Ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Hà Nội đang cần khoảng 100.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp; riêng các bộ, ngành đăng ký mua khoảng 30.000 căn. Tới đây sẽ thí điểm cho thuê nhà xã hội có thời hạn.
Theo ông Nam, thời gian qua, nhiều dự án nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội để tạo nguồn lực cho người dân mua trong thời gian tới. Đến nay, có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai.
Từ đầu tháng 6 cũng liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Theo tính toán của lãnh đạo Bộ Xây dựng, nếu giá bán 8,5 triệu đồng/m2 (diện tích tối thiểu 30m2) như của Viglacera ở khu Đặng Xá (Gia Lâm), 1 căn hộ ở mức 250 triệu đồng.
Quy định hiện nay, người mua phải đặt cọc khoảng 50 triệu đồng (20%), và có thể vay 80% là 200 triệu đồng trả trong 10 năm. Với mức vay này, mỗi năm sẽ phải trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng và lãi khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết đang dự thảo quyết định để trình Thủ tướng, phát triển một số dự án thí điểm cho thuê và trả tiền từng tháng với thời hạn thuê 6 hoặc 12 năm. Đây là cách sở hữu nhà có thời hạn và có thể cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng, nhưng giá ổn định suốt 6 hoặc 12 năm.
“Với gia đình thu nhập quá thấp phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy, nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân”, ông Nam nói.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN, ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay, còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng. Khi ngân hàng quyết định cho vay thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu.