Người trồng rau bơm quá nhiều thuốc nên sâu nhờn thuốc, phun thuốc không chết, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn phun thuốc thì làm đất hỏng, rau không mọc được. Vùng rau an toàn lớn nhất Hà Nội hiện không có ai kiểm soát?
Cán bộ đến một vài lần rồi đi
PV Infonet trong vai người đi mua rau về kinh doanh, đã có dịp chuyện trò với nhiều người nông dân tại vùng rau an toàn Vân Nội. Nhiều người nói thẳng, chẳng có cơ quan nào quản lý chất lượng rau, rau sạch hay rau độc cũng bán ra thị trường hết, dưới mác rau an toàn mà không hề có ai kiểm tra giám sát.
Chị Nguyễn Thị Quyên – người trồng rau lâu năm ở cánh đồng rau thuộc thôn Viên Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chị Quyên đang trồng rau cho biết: “Trồng rau mà không phun thuốc thì không có mà bán và người tiêu dùng không có mà ăn".
Chị Nguyễn Thị Quyên: Họ (cán bộ ngành nông nghiệp - PV) cho thuốc hướng dẫn chúng tôi cách trồng và phun thuốc có ăn thua gì đâu. Họ hướng dẫn cách trồng và phun thuốc khiến đất hỏng, rau không mọc được mà chết hết
"Cơ quan quản lý về cho thuốc và dạy cách trồng rau chỉ được 1-2 lần là họ không đến nữa. Họ cho thuốc hướng dẫn chúng tôi cách trồng và phun thuốc có ăn thua gì đâu. Họ hướng dẫn cách trồng và phun thuốc khiến đất hỏng, rau không mọc đươc mà chết hết”, chị Quyên nói.
Còn chị Lại Thị Luyến, ở thôn Đông Tây, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội nói: “Nhà tôi trồng rau 3-4 sào, ngoài bán cho các chợ, bán lẻ còn bán đi cả siêu thị. Rau nào chẳng có thuốc sâu nhưng thu hoạch và phun phải đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất thuốc. Ví dụ có gói thuốc ghi nửa tháng, 1 tuần thì mình đảm bảo như trên bao bì nhãn mác".
"Thuốc bảo vệ thực vật thì cứ tự ra đại lý mua, trên bao bì có hướng dẫn cả rồi. Hiện nay thuốc sinh học nhiều nên chỉ cần phun 1 tuần là bán cho người tiêu dùng và mình ăn được, có loại thuốc 14 ngày là thu hoạch nhưng nếu là rau ăn lá thì ít người dùng loại thuốc này".
"Thậm chí có loại thuốc chỉ cần phun 3 ngày là có thể thu hoạch, ăn được. Sau khi thu hoạch bán cho hợp tác xã, chợ Vân Trì, bán cho các người bán lẻ đi Hà Nội”, chị Luyến nói.
Thuốc nhãn mác Trung Quốc được người dân phun cho rau khá phổ biến.
“Mình trồng rau phải làm đảm bảo chứ nhỡ có làm sao thì mất uy tín. Do lương tâm mình làm, bảo ăn được thì ăn được, không ăn được là không ăn được, bơm (thuốc) hôm qua hôm nay bán là không có. Mình đi bán mà hôm sau có người ngộ độc, đau bụng thì lần sau ai dám mua của mình”, chị Luyến chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, thôn Trung Oai, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Bản thân là người trồng rau nên tôi khuyên mọi người rằng “mua rau về muối dưa nếu thấy bọt nổi lên thì đổ đi, vì đó là rau chứa nhiều thuốc sâu, ăn rất nguy hiểm”.
Có lần tôi ra chợ Vân Trì mua rau, đỗ đũa dài ngon mang về xào ăn một bữa mà cả nhà đều đau bụng. Rau nào cũng phải phun nhưng nếu phun sau 20 ngày cắt bán thì được chứ một tuần mà đã cắt bán ngay thì không thể ăn nổi”.
Su hào củ khá to nhưng người trồng vẫn phun thuốc cho xanh lá.
Bà Bình cũng phân tích: “Chẳng hạn đỗ đũa, dưa chuột… đang ra hoa kết trái mà người trồng rau phun thuốc khi đang thụ phấn thì thuốc ngấm vào, người tiêu dùng ăn rất nguy hiểm. Ngoài ra, khi giá rau rẻ, thì người trồng tuân thủ theo chỉ định của nhà sản xuất thuốc. Tuy nhiên, lúc giá rau đắt và hiếm thì nhiều khi chỉ vì lợi nhuận thì họ không theo quy định nữa, phun rồi cắt bán cho người tiêu dùng, khi đó thì không an toàn. Tôi là người làm rau lâu năm, nên chia sẻ thật”, bà Bình nói.
Tuy nhiên, bà Bình cũng khẳng định: “Đến lúc này, người trồng rau bơm quá nhiều thuốc nên sâu nhờn thuốc rồi, phun thuốc không chết. Tôi nói thẳng là chẳng có cái gì sạch cả. Bây giờ nên ăn chỉ ăn su hào. Bơm thuốc kích thích mướp tăng nhanh, rồi đậu đũa, rau trái mùa càng dính nhiều thuốc sâu”.
