Các loại thức ăn nhanh, đồ uống nhanh đường phố đang trở thành xu hướng kinh doanh mới ở TP HCM
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường Cộng Hòa từ siêu thị Lotte Mart đến Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP HCM) có đến hàng chục điểm bán đồ ăn sáng với nhiều thương hiệu như: chả cá Vũng Tàu, bánh mì nóng Đà Nẵng, bún thịt nướng, cơm tấm, bánh ướt chả quế… lấn át hẳn những xe bánh mì hay gánh xôi như thường thấy.
Giá rẻ, tiện lợi
Tờ mờ sáng, chị Trần Thị Viên (35 tuổi, quê An Giang) với đồng phục màu xanh đã chuẩn bị sẵn một xe đẩy bánh mì gà với bảng hiệu “Ăn là ghiền” trưng bày gọn ở góc đường Cộng Hòa. Một ổ bánh mì gà có giá bán từ 6.000-10.000 đồng với bao bì bắt mắt, hợp vệ sinh nên thu hút nhiều khách hàng là những người đi làm buổi sáng. Nguyên liệu chủ yếu của ổ bánh mì là chà bông, thịt gà xé nhỏ kèm dưa leo, ngò, hành và tương ớt… được chị mua về tỉ mẩn làm suốt đêm.
Chị Viên cho biết trục đường Cộng Hòa có lượng người đi làm buổi sáng rất đông, nếu chịu khó dậy sớm bán đến 8 giờ là đã có lời. Trung bình mỗi buổi sáng, xe đẩy bánh mì của chị bán không dưới 120 ổ.
Những điểm bán thức ăn, đồ uống kiểu này đang nở rộ ở TP HCM
Trên các tuyến đường như Trần Hưng Đạo (quận 1); Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo, Lê Văn Sỹ (quận 3); Tô Hiến Thành, ngã tư Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, đường 3 Tháng 2 (quận 10); Huỳnh Tấn Phát (quận 7)... cũng nở rộ các chuỗi thức ăn nhanh vỉa hè như Five Star, Đại Phát Food (hệ thống thức ăn nhanh 1 phút 30 giây), Alo cơm, Alo cà phê... thu hút rất đông khách vào mỗi sáng.
Đặc điểm của các “cửa hàng” này thường bán kiểu combo như ở các chuỗi cửa hàng ăn nhanh Lotteria, KFC hay McDonald’s... gồm bánh mì, hamburger, hot-dog kèm nước uống nhưng giá chỉ từ 15.000-20.000 đồng/phần, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng.
“Vì thời gian không cho phép nên tôi thường mua cơm tấm hoặc bánh mì lên cơ quan ăn luôn cho tiện. Nhìn họ bán cũng sạch sẽ, ngon lại phù hợp thu nhập nên ăn riết thành quen” - anh Đinh Hữu Khôi, lập trình viên máy tính tại quận 3, cho hay.
Còn ông Trương Văn Thu, phụ huynh học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3), nói: “Mấy đứa nhỏ nhà tôi thích ăn vặt, mặc dù buổi sáng đã ăn nhẹ ở nhà nhưng chúng vẫn thích xúc xích, hot-dog... Vì thế tôi hay chọn những xe sạch sẽ để mua chứ đâu thể kiểm chứng được có bảo đảm an toàn vệ sinh hay không!”.
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Không chỉ thức ăn nhanh, những điểm bán cà phê mang đi, nước ép trái cây, nước sâm, đồ uống tổng hợp cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường ở TP HCM với giá bán từ 10.000-15.000 đồng/ly. “Bán hàng lưu động trên những chiếc xe máy vừa linh động vừa tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, lại phù hợp nhu cầu của giới trẻ hiện nay” - ông Anh Nguyên, nhân viên bán hàng của Cà phê sạch trên đường Cộng Hòa, nói.
Riêng một số điểm bán theo phương thức nhượng quyền được trang bị xe đẩy, máy pha chế, ly tách và đồng phục thiết kế khá hiện đại. Nguyên liệu chế biến được những nơi này cam kết nguyên chất, có nguồn gốc rõ ràng và hợp vệ sinh, pha chế bằng công thức riêng để tạo hương vị đặc trưng.
