Các nhà chăn nuôi gà tại Việt Nam từng lao đao với gà Mỹ giá chỉ 20.000 đồng/kg, hiện nay lại tiếp tục đối mặt với gà giá rẻ Thái Lan. Các chuyên gia cho biết, nếu không có giải pháp kịp thời gà nội rất dễ thua trên “sân nhà”.
Gà nhập khẩu giá rẻ như cho
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, căn cứ vào số gà nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2015 thì trung bình mỗi tháng nhập khẩu thịt gà tăng hơn 855 tấn so với mỗi tháng của năm 2014. Do năm 2014, cả nước nhập khẩu 100.502 tấn thịt gà (trung bình mỗi tháng nhập 8.375 tấn), trong khi 7 tháng đầu năm trung bình mỗi tháng nhập khẩu 9.222 tấn. Tình trạng gà nhập khẩu gia tăng mạnh, đặc biệt là gà Mỹ giá chưa tới 20.000 đồng/kg đã đẩy nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi vào cảnh lao đao.
Thực tế, tại thị trường Thái Lan cũng cho thấy, giá gà bán lẻ trên thị trường khá rẻ. Người dân và người bán ở đây không có thói quen mua bán gà thành phẩm xẻ thịt, bán theo kilôgam mà bán theo con. Anh Su – Oát, hướng dẫn viên du lịch Công ty Donna tour cho biết: “Người Thái Lan thường chỉ ăn hai loại thịt chính đó là thịt cá và thịt gà. Gà Thái Lan rất rẻ, rẻ như cho. Ở đây, người ta bán gà theo con không bán theo kilôgam. Tùy từng thời điểm mà gà Thái Lan có giá dao động từ 80.000 đồng đến 140.000 đồng/con”.
“Khách hàng bao giờ cũng muốn mua rẻ nên gà càng to, càng bán chạy. Điều này cũng khiến người chăn nuôi buộc phải nuôi gà đủ to mới mang đi bán (từ 4 - 5kg/con). Vì vậy, giá gà Thái Lan nếu tính theo kilôgam rất rẻ, thường chỉ từ 100 – 150 bath/con (tương đương 80.000- 100.000 đồng/con) nặng từ 4 - 5 kg (khoảng 20.000 đồng/kg). Giá đắt nhất cũng chỉ khoảng 140.000 đồng/con 4 - 5kg, khoảng 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nói về gà nhập khẩu, người tiêu dùng Việt Nam không mấy thiện cảm, chị Hà Thị Anh, phố Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Ăn gà công nghiệp nhập khẩu thà tôi ăn cơm với rau, đậu phụ còn ngon hơn. Tôi chưa bao giờ mua được gà nhập khẩu có tem nhãn đàng hoàng trong các siêu thị về ăn mà thấy ngon. Hầu hết, thịt đều nhão nhoét, bở bùng bục, ăn không có vị thơm, ngon như gà công nghiệp nội địa”.
“Vì vậy, so sánh giá gà công nghiệp nhập khẩu với gà công nghiệp nội địa là so sánh phế phẩm với thức ăn thông dụng. Còn so với gà ta của doanh nghiệp, trang trại trong nước thì nó là thứ bỏ đi. So sánh là khập khiễng, còn về giá thành tôi nghĩ họ bán thế là hợp lý với chất lượng, không phải rẻ”, chị Anh thẳng thắn.
Gà nội địa đang bị “chèn ép” ngay tại sân nhà. Ảnh: Đ.A
Nhà hàng, quán ăn dùng gà nhập khẩu lợi đủ đường
Chị Vũ Thị Bình, chủ một quán cơm trên phố Trần Huy Liệu, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Gà công nghiệp nội bán tràn lan nhưng giá đắt gấp đôi gà nhập khẩu bán trong siêu thị. Tôi mua gà trong siêu thị cho an toàn, giá vừa rẻ lại có tem nhãn, cơ quan chức năng có kiểm tra cũng không bắt lỗi được. Còn với khách hàng của quán bình dân cũng khá dễ tính, chỉ cần biết pha chế, bọc bột, rán vàng, dậy mùi thơm là họ vẫn ăn như thường”.
