Không được vay vốn, không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ trong khi xuất khẩu lại phải chịu thuế, ngành này ngày càng giảm sút
Theo Hội đồng Vàng thế giới, quý I/2016, trong khi thị trường vàng nữ trang thế giới giảm khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam lại tăng. Cụ thể, năm 2015, nhu cầu vàng nữ trang ở Việt Nam khoảng 15,6 tấn; riêng quý I/2016 là 4,7 tấn (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước).
Cần nhập 20 tấn vàng nguyên liệu mỗi năm
Ngày 18-5, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM (SJA), cho biết khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp (DN) trong ngành vàng trang sức, mỹ nghệ là không được cấp phép nhập vàng nguyên liệu nên phải mua trôi nổi trên thị trường, vô tình tiếp tay cho nạn buôn lậu vàng và tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ chợ đen tồn tại. Con số thống kê trên khá trùng khớp với ước tính nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ khoảng 20 tấn/năm của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA).
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, cho biết dù Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cho phép DN được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, mỹ nghệ (có điều kiện) nhưng gần 5 năm qua, chưa DN nào được cấp giấy phép. Do đó, DN phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thậm chí mua phải hàng lậu.
Tổng giám đốc một thương hiệu có uy tín cũng thừa nhận không ít vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ là từ nguồn nhập lậu. Đại diện một DN sản xuất vàng trang sức có tiếng tại TP HCM cho rằng rủi ro lớn của DN ngành vàng trang sức là phải mua nguyên liệu trôi nổi nên có thể gặp họa bất cứ lúc nào nếu mua phải hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Nhu cầu vàng trang sức, mỹ nghệ tăng nhưng ngành sản xuất này lại ngày càng giảm sút Ảnh: Tấn Thạnh
Cuối năm 2015, việc một tiệm vàng ở Đồng Nai dính cú lừa mua phải vàng nguyên liệu dỏm trị giá hơn 10 tỉ đồng gây chấn động giới kim hoàn. Theo nhiều DN, vàng giả chủ yếu từ Trung Quốc, qua cửa khẩu Campuchia rồi tuồn vào Việt Nam. Không phải DN mất cảnh giác với nguồn hàng này nhưng do nhiều nơi chưa trang bị được máy móc hiện đại mà chủ yếu dùng phương pháp truyền thống để kiểm tra nên nhiều tiệm vàng bị lừa.
Ngày càng tụt hậu
Thời gian qua, do gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa do không có vàng nguyên liệu, không được vay vốn ngân hàng theo quy định hiện hành. Rất nhiều lao động mất việc làm, ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới.
Ông Nguyễn Thành Long nhìn nhận năng lực sản xuất của DN ngành vàng trang sức ngày càng sụt giảm là đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%. Lúc này, hàng ngoại nhập với mẫu mã đẹp, giá thấp sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, làm cho các sản phẩm nữ trang nội địa “lép vế” ngay trên sân nhà, gây nguy cơ DN trong nước trở thành đại lý bán nữ trang cho nước ngoài.
Hiện trên địa bàn TP HCM có khoảng 3.000 DN sản xuất, kinh doanh vàng. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng theo ông Dưng, rất nhiều DN trong số này đã tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa, chuyển ngành nghề khác do khó khăn.
VGTA kiến nghị để tránh nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan, ảnh hưởng tới điều hành chính sách tiền tệ của nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những DN đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhiều DN vàng trang sức cho rằng sản xuất, kinh doanh vàng trang sức là hoạt động thông thường, không thuộc đối tượng bị cấm hay hạn chế kinh doanh. Hiện nay, thị trường vàng khá ổn định, giá vàng trong nước đã theo sát giá thế giới và không còn những cú sốc lớn trên thị trường, nhà nước cần tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách để tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. “Trên thực tế, ngành vàng nữ trang cũng như các ngành kinh tế khác hoạt động bình đẳng theo Luật DN nên nếu hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các DN nữ trang là không công bằng” - Chủ tịch VGTA nói.
Gập ghềnh đường lưu thông Theo VGTA, dù Thông tư 22/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã có hiệu lực hơn 2 năm qua nhưng tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến. Nhiều DN than thở rằng vàng trang sức, mỹ nghệ rất khó lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác do việc đánh giá chất lượng chưa đồng nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm trang sức tại TP Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng 65% nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63%, thậm chí đến TP HCM chỉ còn 61%. Điều này cho thấy chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng của phần lớn DN đang có vấn đề và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “mua ở đâu, bán ở đó”. |