẻ như vậy. Ông Ngọc cho rằng, vấn đề giám sát hàng nhập khẩu tại nước ta chưa tốt, chưa có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
Thịt lợn không phải là mặt hàng thực phẩm duy nhất của Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn với các quốc gia khác ở ngay thị trường trong nước. Thống kê của cơ quan Hải quan gần đây cũng cho thấy, giá mặt hàng thịt gà nhập khẩu chỉ vào khoảng 20.000 đồng/kg. |