Anh Nguyễn Vũ Nguyên, chủ một nhà hàng kinh doanh đồ ăn, phố Kim Mã cũng cùng quan điểm: “Kinh doanh hàng ăn an toàn thì khâu nhập nguyên liệu phải có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý. Giá gà nhập khẩu rẻ hơn giá gà nội thì chắc chắn chủ nhà hàng sẽ chọn gà nhập khẩu. Do “dễ ăn nói” khi có cơ quan chức năng kiểm tra vì có tem nhãn đầy đủ. Trong khi mua gà nội địa trên thị trường tự do không có đầy đủ yêu cầu này, thể nào cũng “dính” lỗi và bị phạt, tin loan ra mất uy tín nhà hàng”.
Cũng theo anh Nguyên thì chỉ cần nhập nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, còn lại chất lượng đồ ăn thơm ngon ra sao sẽ phụ thuộc vào sự chế biến tài tình của đầu bếp. Việt Nam không kịp thời hoàn thiện các quy định chuyên nghiệp trong kinh doanh thì thịt nhập khẩu sẽ chiếm vị thế trên “sân nhà” dù chất lượng không bằng thịt thành phẩm trong nước. Nếu cách thức kinh doanh, quản lý hàng hóa của các cơ quan chức năng vẫn như hiện nay thì ngành chăn nuôi Việt Nam không cần nhọc công nhập ngô, thức ăn chăn nuôi mà cứ nhập luôn thịt về ăn không cần chăn nuôi nữa!?
Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cũng bày tỏ lo lắng về thị trường này, theo ông nhận định thì Thái Lan là một trong những đối thủ rất đáng “gờm” trong ngành chăn nuôi. Một số tỉnh vùng Đông Bắc của Thái Lan giáp Campuchia có tổng đàn gà lớn nhất nước. Một nhà máy giết mổ khá nổi tiếng ở khu vực này có thể giết mổ 2.000 con/giờ. Lò mổ này hoạt động từ 18 giờ đến 21giờ đêm, nếu sau khi giết mổ xong, dùng xe tải vận chuyển sang Việt Nam, chỉ mất 6 tiếng đồng hồ. Như vậy, có nghĩa là tính thời điểm cuối cùng của giờ đóng lò mổ thì chỉ khoảng 4 giờ sáng, gà Thái đã có mặt ở các chợ TPHCM. Gà Thái Lan muốn đưa đến thị trường Hà Nội thì công vận chuyển cũng tương đương với gà từ TP. HCM vận chuyển ra Hà Nội.
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, khi nước ta tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), giá thịt nhập khẩu sẽ còn giảm mạnh. Đã liên tiếp trong gần 11 tháng qua, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước luôn trong tình trạng lỗ bởi không cạnh tranh nổi về giá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không dám dừng hoạt động sản xuất vì đã đầu tư dây chuyền, hệ thống máy móc chăn nuôi với chi phí “khủng”. Hơn nữa, cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng chính thức hình thành, các quốc gia trong khối sẽ trở thành một thị trường chung. Khi đó, sản phẩm gà nội địa sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với gà Thái Lan và khu vực AEC.
Khuyến khích việc hình thành các chuỗi liên kết Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cạnh tranh trong ngành chăn nuôi gà ngày càng trở nên gay gắt. Xuất khẩu gà của Thái Lan đạt tới 4 tỷ USD/năm trong khi Việt Nam đang lo sự tồn tại của ngành. Thái Lan thành công là bởi đã hình thành được ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gà, do 5 - 6 tập đoàn phụ trách với những chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong chăn nuôi gà. Tại Việt Nam, muốn thành công trong chăn nuôi gà cũng phải có chính sách khuyến khích việc hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ. Bộ NN&PTNT có thể kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đứng ra hình thành chuỗi liên kết. Sự hỗ trợ đó có thể là hỗ trợ trong đào tạo ban đầu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm... |