Nhiều doanh nghiệp mạnh tay mua USD để phòng ngừa tỉ giá VNĐ/USD có thể biến động trong thời gian tới
Từ ngày 13-2 đến nay, giá USD tại các ngân hàng (NH) thương mại liên tục tăng với đỉnh cao là 22.840 đồng/USD. Còn tỉ giá trung tâm sau khi tăng thêm 12 đồng/USD, lên mức 22.336 đồng/USD, đã được NH Nhà nước điều chỉnh lùi về 22.229 đồng/USD.
Mở cửa giao dịch ngày 17-2, hầu hết các NH thương mại công bố giá USD mua vào 22.720 đồng, bán ra 22.800 đồng. Tuy mức giá này không thay đổi so với hôm trước nhưng nếu so với tuần trước thì giá USD đã tăng gần 150 đồng.
Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do gần như không biến động; mua vào, bán ra theo sát giá của NH thương mại, vắng bóng người giao dịch.
Nguồn cung USD chững lại trong khi nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng, kéo giá USD trên thị trường nhảy vọt những ngày qua Ảnh: TẤN THẠNH
Lãnh đạo một số NH thương mại cho biết ngoài nguyên nhân USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng giá, tỉ giá tại Việt Nam tăng còn do nguồn cung USD chững lại trong khi nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng. Vì thế, khi khách hàng có nhu cầu, các NH đều chào bán USD với giá cao, khiến tỉ giá VNĐ/USD trong vài ngày qua liên tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm.
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), gần đây, một số NH cần USD để cung ứng cho doanh nghiệp. Do đó, khi nhu cầu USD của vài NH tăng sẽ đẩy giá USD của nhiều NH khác tăng theo. Ngoài ra, doanh nghiệp có nhu cầu USD trong tương lai để thanh toán hàng hóa nhập khẩu cũng tranh thủ mua USD kỳ hạn bởi họ dự báo tỉ giá đang chịu nhiều áp lực từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong khi đó, người đứng đầu FED - bà Janet Yellen - ủng hộ đồng USD tăng giá khi mà hầu hết các nền kinh tế lớn nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách áp dụng lãi suất thấp cũng như đưa ra một loạt gói kích thích kinh tế. Cụ thể, USD tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác, trong đó đồng euro giảm thêm 0,1% so với USD, hiện tại 1,0572 USD đổi được 1 euro.
TS Bùi Quang Tín cũng nhận định việc giá USD của các NH thương mại có biến động trong khi tỉ giá trung tâm tăng không đáng kể, đồng thời giá USD trên thị trường tự do giảm dần so với những ngày trước Tết Đinh Dậu chứng tỏ thanh khoản USD bình thường và trong tầm kiểm soát của NH Nhà nước. Do đó, tỉ giá tại các NH biến động trong vài ngày qua chủ yếu phát xuất từ nhu cầu đột biến của doanh nghiệp nhập khẩu.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP HCM cho biết việc mua USD theo kỳ hạn không đơn giản bởi chỉ có những doanh nghiệp lớn đã có sẵn hợp đồng nhập khẩu, xác định được thời điểm thanh toán trong vài tháng sắp tới mới đủ điều kiện mua USD trong tương lai. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện này thường mua USD trước kế hoạch nhập khẩu hàng hóa 1-2 tuần, đặc biệt khi tỉ giá biến động là họ phải mua ngay vì nếu chậm tay, giá USD tăng lên sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, ảnh hưởng đến giá sản phẩm.
Lãnh đạo một NH có thế mạnh xuất nhập khẩu cho hay trong tuần qua, sức mua USD chủ yếu đến từ các NH bạn bởi một số NH không có nguồn cung USD nhưng lại có nhiều doanh nghiệp đặt mua ngoại tệ, buộc phải mua USD các NH bạn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình.
Kiến nghị tăng lãi suất huy động USD TS Bùi Quang Tín cho biết hiện trên thị trường quốc tế, lãi suất USD liên ngân NH khoảng 0,68722% (kỳ hạn qua đêm), 0,7151%/kỳ hạn 1 tháng và lãi suất tiền gửi USD tại nhiều nước lên đến 1% tùy theo kỳ hạn, loại hình tiền gửi. Do đó, lãi suất USD tại các NH Việt Nam nên bằng mức này hoặc thấp hơn nhằm thu hút thêm ngoại tệ để ổn định thanh khoản khi nhu cầu USD trong nước tăng đột biến. Mặt khác, FED dự kiến 3 lần tăng lãi suất USD trong năm 2017 cũng tạo áp lực cho lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ hướng đến mục tiêu huy động ngoại tệ, vàng trong dân để đưa nguồn lực này vào sản xuất - kinh doanh, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH, cho rằng muốn như vậy thì cần khuyến khích người dân gửi tiết kiệm ngoại tệ. “Chúng ta cần nghiên cứu nâng trần lãi suất USD lên 0,25%, phù hợp với xu thế tăng lãi suất USD được dự báo trong thời gian sắp tới” - ông Lực đề xuất. |