“6 tháng đầu năm Petrolimex nhập khẩu 4,4 triệu tấn xăng dầu các loại, với tỷ suất lợi nhuận là 2,82 thì đáng lý DN đã lãi nhiều hơn con số lãi 388 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu đã công bố”.
Thông tin trên được ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều tối ngày 3/9.
Lãi thực tế gấp 3 lần công bố
Dù đợt tăng giá xăng dầu gần nhất cách tới gần nửa tháng, nhưng những câu hỏi xoay quanh nội dung này vẫn làm “nóng” cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương chiều tối 3/9. Trước băn khoăn của báo chí về thực hư con số lãi “khủng” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ kinh doanh xăng dầu 6 tháng đầu năm 2013, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lên tiếng, cho rằng để chia sẻ với xã hội nên con số lãi của Petrolimex đã “bớt đi” so với thực tế.
Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm Petrolimex cho biết, 6 tháng tập đoàn này đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế TNDN là 898 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận về mặt hàng xăng dầu chiếm tới 46%, với hơn 388 tỷ đồng. Khi con số này được công bố đã khiến dư luận “dậy sóng” về thực chất việc liên tục kêu lỗ, tăng giá nhiều lần nhưng lại tuyên bố lãi “khủng” của tập đoàn này.
6 tháng Petrolimex nhập khẩu 4,4 triệu tấn xăng dầu, tính theo đơn giá của Nghị định 84 thì khoản lãi lên tới 1.200 tỷ đồng
Việc Petrolimex lãi khủng theo ông Quyền là cả một thời kỳ. Theo quy định của Luật chứng khoán thì Petrolimex là công ty cổ phần đã niêm yết sẽ phải báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng và một năm. Sáu tháng đầu năm Petrolimex đã nhập 4,4 triệu tấn xăng dầu các loại, theo NĐ 84 nếu nhân với 300 đồng/lít xăng dầu thì đáng lý Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ đồng, nhưng DN này chỉ lãi 388 tỷ đồng, tính ra tỷ suất lợi nhuận chỉ là 2,82.
“Nếu dùng số tiền này gửi lãi suất ngân hàng 7% thì số tiền lãi thu được tốt hơn. Nhưng Petrolimex ngoài kinh doanh theo thị trường còn phải đảm bảo sự chia sẻ và trách nhiệm trước pháp luật không để đứt nguồn hàng. Vì thế, đáng lý Petrolimex lãi theo quy định là 1.200 tỷ đồng thì chỉ lãi 388 tỷ đồng”- ông Quyền nhấn mạnh.
Không trao quyền tự quyết giá xăng dầu cho DN
Khẳng định việc tăng giá xăng dầu vừa qua “không ảnh hưởng nhiều tới tăng CPI” một lần nữa lại được đại diện Bộ Công thương nêu lên tại cuộc họp báo. Tính toán của bộ này cho thấy, 3 lần tăng giá vừa qua tác động ở vòng 1 trong đến CPI tháng 8 rất ít. Đơn cử, trong 0,83% thì nhóm giao thông tăng 1% chỉ có 0,1% tác động đến CPI, chủ yếu do nhóm dịch vụ y tế tác động đến CPI.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, trong câu chuyện điều hành mặt hàng xăng dầu cơ quan này với tư cách phối hợp với Bộ Tài chính điều hành theo Nghị định 84, DN phải dự trữ trong 30 ngày.
Giá xăng dầu trong tháng 6 và tháng 7 có 3 lần tăng, còn tháng 8 có tăng, có giảm. Nhưng việc điều chỉnh vẫn thực hiện theo Nghị định 84/CP, tức là việc tính giá xăng dầu căn cứ trong vòng 30 ngày, chứ không tính 10 ngày, hoặc 20 ngày để điều chỉnh khiến nhiều người hiểu nhầm.
“Giá trong nước bám đuổi giá thế giới, nhưng không có nghĩa giá thế giới lên là trong nước phải lên ngay, và khi giảm thì cũng giảm ngay”- ông Quyền nói. Vị này cũng dẫn dụ trường hợp, nếu giá trong nước “theo chân” giá thế giới, thì đáng lý vừa qua giá xăng dầu trong nước đã phải tăng rất nhiều do giá thế giới biến động mạnh, có thời điểm lên tới 119 USD/thùng trước thông tin bất lợi về tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Syria.
Liên quan tới thông tin sửa Nghị định 84/CP về quản lý và kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Vụ TTTN cho biết thêm, "Nghị định 84/CP mới về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Tư Pháp thẩm định trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ. Tuy nhiên, tư tưởng nhất quán của ban soạn thảo là kiên định dần theo thị trường và giá do nhà nước kiểm soát, không trao hoàn toàn việc điều hành giá cho doanh nghiệp."
Tới đây, khi một Nghị định mới ra đời thay thế toàn bộ Nghị định 84 thì tư tưởng nhất quán vẫn là kiên định theo thị trường và giá do nhà nước kiểm soát, không trao hoàn toàn giá cho doanh nghiệp.
"Chưa bao giờ nhà nước từ bỏ vũ khí quản lý giá, tới đây chỉ tiệm cận thị trường và ở mức nào thời điểm điều chỉnh ra sao vẫn do liên bộ quyết định, câu chuyện không phải là giá hôm nay bao nhiêu mà quan trọng là tạo cho doanh nghiệp có sức sống, sức cạnh tranh và 10 năm sau Bộ có thể rút dần việc can thiệp," ông Quyền cho hay.