Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hiện nay giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới đang “phập phù”, lúc tăng lúc giảm. Giai đoạn này, cơ quan quản lý muốn doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn.
Tại công văn ngày 12.9 gửi Tập đoàn Xăng dầu VN và Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Bộ Tài chính yêu cầu 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối này tiếp tục giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước như quy định hiện hành. Đồng thời, các doanh nghiệp này thực hiện những biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa và bảo đảm việc kinh doanh xăng dầu tiến hành bình thường.
Chiều 13.9, trả lời báo chí về vấn đề điều hành giá xăng dầu, sau khi 2 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có đề xuất tăng giá xăng dầu lên Bộ Tài chính và bị “từ chối”, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hiện nay giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới đang “phập phù”, lúc tăng lúc giảm. Giai đoạn này, cơ quan quản lý muốn doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn. “Chúng ta phải thừa nhận rằng, bây giờ giá xăng được điều hành theo tín hiệu giá thế giới. Thị trường xăng dầu thế giới biến động ra sao, ảnh hưởng tới giá xăng nội địa như thế nào sẽ được phản ánh đúng theo giá cơ sở. Đã theo giá thế giới thì không ai chắc được diễn biến giá như thế nào. Giá xăng trong nước muốn đứng yên chỉ trừ khi được bao cấp mà thôi”- ông Tuấn nói.
Bộ Tài chính yêu cầu giữ ổn định giá xăng dầu. (ảnh minh hoạ).
Xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương đầu tháng 9, đại diện của Bộ cũng cho rằng: “Giá xăng khó bám với giá thế giới. Không thể tăng giảm ngay theo giá thế giới” - ông Tuấn cho biết: “Còn tùy thuộc vào cách tính giá bình quân như thế nào. Thực ra Bộ Công Thương nói cũng đúng”.
Theo lý giải của ông Tuấn, cách tính giá cơ sở bình quân 10 ngày sẽ khác với cách tính giá bình quân 15 ngày, hay 30 ngày. Điều hành giá xăng dầu hiện nay phải bám sát Nghị định 84 và Thông tư 24. Tức là tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 10 ngày. Nếu trong 10 ngày, giá xăng Ron A92 tăng chóng mặt đang ở mức 114 USD/ thùng rồi vọt lên 118, 120 rồi 130 USD/thùng thì doanh nghiệp vẫn phải chờ chứ không được tăng ngay.
Việc tăng hay giảm giá phải đều phụ thuộc rất lớn vào ngày chốt giá, và tính bình quân 30 ngày. Trong quãng thời gian 10 ngày hôm nay giá có thể giảm sâu nhưng vẫn phải cõng giá bình quân của 20 ngày trước đó. Chẳng hạn như giá xăng ngày 13.9 giảm 3-4 USD/thùng so với các ngày 9.9. Tuy nhiên tính ngược bình quân 30 ngày, tức là về ngày 13.8, giá xăng thế giới lại cao do ảnh hưởng của Syria. Vì vậy mới có chuyện, giá xăng cơ sở cao, doanh nghiệp đang kêu lỗ vài trăm đồng/lít xăng.
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng cách điều hành giá xăng của Bộ Tài chính khá bị động, phụ thuộc rất nhiều vào báo cáo giá của doanh nghiệp, ông Tuấn lý giải: “Chỉ riêng với mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý đã dành hẳn 1 nghị định để điều hành. Giá xăng dầu là một chuyện, mà quan trọng hơn là chúng ta phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo về chất lượng, an toàn cháy nổ. Vừa rồi có doanh nghiệp xin phép cho thêm 500 đồng nữa trong chi phí tính giá cơ sở mà liên Bộ quy định để đưa xăng bán cho Mường Lát, Thanh Hóa (cách TP.Thanh Hóa 300km), nhưng không được chấp nhận. Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào chịu đưa xăng về vùng sâu, nơi địa bàn khó khăn để bán nếu không bị ép. Vì vậy, khi nói về xăng dầu, phải đặt trong tổng thể kinh tế -xã hội, an ninh, quốc phòng”.