Doanh nghiệp đã có động thái giảm giá sữa khá sớm dù quy định về áp giá trần các sản phẩm này vẫn chưa có hiệu lực.
Chỉ còn một ngày nữa quy định giá tối đa cho đại lý bán sỉ sẽ có hiệu lực. Đây là bước đệm để đến ngày 21/6, giá bán lẻ đến người tiêu dùng (NTD) sẽ thấp hơn 15%-30% so với trước đây. Hiện một số doanh nghiệp (DN) đã có động thái chuẩn bị cho việc giảm giá sản phẩm.
NTD được hưởng lợi sớm
Công ty Abbott đã có thông báo đến các đại lý từ ngày 28/5, NTD sẽ mua được sản phẩm giá rẻ như quy định của Bộ chứ không phải chờ đến ngày 21/6. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy động thái giảm giá sớm vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.
Một cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đã niêm yết giá mới năm dòng sữa của Công ty Abbott. Theo đó, giá của hộp Abbott Grow 3 là 265.000 đồng/hộp 900 g, thấp hơn giá khuyến nghị 6.000 đồng và thấp hơn giá trước khi áp trần 30.000-35.000 đồng/hộp. Hay Grow G Power Vannila 1,7 kg giá 628.000 đồng, thấp hơn giá khuyến nghị 13.000 đồng, thấp hơn giá trước khi áp trần gần 70.000 đồng.
Người tiêu dùng sẽ mua được sữa giá rẻ trong thời gian tới. Ảnh: TÚ UYÊN
Anh H., chủ cửa hàng tạp hóa (quận Gò Vấp), cho biết ngoài việc đã nhận được thông báo của Abbott về bảng giá mới áp dụng từ ngày 28/5. Nhà phân phối Tiên Tiến cũng gửi bảng giá mới các sản phẩm của Mead Johnson là Enfamil A+1, Enfamil A+2… áp dụng từ ngày 21/6. So sánh giá cho thấy phần lớn đều giảm hơn 70.000 đồng/hộp so với chưa áp giá trần. Tuy nhiên, anh H. kể hiện nay các sản phẩm bị áp giá trần nhập vào nhưng không có hàng, chỉ có dòng sản phẩm mới Enfamil A+1, Enfamil A+2, 3600 Brain Plus. Giá của dòng này cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng tùy loại.
Cùng nằm trong danh sách áp giá trần các sản phẩm như Diealac, Friso Gold 1, 2, 3, Nan Pro 3… vẫn bán với giá cũ. “Khi nào có thông báo từ các hãng sữa này và có chính sách hỗ trợ thì cửa hàng sẽ bán giá thấp như quy định. Chứ bây giờ DN chưa hỗ trợ gì mà tự giảm giá thì lỗ sao” - chị N., chủ một cửa hàng quận Tân Phú, cho biết.
Áp giá,“kẻ khóc, người cười”
Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Công ty Abbott Nutrition Việt Nam, cho biết từ ngày 28/5, Abbott sẽ hỗ trợ những đối tác kinh doanh, cửa hàng bán lẻ trong quá trình chuyển giao để thực hiện điều chỉnh giá.
Còn theo ông Trương Văn Toàn, Giám đốc đối ngoại và pháp lý Công ty FrieslandCampina Việt Nam, hiện công ty đang gấp rút xem xét các ảnh hưởng đến DN, nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ do việc thay đổi giá này để từ đó có chính sách kinh doanh phù hợp.
Mặc dù vậy ông Toàn cũng bày tỏ công thức tính giá trần chưa thật sự thuyết phục, ví dụ như cơ sở tính giá 15% cho người bán lẻ là như thế nào? Ngoài ra, trong những mặt hàng kinh doanh có lợi nhuận thì vẫn có những sản phẩm được bán dưới giá thành. Việc giảm giá nữa cho các sản phẩm này là một gánh nặng cho các DN.
Cùng tâm trạng trên, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam, cho hay quyết định của Bộ Tài chính là sự kiện bất khả kháng ngoài khả năng kiểm soát của DN. Vì vậy, việc hỗ trợ đại lý sẽ được thực hiện theo quy định về bất khả kháng của hợp đồng phân phối giữa Nestlé và các nhà phân phối. Do đó, công ty sẽ thực hiện giá bán lẻ đúng theo các mốc thời gian quy định trong Quyết định 1079 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết hợp đồng phân phối đều là hợp đồng mua đứt bán đoạn, theo đó Nestlé chịu trách nhiệm khâu bán sỉ, các nhà phân phối và đại lý chịu trách nhiệm khâu bán lẻ. NTD nên liên hệ các nhà phân phối và đại lý để biết về thời điểm áp dụng giá bán lẻ.
Được biết, theo Quyết định 1079/2014, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng khác có chức năng thanh tra sẽ thực hiện bình ổn giá, xử lý các hành vi vi phạm. Hội Bảo vệ NTD Việt Nam sẽ phản ánh thông tin tình hình về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.
Trị lách luật Bộ Tài chính cũng có quy định trường hợp DN có thay đổi về quy cách đóng gói, bao bì, mẫu mã và thông tin chất lượng được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì là sản phẩm mới. Do đó, DN phải xác định giá bán buôn tối đa theo quy định. Cẩn trọng với việc áp giá trần Việc áp giá trần có thể làm cho DN có ít động lực hơn và thiếu đi sáng tạo trong sản xuất do giá bị khống chế. DN có thể sản xuất sản phẩm chất lượng thấp đi, hay giảm trọng lượng sản phẩm hoặc cho ra mẫu sản phẩm mới với giá mới để đối phó. Thậm chí DN có thể bán số lượng cầm chừng để đưa bớt một phần ra chợ đen. Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tếvà Quản lý TP.HCM |