Dự báo giá cước taxi, vận tải sẽ tăng thêm 5% - 6% cùng với quyết định tăng giá xăng dầu “gây sốc” của Liên Bộ Tài chính - Công thương tối 28/3 vừa qua.
Quyết định điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính- Công Thương vào tối ngày 28/3 là một cú sốc cho các doanh nghiệp và hàng chục triệu người tiêu dùng.
Cho tới thời điểm này, chưa có doanh nghiệp taxi, vận tải nào chính thức công bố tăng giá cước nhưng việc tăng giá được dự báo là sẽ trong tương lai rất gần bởi xăng dầu chiếm tới 35% - 40% chi phí đầu vào của các doanh nghiệp ngành này.
Giá xăng tăng tối đa 1.430đồng/lít, dầu diesel tăng tối đa 362đồng/lít, dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480đồng/lít, dầu mazút tăng tối đa 807đồng/kg. Với mức tăng giá cho phép như trên của Liên Bộ Tài chính – Công thương, giá bán lẻ xăng RON 92 trên thị trường hiện đã lên tới mức 24.580 đồng/lít, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Phân tích những ảnh hưởng từ việc tăng giá này với giá cước taxi, vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho hay: “Các doanh nghiệp sản xuất chắc chắn sẽ thêm phần khó khăn và người tiêu dùng cũng vậy. Vận tải là ngành chịu tác động mạnh nhất trong việc giá xăng dầu điều chỉnh, trong đó, vận tải taxi chạy bằng xăng bị ảnh hưởng lớn nhất”.
Cước taxi tăng 5% - 6%
Tính toán ra con số cụ thể, ông Hùng cho hay, việc tăng giá xăng lần này sẽ khiến chi phí vận tải taxi tăng từ 3%-4%, buộc các doanh nghiệp phải tính toán điều chỉnh giá cước từ 5%-6% để bù đắp.
Riêng về vận tải hành khách, có thể việc tăng giá sẽ “muộn” hơn bởi lâu nay, ngành vận tải này luôn trong tình trạng xe thừa, khách thiếu nên ở vào thế muốn tăng cũng khó.
Dự báo cước taxi tăng 5%-6% (Ảnh: Thu Hoài)
Tuy nhiên, như phân tích trên của ông Hùng, việc tăng giá cước chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Một số hãng taxi cho hay, sẽ cố gắng chia sẻ với người tiêu dùng, nhưng cũng sẽ chỉ được trong một khoảng thời gian nhất định.
Chủ tịch HĐQT hãng Taxi Thành Công, ông Nguyễn Anh Quân cho biết, để đối phó với “diễn biến bất ngờ”, ngay trong sáng 29/3, toàn thể công ty đã phải triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn phương án đối phó tình hình.
Kết quả, hãng taxi này ra quyết định, sẽ chưa tăng giá ngay nhưng nếu xăng dầu cứ neo giá cao như hiện nay thì doanh nghiệp cũng chỉ “trụ” được tối đa là 60 ngày. Sau đó, người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí tăng giá.
Cụ thể, ông Quân nói: “Doanh nghiệp rất cân nhắc, thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, người tiêu dùng eo hẹp, lại là giai đoạn thấp điểm của thị trường nên doanh nghiệp sẽ trích quỹ để bù vào phần chi phí do giá xăng tăng. Tuy nhiên, với khoảng 600 đầu xe taxi như hiện nay, quỹ dự phòng của chúng tôi chỉ trụ được khoảng 60 ngày nếu giá xăng cứ cao như hiện nay”. Sau thời gian trên, nếu giá xăng không giảm, buộc doanh nghiệp này sẽ phải tăng giá cước.
Còn về phía Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, theo quy định, doanh nghiệp taxi, vận tải muốn tăng giá ngoài phải căn cứ vào thị trường, còn phải trải qua các thủ tục như đăng ký với các Sở Tài chính, GTVT, Hiệp hội vận tải, được sự đồng ý mới được tăng giá.
Như vậy, về trước mắt, người tiêu dùng sẽ có một khoảng thời gian “chờ”.... tăng giá. Nhưng dự báo, khoảng thời gian chờ sẽ không kéo dài bởi chi phí xăng dầu chiếm tới 35%-40% giá thành đầu vào của doanh nghiệp taxi, vận tải thì trong thời buổi khó khăn hiện nay, hiếm doanh nghiệp nào chịu đựng được lâu mà không tăng giá cước.
Tăng giá bất hợp lý Quyết định tăng giá xăng tối 28/3 vừa qua của Liên bộ Tài chính – Công thương gây nhiều thắc mắc và ý kiến cần phải được xem xét lại trong dư luận. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, Liên Bộ Công Thương và Tài chính cần xem xét lại quyết định tăng giá xăng dầu, dưới góc độ người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải hấy có điều bất minh. Theo ông Liên, hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng trong nước nhiều ngày nay nói về giá xăng dầu thế giới hạ, doanh nghiệp vận tải đang hy vọng vào một đợt giảm giá thì lại nhận được “cú sốc” tăng vào đêm ngày 28/3. “Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới hàng chục triệu người dân, bởi vậy, cơ quan Nhà nước cần giải trình minh bạch”, ông Liên nói. Tuyên bố của Liên Bộ về lý do tăng giá do Quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn kiệt cũng nhận được nhiều ý kiến. Theo ông Liên, đây chỉ là tuyên bố của liên Bộ mà không có sự kiểm định của bất kỳ cơ quan độc lập nào. Lý do tăng giá do giá xăng dầu của nước ta thấp hơn giá xăng dầu của một số nước trong khu vực nên tăng để tránh tình trạng buôn lậu lại càng bất hợp lý. Ông Liên nêu quan điểm: “Chúng ta đã có một bộ máy đồ sộ để chống buôn lậu, họ ăn lương Nhà nước. Tại sao lại tăng giá để chống buôn lậu, đổ lên đầu người tiêu dùng và bắt người dân gánh chịu sự bất lực của cơ quan chức năng?”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam đồng tình với quan điểm của ông Liên và cho hay, qua theo dõi, giá xăng 30 ngày qua trên thị trường Singapore có xu hướng giảm liên tục, giá trong nước lại tăng đột ngột. “Giải thích của Liên bộ về lý do tăng giá, tôi thấy không rõ ràng. Đặc biệt lý do tăng để chống buôn lậu qua biên giới rất hài hước”, ông Hùng nói. |