Năm nay, thưởng Tết khó cao

Ngày 09/12/2013 14:07 PM (GMT+7)

Tuy chưa có báo cáo đầy đủ nhưng nhìn chung, do kinh tế khó khăn, mức thưởng Tết 2014 chỉ bằng hoặc thấp hơn năm rồi.

Gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thông tin về mức thưởng Tết đã được nhiều nơi dự báo.

Hà Nội: Cao nhất không quá 30 triệu đồng

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động - việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hà Nội, cho biết: “Nếu các doanh nghiệp báo cáo đúng tiến độ thì cũng phải đến cuối tháng 12, mức lương, thưởng Tết 2014 mới được công bố. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì mức thưởng Tết năm nay cố lắm cũng chỉ bằng năm rồi”.

Theo ông Thanh, mức thưởng Tết ở khối doanh nghiệp (DN) tư nhân bình quân sẽ khoảng 2-3 triệu đồng/người. Ở DN có vốn nhà nước, mức thưởng Tết bình quân từ 5-7 triệu đồng/người. Khối ngân hàng có thể mức thưởng cao hơn một chút. Mức thưởng cao nhất của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không quá 30 triệu đồng/người.

Bà Bùi Thị Doan, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hưng Yên, cho rằng DN xây dựng, sản xuất vật liệu trên địa bàn gần như đã “chết lâm sàng”. “Hầu hết các DN, đặc biệt là DN xây dựng, đến thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết bởi còn trông chờ vào các khoản thu, thanh toán công nợ. Tuy nhiên, mức thưởng cao nhất cũng không quá 1 tháng lương” - bà Doan nói.

Bắc Ninh là địa phương tập trung nhiều KCN và DN FDI. Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Hầu hết công nhân, lao động phổ thông sẽ chỉ có mức thưởng bình quân từ 2-3 triệu đồng/người; đối với những DN khó khăn, mức thưởng chỉ khoảng 500.000 đồng/người.

Năm nay, thưởng Tết khó cao - 1

Năm nay, mức thưởng Tết của công nhân xây dựng sẽ thấp hơn năm ngoái. Ảnh: Tấn Thạnh

Nhiều người sẽ không có Tết

Theo ông Phạm Văn Thanh, điều lo nhất hiện nay là vấn đề tiền lương, thưởng cho người lao động tại những DN đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. “Chắc chắn những lao động này sẽ không có lương cũng như thưởng Tết” - ông Thanh nói.

Chỉ riêng TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 2.000 DN giải thể, phá sản. Đây là con số tương đối cao so với các năm gần đây. Do số DN giải thể, phá sản cao nên sẽ có hàng ngàn người lao động không được bảo đảm về lương, thưởng Tết.

Ông Thanh cho biết năm nay, với những DN phá sản, chủ bỏ trốn, Sở LĐ-TB-XH sẽ đề xuất thành phố xuất ngân sách hỗ trợ tiền lương, giúp người lao động về quê đón Tết.

Thê thảm ngành xây dựng

Thị trường bất động sản ảm đạm đã khiến hàng loạt các công ty xây dựng, sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu xây dựng rơi vào cảnh bi đát.

Ông Đặng Văn Chiến, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Sông Đà, cho biết năm 2013, các đơn vị trực thuộc gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện chưa có kế hoạch chi thưởng Tết mà đang tập trung hoàn thành khối lượng công việc tại các công trình và thu hồi công nợ. Mỗi đơn vị thành viên có kế hoạch thưởng Tết khác nhau. Mức tiền thưởng rất thấp và sẽ rất ít đơn vị có tháng lương thứ 13. “Chúng tôi yêu cầu các đơn vị cố gắng không để nợ lương người lao động” - ông Chiến nói.

Anh Nguyễn Văn Đại, trưởng phòng nhân sự một công ty chuyên xây dựng thủy điện tại tỉnh Lai Châu, cho biết công ty anh bây giờ chỉ còn cái tên chứ thực chất nó đã “chết” từ lâu. “Hiện chúng tôi mới được trả lương đến tháng 8. Không biết đến Tết, công ty có trả thêm được tháng nào nữa không. Nói thật, với tình hình này, chúng tôi chỉ mong được trả đủ lương” - anh Đại phân trần.

Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 11/2013, có hơn 54.932 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Cố giữ bằng năm trước

2013 là năm mà ngành cao su gặp khá nhiều khó khăn do thiên tai liên tiếp, giá xuất khẩu cao su giảm. Giá cao su xuất thô năm nay chỉ còn 50 triệu đồng/tấn, thấp hơn năm ngoái 12 triệu đồng nên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 10 và 11, các công ty cao su ở những tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Hà Tĩnh bị thiệt hại khá nặng.

Ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam, cho biết để hỗ trợ công nhân khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, nhất là các vùng bị thiên tai tàn phá, năm nay, ban tổng giám đốc và CĐ Cao su Việt Nam sẽ dành 1,5 tỉ đồng (tương đương 700 suất quà) chăm lo cho người lao động.

Ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Găng tay Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), cho biết: “Dù sản xuất gặp khó khăn nhưng để động viên người lao động, công ty cố gắng giữ thưởng Tết bằng năm ngoái, bình quân bằng 1 tháng lương cơ bản”.

Năm nay được xem là năm khởi sắc của ngành giày song không phải DN nào cũng gặp may khi có đơn hàng với đơn giá ổn định. Ông Phan Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Phú Lâm, cho biết: Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay là 1 tháng lương.

Khảo sát một số CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM cho thấy ở các DN gia công giày, mức thưởng Tết năm nay không thay đổi so với năm trước, bình quân bằng 1 tháng lương cơ bản.

V.Tùng

Theo Văn Duẩn (Người Lao Động)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thưởng Tết 2021