Sạch hay bẩn cũng... phó thác cho dân
Còn nói về cơ quan quản lý về hướng dẫn cho người dân, bà Bình thẳng thắn chia sẻ: “Có đợt kỹ sư nông nghiệp về mời người dân hội thảo, sau đó thì... biến mất từ hồi đấy đến giờ. Có hai anh chị nông nghiệp về hướng dẫn thuốc nhưng phun được 1 lần đấy, trồng được mấy vụ rồi cũng chẳng thấy ai về nữa".
Vỏ thuốc đặc trị sâu kháng thuốc trên bờ ruộng
"Chợ Vân Nội thì nhiều nơi đổ về bán. Rau sạch chỉ có người dân có lương tâm làm, bơm thuốc hôm nay và chờ 15 ngày sau họ mới cắt rau đi bán, trông chờ vào lương tâm thôi chứ chẳng ai kiểm tra. Nếu người trồng rau chạy theo lợi nhuận thì người tiêu dùng thì chịu đành ăn rau nguy hiểm”, bà Bình cho biết thêm.
PV Infonet trao đổi với ông Nguyễn Thành Phúc – Trưởng ban quản lý chợ Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội, để hiểu rõ hơn về nguồn rau mà người trồng mang ra đây bán.
Ông Phúc cho biết: “Rau trong chợ chủ yếu của địa bàn xã Vân Nội, tuy nhiên vẫn có có 1 số loại rau từ nơi khác đến như ngọn susu của Vĩnh Phúc. Mùa này không có hàng Tàu chứ đến mùa hè thì rau Tàu về chợ nhiều. Quản lý ở chợ nên tôi biết là hàng Tàu nhưng người tiêu dùng nhìn rất khó để biết".
Ruộng rau từ khi mới nảy vài lá mầm đã được phun thuốc
"Ví dụ xe buôn bán, xe lạ không chở thẳng vào chợ mà tập trung 1 điểm nào đó, tiểu thương đi lấy về đem bán. Hay như trường hợp khoai tây Trung Quốc nhuộm đất cát để làm giả khoai Đà Lạt. Vì lợi nhuận mà nhiều cái mình không nắm hết được”, ông Phúc đưa ra dẫn chứng.
Khi PV đặt câu hỏi, liệu rau có an toàn, đảm bảo hay không? Ông Phúc thẳng thắn trả lời: “Chợ mình, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh rau an toàn thế thôi thực chất bà con sản xuất ra chưa có kiểm soát tận gốc, tận nơi. Bà con trồng trọt nhỏ lẻ, không trồng 1 lứa nên kiểm soát an toàn tận ruộng là không có. Tôi nghĩ su hào còn đỡ thuốc hơn là rau ăn lá. Nhiều khi thấy họ trồng nhanh quá không biết thế nào. Cứ 3-4 tuần là đem đi bán, không biết kỹ thuật trồng gì mà nhanh thế”.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Trưởng ban quản lý chợ Vân Trì trao đổi với PV Infonet.
“Chợ này là chợ rau sạch nhưng vẫn là chợ tạm, không phải chính thức là chợ rau an toàn. Khi chợ này chuyển ra trước cửa UBND xã Vân Nội thì mới là chợ rau an toàn chính thức, lúc đó mới kiểm tra thường xuyên, kiểm tra nguồn gốc, lấy mẫu thử. Hiện chợ này đã có người trúng thầu nhưng còn vướng nhiều vấn đề nên khoảng 1- 2 tháng nữa thì mới có thể đi vào hoạt động. Còn ở chợ này hiện tại mỗi năm chỉ lấy mẫu 1- 2 lần. Khi lực lượng về kiểm tra, lấy mẫu thử có mẫu rau thì đạt nhưng có mẫu không đạt".
"Chợ này mang tính chất là chợ đầu mối nhưng đa số bà con địa phương bán hàng ở nhà. Người bán chủ yếu đưa 1 gánh rau, sọt rau đến chợ chào hàng, nếu được giá thì đưa khách về tại ruộng để bán. Cho nên nó phức tạp ở đấy. Mình không thể biết họ trồng như thế nào”, ông Phúc tâm sự.
PV Infonet mang những băn khoăn, thắc mắc của người tiêu dùng, người trồng rau cũng như ban quản lý chợ Vân Trì, đến UBND xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tại đây, ông Chủ tịch xã giới thiệu PV sang văn phòng UBND xã đặt lịch.
Khi PV đặt lịch làm việc, nhân viên văn phòng UBND xã cho biết: “Anh Nguyễn Tôn Tính – Phó chủ tịch đi họp nên không tiếp anh, chị được và hẹn hôm khác”.
Mặc dù trên bản thông báo lịch làm việc của lãnh đạo xã Vân Nội có ghi "14h chiều 4/4, ông Tính làm việc tại cơ quan". PV Infonet liên hệ qua điện thoại với ông Tính và nhận được câu trả lời: “Các anh lùi lại thời gian khác, tôi đang bận lo họp bầu cử" sau đó tắt máy”.