Theo quan niệm người Việt, trong ngày đầu năm mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người. Sáng nay mùng một Tết bạn nên kiêng những việc sau:
Kỵ cho lửa, nước
Trong sáng nay, dân gian rất kỵ người khác đến xin lửa, nước của nhà mình. Bởi người ta quan niệm, lửa có màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Khi cho người khác cái đỏ trong ngày mùng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà năm đó sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió…
Tương tự, xưa vẫn có câu “tiền vô như nước”, việc cho đi nước đầu năm giống như cho đi nguồn tài lộc, tiền bạc, trong năm không giữ được tiền bạc, của cải.
Xuất phát từ quan niệm này mà ngay từ những ngày cuối năm, dân gian luôn chủ động đưa nước đầy ắp lu vại, lửa hồng trong bếp để tránh phải đi xin mấy ngày đầu năm.
Kỵ vay mượn
Cũng như ngày đầu tháng, người Việt ta rất kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân mở cửa để đón tài lộc, khi cho mượn hay trả giống như đưa tài lộc của mình vào tay người khác.
Sáng nay mùng một Tết bạn nên kiêng kỵ cho nước và lửa. Ảnh minh họa
Kỵ mai táng
Ngày Tết Nguyên đán là ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng, mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm. Vì vậy xưa vẫn có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng. Người ta quan niệm, nếu có tang mà đi đến nhà người khác sẽ ảnh hưởng đến niềm vui chung của mọi người, của gia đình đó nên chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết chứ không đi đâu cả. Ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.
Kiêng bát đĩa vỡ
Sáng mùng một, người già cũng khuyên con cháu trong sáng nay cần cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén. Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa từ những vật dụng trong nhà cho đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới.
Kiêng cãi vã, chửi nhau
Điều này thật dễ hiểu, vì đây là những hành động không hay mà bất cứ ai cũng không muốn làm vào dịp Tết. Chúng ta nên cố gắng vui vẻ để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình. Và mọi người thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.
Kiêng mở tủ
Một số gia đình kiêng mở tủ vào ngày đầu năm do quan niệm rằng, tủ là nơi cất giữ tài sản, nếu mở tủ lấy tài sản ra tức là làm mất mát của cải của gia đình.
Ngoài ra, dân gian còn kiêng kị rất nhiều như: Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa dịp Tết vì vừa vô duyên, vừa cản vượng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà; Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác vào dịp Tết để tránh xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình; Kiêng quên khăn tay ở nhà người khác trong ngày Tết để tránh bỏ lại sự xui xẻo, khó khăn cho gia chủ: Người miền Trung thường kiêng mặc đồ màu trắng cả tháng Giêng vì sợ các màu tẻ nhạt u trầm, đặc biệt là trắng đen là màu của tang lễ, chết chóc bị kiêng triệt để.
Về cơ bản, những kiêng kỵ trong quan niệm dân gian này tuy khá phổ biến nhưng chỉ để tham khảo, không cần quá máy móc áp dụng. Những tục kiêng kỵ từ ngày xưa còn được lưu truyền đến hôm nay cũng tạo nên những nét riêng cho ngày Tết nhưng những quan niệm không có tính khoa học cũng không nên quá tín.
Nhiều người còn kiêng giặt quần áo vào mùng 1 vì theo tín ngưỡng dân gian đây là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Nhưng thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.