Thông tin mít “tẩm chất cấm cho ngọt và chín vàng đẹp màu” khiến nhiều người tránh xa loại trái cây này. Dù chưa rõ thực hư nhưng mít đã rớt giá từ 30.000 đồng/kg xuống còn hơn 10.000 đồng/kg nhưng vẫn chẳng ai mua.
Nói “không” với mít vì sợ độc
Tin đồn “mít xanh được chích tẩm chất cấm cho ngọt và nhanh chín”, mau chóng lan rộng khiến người tiêu dùng nói “không” với loại trái cây này và người trồng mít thì khóc ròng vì giá rớt thảm.
Bà Bùi Thị Ẹng, xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình than thở: “Chuyện tẩm thuốc cấm cho mít ở đâu tôi không biết nhưng thông tin này gây thiệt hại quá lớn với người trồng mít. Nhà tôi trồng cây mít Thái cho quả suốt 4 mùa nhưng nay thì ế chỏng chơ vì bán chẳng ai mua”.
Nói về chuyện “thúc cho mít chín”, bà Eng giải bày “Đến vụ thu hoạch tôi cũng không vội vàng gì vì mít cũng lớn rất nhanh nên không có chuyện thúc ép cho quả nhanh chín để bán lấy tiền, làm thế tội chết. Nếu chúng tôi tẩm độc cho mít thì chúng tôi sẽ bị độc đầu tiên vì tiếp xúc với thuốc độc nên không tội gì vừa hại mình và hại người như vậy”.
Người tiêu dùng không nên chọn quả mít đã bị khoét lỗ. Ảnh: T.G
Cũng trú huyện Kim Bôi và cũng trồng mít cây mít Thái, ông Hàng Văn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm ăn lâu dài nên cần khẳng định chất lượng chứ không phải bán hết một mùa mít rồi thôi. Chuyện mít tẩm thuốc độc hại tôi nghĩ người tiêu dùng hoặc khách mua của mình cũng sẽ biết vì chất lượng quả mít không thể ngon, đúng vị như mít chín cây được”. Cũng theo ông Dũng phỏng đoán thì đây có thể chỉ là tin đồn để tiểu thương ép giá nhà vườn. Vì mít tại vườn đang bị ép giá xuống 4.000 đồng/kg nhưng việc ép giá này gây tác dụng ngược. Ép được giá chủ vườn nhưng với thông tin độc hại đó thì ai dám mua mít của họ sau khi đã cất về?
Phía khách hàng, bà Nguyễn Thị Yến, phố Khuất Duy Tiến, Hà Nội cho biết: “Mít là món khoái khẩu của tôi nhưng thời gian gần đây không dám mua về ăn nữa. Vì có lần tôi mua về ăn, con dâu kiên quyết không cho ăn vì nó mới đọc được thông tin “mít tẩm độc cho ngọt và có màu chín vàng đẹp mắt”. Dù rất thèm nhưng tôi đành phải nói “không” với mít”.
Một khách hàng khác là chị Tạ Thị Bích Liên, Định Công, Hoàng Mai cũng khẳng định: “Mít đang có giá bán rất thấp, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại nhưng tôi cũng chẳng dám mua vì sợ mua nhầm mít tẩm hóa chất độc hại. Ăn mà lo nơm nớp thà nhịn cho lành”.
Tin đồn nhưng vẫn phải “cẩn trọng”?!
Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN cho rằng, thông tin “mít tẩm thuộc độc hại” đến thời điểm này mới chỉ là tin đồn vì thực chất cơ quan chức năng chưa phát hiện được bất kỳ cơ sở hay nhà vườn nào sử dụng chất cấm cho loại trái cây này. Hoặc có chăng chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, chỉ cần biết cách nhận diện đúng mít chín câythì có thể sử dụng loại trái cây này một cách an toàn. “Thực chất đấy là loại quả khá an toàn do có vỏ dầy, nếu muốn tác động vào loại quả này để làm chín, thường người ta phải “đục, khoét” trái. Vì vậy, người mua chỉ cần tránh chọn những quả đã có dấu hiệu “đục”, “khoét” để tránh mua phải mít bơm thuốc”, đại điện Cục Trồng trọt khuyến cáo.
Chị Tạ Thị Lựu, chủ cửa hàng trái cây trên phố Hồ Tùng Mậu, Hà Nội cũng thừa nhận: “Thời gian gần đây mít bán khá chậm dù giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều người sành ăn mít nhận diện rất tốt mít chín cây nên họ vẫn mua ăn bình thường. Nhất là thời điểm hiện nay mít đang rẻ chỉ hơn 10.000 đồng/kg (trước đây là 30.000 đồng/kg). Để biết trái mít nào chín cây, họ chỉ cần đánh giá qua lượng mủ tại cuống hoặc nhìn vào vỏ mít, màu múi mít, mùi thơm của mít...”.
Thông tin từ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai một trong những vựa mít lớn của cả nước cho biết, tại địa phương không có hiện tượng bơm thuốc cấm cho mít chín ép. Bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán khẳng định, hiện tại Trạm vẫn chưa nhận được thông tin này từ nông dân, cũng không nghe phản hồi về việc “mít tẩm độc”. Bà cho biết Trạm sẽ tiến hành kiểm tra sớm về vấn đề này để bảo vệ người trồng mít và danh tiếng cho huyện chuyên cung cấp loại trái cây này.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc sử dụng các biện pháp ép chín trái cây hiện nay là có nhưng không phổ biến. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ cần tỉnh táo để lựa chọn trái cây an toàn ở cửa hàng uy tín và theo kinh nghiệm của chính mình.
Cũng theo ông Thịnh, mít có chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt, có thể phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm như phòng bệnh ung thư do chứa nhiều chất chống oxy hóa; Giúp ổn định huyết áp cao do chứa lượng kali khá dồi dào. Đồng thời trong mít cũng chứa nhiều vitamin A giúp bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do, ngăn chặn thoái hoá võng mạc, đục thủy tinh thể. Trong mít còn chứa các vitamin như vitamin A, C, E, K, B6, các vi chất niacin, folate, axít pantothenic và các khoáng chất như đồng, mangan và magiê… những chất quan trọng cho máu sẽ làm tăng khả năng hấp thụ chất sắt cho cơ thể. Qua đó, mít có lợi ích phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức chọn mít an toàn để không bỏ qua loại trái cây nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể này.
Dễ dàng nhận diện mít tẩm thuốc chín ép Chị Tạ Thị Lựu – chủ hàng trái cây lâu năm ở Hà Nội cho hay, nhận diện mít tẩm thuốc khá đơn giản vì muốn bơm thuốc phải khoét ra, có vết. Thứ hai là miếng mít cắt ra có nhiều nhựa trắng do tác động của thuốc chín ép những quả xanh có nhiều nhựa; Mít chín ép không có mùi thơm, ăn có cảm giác múi mít bị sượng, xơ và múi có màu vàng như nhau; Gai mít nhọn, cứng và dày vì đó là quả còn xanh. Đông An |