HSBC nhận định, do quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là chuỗi cung ứng thay vì đầu tư nên tác động tiêu cực ngắn hạn hầu như không có hoặc chỉ ở ngành du lịch.
Theo báo cáo của HSBC, trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ so với tháng 4, từ mức 53,1 điểm xuống còn 52,5 điểm. Tuy nhiên, do vẫn ở trên mức 50 điểm từ tháng 12/2013 nên xu hướng tăng trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được duy trì tốt.
Xét ảnh hưởng từ căng thẳng Biển Đông đến mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là ngoại thương và đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, báo cáo khẳng định các tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế, ngoại trừ du lịch có thể chịu ảnh hưởng tương đối rõ nét. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, tổng số khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%. HSBC dự đoán con số này sẽ giảm trong tháng 6 và chỉ tăng trở lại trong tháng 7.
Chỉ số PMI vẫn đạt trên 50 dù giảm nhẹ so với mức kỷ lục của tháng 4.
Riêng về FDI, tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ quốc gia này vẫn còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp một hơn là mối quan hệ đầu tư. Hiện các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia có nhiều cơ hội hưởng lợi từ sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giữa ngã tư đường và đòi hỏi bước chuyển mình mạnh, nhất là cần tối đa tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như đáp ứng được yêu cầu của hiệp ước TPP.
Báo cáo của ngân hàng Hong Kong Thượng Hải cũng đề cập đến các triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong đó, HSBC dự đoán dù tăng trưởng chậm lại nhưng sản xuất vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và giữ được tính cạnh tranh. Chi phí đầu vào tăng cao, tỷ lệ tăng trưởng việc làm thấp, vốn đối ứng trong nước thiếu hụt sẽ là những yếu tố thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Điểm sáng rõ nét nhất của nền kinh tế, theo HSBC, là Chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ cải cách thông qua cắt giảm lãi suất để hỗ trợ lực cầu trong nước. Tuy tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm chỉ mới ở mức 1,3% nhưng nhiều khả năng con số này sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2014. HSBC dự đoán, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ lãi suất cho vay trên thị mở ở mức 5% đến cuối năm, và cùng với việc tinh gọn cơ cấu, nền kinh tế sẽ phát triển hiệu quả và có sức cạnh tranh tốt hơn.