Mặc dù lượng người vay tăng, song tỉ lệ giải ngân gói 30.000 tỉ vẫn còn thấp.
Tới ngày 20/5 đã có 4.984 lượt người tiếp cận gói vay 30.000 tỷ đồng, tổng vốn đã giải ngân là 4.104 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở.
Đánh giá về tình hình hoạt động ngành ngân hàng trong tháng 5/2014, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng cũng chịu tác động tâm lý từ sự kiện Biển Đông, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời sử dụng các biện pháp để hoạt động này thông suốt, TCTD tiếp tục huy động được vốn. Biểu hiện trong việc tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng.
Tính tới ngày 23/5/2014 tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013. Đến 23/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 1,31% so với cuối năm 2013.
Giải ngân gói vay 30.000 tỷ đồng vẫn đạt thấp
Theo bà Hồng, thanh khoản của các TCTD tiếp tục được đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp, người dân. Thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ, gần bằng mặt bằng lãi suất cuối năm 2013.
"Tỷ giá ngoại hối và vàng dù có bị biến động do tâm lý từ sự kiện Biển Đông, nhưng nhờ sự can thiệp, điều hành linh hoạt của NHNN thì đã ổn định, biểu hiện rõ nét nhất ở tỷ giá ngoại hối và vàng sáng nay (28/5) không hề có biến động"- bà Hồng nói.
Bổ sung về số liệu cho vay gói 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tới ngày 20/5 đã có 4.984 lượt người tiếp cận gói vay 30.000 tỷ đồng, tổng vốn đã giải ngân là 4.104 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở.
NHNN đã xác nhận cho 19 doanh nghiệp (21 dự án) được vay từ nguồn vốn hỗ trợ nhà ở với số tiền cam kết giải gân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN là 1.790 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp.
Riêng đối với tín dụng cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2014.
“Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”- bà Hồng nhận xét.
Cụ thể, đến cuối tháng 4/2014 tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn của các TCTD ước đạt 685.426 tỷ đồng, tăng 2% so với 31/12/2013. Nợ xấu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến nay chiếm tỷ trọng 2,83% so với tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của dư nợ toàn nền kinh tế hiện là 3,63%.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đến hết tháng 3/2014 dư nợ cho vay đạt 96.424 tỷ đồng, tăng 0,92% so với cuối năm 2013.
Mặc dù cho vay lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ cao hoàn toàn mới, nhưng đến 31/3/2014 dư nợ cho vay lĩnh vực này vẫn đạt 16.908 tỷ đồng, tăng 6,77% so với cuối năm 2013.
Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đạt 873.268 tỷ đồng, tăng 0,34% so với cuối năm 2013.
Riêng lĩnh vực xuất khẩu, tín dụng cho vay tăng mạnh nhất, đạt 5,9% so với cuối năm 2013, tương đương dư nợ cho vay đạt 176.052 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo và sử dụng các biện pháp đồng bộ, tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu... góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.