Kiểm tra an toàn rau, quả chỉ là …phong trào

Ngày 30/10/2013 06:08 AM (GMT+7)

Các đợt kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm rau, quả hiện nay chỉ mang tính phong trào. Đặc biệt, đối với rau an toàn, hầu hết người bán cũng không phân biệt được với rau thường nếu không có hỗ trợ kỹ thuật.

Quản lý lỏng lẻo

Trong khi hàng loạt các vụ ngộ độc do rau, quả nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản độc hại diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tớ sức khỏe người dân thì tại hội thảo “Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất rau: Từ hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối” do Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) tổ chức hôm nay (29/10), ông Dương Ngọc Thí, Phó Viện trưởng IPSARD cho hay, kiểm tra an toàn đối với các loại rau, củ hiện nay tại các chợ đầu mối chỉ mang tính phong  trào.

Dự án phát triển rau an toàn được khởi động từ năm 1997 nhằm mục đích dần cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau 6 năm, dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Tỷ lệ rau an toàn tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối chiếm rất khiêm tốn. Việc quản lý thì gần như bỏ ngỏ, không mang lại sự yên tâm cho người dân.

Đại diện Ban quản lý chợ Long Biên, chợ Hôm Đức Viên và chợ Đồng Xa ước tính, lượng rau an toàn cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%.

Chợ Đền Lừ, Ban quản lý chợ cũng không xác định được lượng rau an toàn thực tế bày bán tại đâu do do người bán hàng không khai báo. Chợ này cũng không có phân khu riêng cho rau an toàn, rau an toàn được bày bán chung, lẫn với rau thường.

Thậm chí, tại Vân Nội thì Ban quản lý chợ rau Vân Nội không xác định được tỷ lệ rau an toàn bày bán tại đây do chợ hiện đang họp nhờ chợ Vân Trì.

Kết quả điều tra đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn trên địa bàn Hà Nội do Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thônthực hiện năm 2013 cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau chưa được thực hiện sát sao tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào, không giám sát, quản lý thường xuyên. Chỉ 2 trong số 5 Ban quản lý chợ được điều tra cho  biết, có biện pháp quản lý an toàn thực phẩm với các sản phẩm bán tại chợ.

Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Thí cho hay, các biện pháp cũng chỉ mang tính tuyên truyền, chưa mang tính bắt buộc người cung cấp rau đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm mà mình cung ứng.

Do đó, người bán không chịu trách nhiệm nếu có các vụ ngộ độc xảy ra. Trong khi, 3 chợ còn lại cho rằng, chức năng đảm bảo an toàn thực phẩm không thuộc trách nhiệm của Ban quản lý chợ.

Chính người bán cũng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa rau an toàn và rau thường. Khoảng 73% số người bán buôn rau được điều tra tại các chợ không phân biệt được rau an toàn nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật. Điều đáng nói là, tỷ lệ trên ở nhóm mua rau lên tới 95%.

Thực tế phản ánh đúng như vậy. Chị Hoa, trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội là một người thường xuyên mua sản phẩm rau an toàn cho hay : « Tôi thường mua ở các cửa hàng rau an toàn hoặc siêu thị. Vào cửa hàng, tôi đều nhìn những bảng chứng nhận giấy phép kinh doanh, giấy phép sản phẩm. Tuy nhiên, có thật là rau an toàn hay không thì nhiều khi chính tôi cũng nghi ngờ bởi cầm trên tay những bó rau không khác gì bó rau thường ngoài chợ. Những loại có bao gói còn đỡ, những loại không có bao gói thì người bán nói sao mình biết vậy, thực tế có là rau an toàn hay không mình cũng chịu ».

Chính tâm lý trên khiến cho chị Hoa tuy vẫn mua rau an toàn nhưng lại không hoàn toàn dám tin tưởng. Chị Hoa bày tỏ: "Có cả những người đến chào mời gia đình tôi sử dụng dịch vụ cung cấp rau an toàn theo tháng trọn gói. Nhưng rau họ mang cho mình không thể đảm bảo có phải là rau an toàn hay không nên tôi cũng không dám đăng ký".

Nhận định về điều này, bà Lê Thị Hồng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: “Hàng hoá do người nông dân sản xuất ra thường bán trực tiếp cho các thương lái, nên nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm hầu như không được quan tâm, các chủ thể chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định để giữ chất lượng ổn định và thống nhất".

Kiểm tra an toàn rau, quả chỉ là …phong trào - 1

Người dân vẫn chưa mặn mà với rau an toàn (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

Nếu ngộ độc không biết truy ai

Việc quản lý an toàn thực phẩm với sản phẩm rau tại chợ bán buôn đang gặp khó khăn do có quá nhiều ban ngành cùng tham gia, cơ chế hành chính chồng chéo, thiếu hiệu quả. Thành phần ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành là những cán bộ kiêm nhiệm từ các cơ quan ban ngành khác nhau và nhìn chung chỉ tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành vào một số thời điểm trong năm như Tết Nguyên Đán, tháng phong trào vệ sinh an toàn thực phẩm…

Về quy định chức năng quản lý, từ năm 2010 có Luật Aan toàn thực phẩm nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả…

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo thông tư đưa ra các quy định, điều kiện. Tuy nhiên, văn bản lại chưa đề cập tới cơ chế xử phạt và đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý.

Bà Lê Thị Hồng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay, gắn kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng nông sản còn lỏng lẻo nên trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm của mình còn thấp, truy xuất nguồn gốc khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý an toàn thực phẩm an toàn thực phẩm với mặt hàng rau quả khó kiểm soát như hiện nay.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan