Lo giữ thương hiệu nước mắm Phú Quốc

Ngày 02/09/2013 18:11 PM (GMT+7)

Giữa tháng 8/2013, lần đầu tiên 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận thương hiệu nước mắm “Phú Quốc” của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để nước mắm Phú Quốc vươn rộng ra thế giới. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là cả một nỗi lo về gìn giữ, bảo vệ thương hiệu này.

“Đại sứ” của nông sản Việt

“Quá trình để nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nhận quy chế được bảo hộ thương hiệu tại thị trường châu Âu đã phải trải qua gần 4 năm để vượt qua những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của EU” - ông Bùi Huy Sơn - Giám đốc Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho biết.

Từ năm 2008, Bộ Công Thương phối hợp với EU-MUTRAP đã cử chuyên gia giúp Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký và trình Ủy ban châu Âu. Đến cuối tháng 10/2012, sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã chính thức được bảo hộ tên gọi xuất xứ (PDO) trên toàn bộ lãnh thổ các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, việc đăng bạ bảo hộ PDO thành công sản phẩm này tại 28 nước thành viên EU là điều kiện tốt để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc vào thị trường đầy tiềm năng này. “Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU đã nâng cao uy tín của thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc tại thị trường Liên minh châu Âu và thúc đẩy thương mại sản phẩm này trên thị trường trong nước và nước ngoài”-bà Thoa nói.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc cũng khẳng định: “Việc nước mắm Phú Quốc trở thành “đại sứ” sản phẩm hàng hóa nông sản Việt Nam ở thị trường khó tính này đã khẳng định vị thế của sản phẩm độc quyền, nổi tiếng của đảo ngọc Phú Quốc với thế giới. Đây còn là điều kiện thuận lợi để Kiên Giang lấy lại thương hiệu nước mắm Phú Quốc truyền thống từ lâu đã bị chiếm dụng, làm giả...”.

Thiếu nguyên liệu sản xuất

Mặc dù được công nhận và bảo hộ thương hiệu song đến nay, nỗi lo lớn nhất của người làm nước mắm Phú Quốc là giữ vững và phát triển được thương hiệu này. Theo bà Tịnh, hiện các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đều đang phải đối mặt với nạn thiếu nguyên liệu cá cơm để sản xuất nước mắm. Sản lượng cá cơm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nước mắm Phú Quốc hiện vào khoảng 40.000-50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các nhà thùng trên đảo Phú Quốc chỉ mua được khoảng 30% sản lượng này và cũng chỉ mua được lượng cá chất lượng kém và lẫn lộn nhiều cá tạp khác. Nguyên nhân là do bị các thương lái cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đầu năm đến nay, Phú Quốc chỉ sản xuất bán ra thị trường hơn 7 triệu lít, giảm 60% so với năm 2012 do thiếu nguyên liệu sản xuất. Cũng vì thế, khoảng 60% số thùng của các nhà thùng nước mắm Phú Quốc bỏ thùng trống, treo thùng; 10 doanh nghiệp sản xuất nước mắm không trụ lại được buộc phải giải thể, bỏ nghề và hiện chỉ còn 80 cơ sở hoạt động cầm chừng.

nước mắm Phú Quốc có nguy cơ cạn kiệt, chất lượng nước mắm bị đe dọa không đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi đã có kiến nghị nhưng hiện công tác bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm vẫn chưa được thực hiện tốt” - bà Tịnh cho biết.

Theo ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, để giữ vững thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” và phát triển bền vững tại EU cũng như các thị trường khác trên thế giới, điều kiện tiên quyết là phải giữ được uy tín, đảm bảo chất lượng nước mắm Phú Quốc truyền thống, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì...

Hiện nay, Phú Quốc có 80 nhà thùng nước mắm, năng lực sản xuất từ 20 triệu lít/năm trở lên. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc nổi tiếng thơm ngon, chất lượng cao do được làm từ nguyên liệu cá cơm than lưng đen - một loài cá chỉ có ở vùng biển Phú Quốc. Từ xưa đến nay, các nhà thùng sử dụng duy nhất muối sản xuất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thùng gỗ cây bời lời ủ chượp cá trong thời gian 10-12 tháng để cho ra sản phẩm nước mắm chất lượng từ 30-45 độ đạm. Các nhà thùng Phú Quốc đặt quy trình sản xuất truyền thống lên hàng đầu, không sử dụng bất kỳ một loại phụ gia nào tác động vào quá trình sản xuất nước mắm.

Theo bà Tịnh, Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm, chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc; cần thông tin trên nhãn hàng đầy đủ về thành phần, chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng; xử phạt nghiêm những đối tượng làm giả nước mắm Phú Quốc...

Theo Mai Hương (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan