Theo GS Võ Tòng Xuân, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu nên hàng Việt Nam xuất qua nước ngoài không thể nào cạnh tranh nổi. Cho nên người nông dân Việt phải trồng sản phẩm sạch thì mới có thể tồn tại.
Quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật
Hàng nông sản nước ngoài tràn vào Việt Nam khá nhiều và khả năng thua ngay trên sân nhà không còn xa. Với việc sản xuất nhỏ lẻ và chạy theo số lượng, không chú trọng chất lượng, nông sản Việt Nam sẽ không có chỗ đứng nếu cứ tiếp tục.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thể làm được những sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, trong khi thị trường thế giới luôn yêu cầu điều này. Do đó, Việt Nam vẫn vướng ở nhiều khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ, chất lượng sản phẩm và chính sách trong nông nghiệp.
Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu (Ảnh minh họa)
Theo GS Võ Tòng Xuân, có rất nhiều lý do khiến nông sản Việt không thể nào cạnh tranh được với hàng nước ngoài. Việt Nam không thể nào cấm hàng của nước ngoài tràn sang mình, chỉ trừ những quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nếu họ vi phạm.
Theo GS Võ Tòng Xuân, hàng của nước ngoài rẻ, mẫu mã tốt, lại an toàn thì đương nhiên được ưa chuộng. Hơn nữa, người dân ngày càng chuộng những sản phẩm an toàn, cũng chính vì thế mà họ dần loại hoa quả Trung Quốc để chuyển sang hoa quả Thái Lan, Mỹ, Úc…
GS Võ Tòng Xuân cũng cho hay, bản thân hàng nông sản của Việt Nam chứa rất nhiều thuốc trừ sâu.
Theo số liệu của Hải quan, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu. Khi hàng Việt Nam xuất qua nước ngoài thì họ không thể nào chấp nhận, nhất là những nước giàu, họ yêu cầu chất lượng thực phẩm cao hơn nhiều. Cho nên người nông dân Việt phải trồng sản phẩm sạch thì mới có thể cạnh tranh.
“Khi mình làm đàng hoàng thì mình sẽ được ưa chuộng, rồi dần dần sẽ có thương hiệu. Ngay như gạo của nước ta hiện nay cũng không có thương hiệu. Sản xuất phải theo chuỗi giá trị, bắt đầu từ hạt giống phải đồng bộ trở đi. Chứ người này trồng giống này, người kia giống kia, khi thương lái mua họ trộn chung với nhau thì chẳng ăn thua gì” – GS Võ Tòng Xuân cho hay.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nếu sản xuất theo quy trình công nghệ cao thì có thể giảm được giá thành, tăng được khả năng cạnh tranh. Nếu nông dân mạnh ai nấy trồng theo kinh nghiệm, không tuân theo kĩ thuật khoa học thì chất lượng thấp là đương nhiên.
“Ví dụ như Nhà nước đưa ra đề án trồng ngô để thay thế ngô nhập khẩu. Nhưng trồng xong thì giá ngô của mình lại cao hơn giá ngô nhập. Như vậy các công ty chăn nuôi dại gì họ mua, họ sẽ tìm mua giá rẻ hơn từ Mỹ, Brazil hoặc Mexico…” – GS Xuân nêu ví dụ.
Không có thị trường
GS Võ Tòng Xuân cho hay, nông dân có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường. Một nông dân cá thể chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hoá thì phải kết hợp nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm, và giá phải cạnh tranh.
Việc xác định mặt hàng nào cần sản xuất phải được điều tra nghiên cứu thị trường một cách khoa học và chu đáo, không thể thấy láng giềng bán được rồi mình cũng bắt chước sản xuất theo.
"Đối với một nước kém phát triển như Việt Nam, nông dân còn nghèo, phần lớn các công ty tư nhân chưa phát triển, và phần lớn các công ty quốc doanh lại kém năng động, Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ để tạo thị trường", GS Xuân nhận định.
Ông nói thêm, mỗi người nông dân phải làm thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh của mình với sản phẩm tốt và giá thành rẻ hơn. Muốn thế phải làm theo đúng quy trình VietGap, chứ nếu làm thông thường thì giá cao, không thể nào cạnh tranh được.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần phải có những giải pháp hữu hiệu, cụ thể và quyết liệt để tìm ra hướng đi cho nông sản Việt.
Về chính sách Nhà nước, theo GS Nguyễn Quốc Vọng, để đột phá trong nông nghiệp, chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách sử dụng đất đai dài hạn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Nhà nước tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ thông qua đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là khâu sau thu hoạch và chế biến, có chính sách, chiến lược cho nông sản xuất khẩu.