Theo bà Cẩm Bình, nhân viên Phòng Marketing Công ty Đại Phát, công ty đang sở hữu hơn 100 cửa hàng, trong đó có 40% cửa hàng nhượng quyền và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương. Nếu tập trung vào bán thức ăn toàn thời gian thì khó cạnh tranh với các thương hiệu lớn như KFC hay McDonald’s nên Đại Phát chọn cách phát triển hệ thống cửa hàng “di động” với thời gian bán hàng từ 5-9 giờ hằng ngày. “Mặc dù xe lưu động đặt một phần trên lề đường nhưng trong giới hạn, không chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ để khách hàng có thể nhận diện được thương hiệu” - bà Bình cho biết thêm.
Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, cho rằng kinh doanh thực phẩm, quan trọng nhất là khẩu vị, rồi đến giá cả phù hợp, sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh, sau đó mới đến thương hiệu và hệ thống nhận diện. Đây là những yếu tố để cạnh tranh không chỉ với các cá nhân kinh doanh đơn lẻ truyền thống mà còn với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
“Bán lẻ thực phẩm ở Việt Nam là lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề pháp lý (lấn chiếm lòng lề đường, khai thuế và đặc biệt là quản lý mặt an toàn vệ sinh thực phẩm…). Do đó, người kinh doanh cần quán triệt điều này để tránh ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng cũng như trật tự đường phố" - Bác sĩ Trần Văn Ký lưu ý.
Làm mới cách bán hàng cũ Các chuỗi thức ăn nhanh đường phố đang phát triển mạnh tại TP HCM và một số tỉnh, thành trong cả nước. Những thương hiệu bánh mì Má Nam, bánh mì Má Tâm, bánh mì chả cá Vũng Tàu, bánh mì Tuấn Mập, bánh mì 1 phút 30 giây (bán theo compo có kèm nước uống), Five Star, Alo cơm, Alo cà phê... và hàng trăm xe đẩy xôi, bánh ướt, bún thịt nướng... có hoặc chưa có thương hiệu đã trở nên quen thuộc và là cứu cánh của không ít bậc phụ huynh cũng như giới lao động, văn phòng trong việc lựa chọn thực đơn buổi sáng. Rất tiện lợi! Khách chỉ cần tấp xe vào lề đường, ngồi trên xe “kêu” món hoặc chỉ cần “alô” là vài phút sau đã có hàng giao tận tay. Quan sát kỹ, có thể thấy đây là các chuỗi thức ăn nhanh vẫn lưu giữ và mang đậm phong cách ẩm thực đường phố với những ưu điểm nổi bật là bán thức ăn nhanh Việt Nam, địa bàn hoạt động chính ở lề đường (cố định một số địa điểm hoặc di động), phục vụ nhanh, tiện lợi, giá bán rất cạnh tranh. Nói cách khác, đây là một dạng của kinh doanh thức ăn đường phố đã được làm mới, nâng cấp, chăm chút thêm về cách bày trí, phục vụ. Xe bán hàng trưng bày bắt mắt, nhân viên đội mũ đầu bếp, đeo tạp dề, mặc đồng phục có logo hoặc thương hiệu chuỗi... là những điểm cộng đánh vào tâm lý người tiêu dùng; giúp các chuỗi thức ăn này chiếm được thiện cảm của một bộ phận cư dân thành phố. Với lợi thế ít vốn (không tốn chi phí mặt bằng, bàn ghế, điện nước), đánh vào phân khúc khách hàng bình dân và học sinh, sinh viên, lợi nhuận thu được của loại hình kinh doanh này không phải nhỏ. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thức ăn đường phố khác, các chuỗi thức ăn nhanh này đang nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Làm sao bảo đảm chất lượng từng món ăn được chế biến bằng nguyên liệu sạch, bảo quản đúng quy trình và đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm? Làm sao để việc kinh doanh của các chuỗi này không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự mỹ quan đô thị (lấn chiếm lòng lề đường) vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thanh Nhân |