Trung Quốc truy xuất “lý lịch” hoa quả Việt nhưng Việt Nam lại khó truy xuất nguồn gốc hoa quả từ nước này.
Sau khi truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam (VN), mới đây Bộ Công Thương cho biết từ ngày 1-4, hoa quả (thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng, chuối…) từ VN xuất sang Trung Quốc (TQ) sẽ bị truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, các thông tin cần phải có khi xuất hàng từ VN sang TQ gồm: Tên sản phẩm trái cây, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh…
Ngược lại, hiện nay rau quả TQ không nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường VN.
Rau quả Trung Quốc sống nhờ “núp bóng”
Khảo tại các hệ thống siêu thị và chợ lẻ tại TP.HCM chúng tôi nhận thấy không có bóng dáng rau quả TQ. Chị Thúy Hiền, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho hay các tiểu thương ở chợ thường nhập táo, nho TQ từ chợ đầu mối nhưng khi bán đều quảng cáo là hàng Mỹ. Điều này khiến người mua lúng túng, không biết được đâu là thật giả, đâu là hàng đảm bảo chất lượng.
Hiện nay rau củ, trái cây TQ nhập về nhiều nhưng trà trộn vào hàng Việt khiến người tiêu dùng khó nhận biết được xuất xứ. Ảnh: QUANG HUY
“Tôi được biết TQ đã truy xuất nguồn gốc rau quả nước ta, vậy chúng ta cũng nên yêu cầu tương tự với họ. Tức trái cây, rau TQ vào nước ta cũng phải truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Họ muốn dân họ được ăn sạch, an toàn thì mình cũng phải làm vậy để bảo vệ dân mình” - chị Hiền nói.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) cho hay rau quả xuất xứ từ TQ về chợ chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng nhập chợ, thậm chí hơn. Trong đó nhiều nhất là cam, quýt, táo, lê, nho, lựu, hồng, tỏi, hành... Tuy nhiên, các loại nông sản TQ thường được tiểu thương mua về bán tại các chợ lẻ, chợ tự phát, vỉa hè... mà không có nhãn mác.
Đáng chú ý trái cây từ các nước châu Âu, Mỹ chủ yếu nhập chính ngạch vào VN nên có đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng. Lo nhất vẫn là trái cây TQ vì nhập khẩu chính ngạch thì ít mà tiểu ngạch thì nhiều nên rất khó kiểm soát chất lượng.
“Do vậy cần kiểm soát chặt đầu vào nông sản TQ bằng cách truy xuất nguồn gốc, xuất xứ từ các cửa khẩu. Đồng thời công bố thông tin về các loại rau củ, trái cây TQ bị phát hiện có chứa các chất độc hại để người tiêu dùng biết” - đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN (Vina Fruit), cho hay rau quả TQ còn đất sống nhờ thâm nhập nhiều vào VN qua đường tiểu ngạch không ai quản lý hoặc bằng chiêu núp bóng trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand. Thậm chí gần đây nhiều loại hoa quả TQ đội lốt các loại trái cây trong nước cùng loại, có đặc điểm ngoại hình giống nhau mà điển hình là xoài, hồng, cà rốt.
“Hiện nay lượng rau quả nhập khẩu từ TQ vào VN, khi phân phối ra chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát được. Do vậy phải có quy định yêu cầu các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh của VN dán nhãn nguồn gốc, xuất xứ rau quả khi bán ra thị trường nhằm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng” - ông Hương nói.
Phải công bằng để bảo vệ doanh nghiệp, người mua
Hiện nay quả xoài, trái chôm chôm, vú sữa… VN xuất khẩu sang các nước rất gian nan. Chưa kể các nhà nhập khẩu sang tận vườn xem vùng nguyên liệu, phải đạt chuẩn quốc tế GlobalG.A.P. mới mua. Ngay cả TQ, một thị trường lâu nay vốn khá dễ dãi bây giờ cũng yêu cầu hoa quả VN phải có nguồn gốc, xuất xứ.
Bình luận về động thái mới này của TQ, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng việc TQ truy xuất nguồn gốc nông sản Việt về lâu dài sẽ tốt cho thị trường, hạn chế được những thương nhân TQ vào VN mua nông sản mà không có giấy tờ gì, không tuân thủ pháp luật của nước ta. Đây cũng là hàng rào kỹ thuật để giới hạn thương lái TQ tự tung tự tác mà chính cơ quan chức năng VN không ngăn cản được họ.
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và để công bằng với hàng hóa VN thì chúng ta cũng nên có yêu cầu tương tự như vậy đối với các sản phẩm nhập từ TQ. Trong đó bao gồm tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói.
“Việc yêu cầu có truy xuất nguồn gốc đối với hàng TQ nhập khẩu vừa đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp và cũng là giải pháp để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Nó cũng giúp chúng ta ngăn chặn được những mặt hàng TQ độc hại” - tổng giám đốc Công ty Vinamit nêu quan điểm.
Trả lời báo chí liên quan vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho rằng việc áp dụng truy xuất nguồn gốc hoa quả là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho nguồn hàng xuất khẩu, cũng như uy tín cho nước xuất khẩu. Đây là bước đệm cho sản phẩm của VN có thể từng bước mở rộng tiếp cận các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, tại VN các khâu kỹ thuật trong kiểm soát về chất lượng hoa quả bao gồm từ khâu trồng, chăm sóc cho tới khâu thu hoạch, bảo quản... vẫn chưa được hoàn thiện. Đây cũng là một trong những lý do chính giải thích vì sao VN chưa thể yêu cầu truy xuất được nguồn gốc hoa quả từ TQ khi nhập vào VN.
Mỗi ngày Việt Nam chi hơn 86 tỉ nhập rau quả Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3-2018, giá trị nhập khẩu rau quả ước tính đạt 100 triệu USD(hơn 2.000 tỉ đồng), tăng 43% so với tháng 3-2017. Qua đó nâng tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu quý I-2018 lên khoảng 348 triệu USD (gần 8.000 tỉ đồng), tăng 51% so với cùng kỳ năm 2017. Tính bình quân mỗi ngày VN nhập khẩu hơn 3,2 triệu USD rau quả ngoại, tương đương hơn 86 tỉ đồng/ngày. Thái Lan và TQ tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất của VN khi lần lượt chiếm 45% và xấp xỉ 20% tổng lượng rau quả nhập khẩu về nước trong quý I-2018. Chặn hàng độc hại từ Trung Quốc Việc TQ truy xuất nguồn gốc hoa quả sẽ giúp các đơn vị xuất khẩu mặt hàng này của VN làm tốt vùng nguyên liệu và tăng cường liên kết với nông dân. Nhưng TQ truy xuất xuất xứ hoa quả nhập khẩu vào nước họ thì phía VN cũng cần có quy định này đối với rau quả TQ. Bởi việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp sàng lọc chất lượng rau quả TQ nhập vào VN. Nếu rau quả TQ có lý lịch, nhãn mác rõ ràng và chặn được mặt hàng độc hại từ nước này thì người tiêu dùng mới yên tâm. TS VÕ MAI, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật |