“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu nói dân gian đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. Nó gợi nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Việc trọng đại trong 3 ngày Tết.
Việc trọng đại trong 3 ngày Tết
Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.
Vì vậy, câu nói dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết đầu năm.
Theo quan niệm của ông cha ta, “cha” là đại diện của “họ hàng bên nội”. Do đó, “mùng 1 Tết cha” có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.
Chúc Tết là một nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết Nguyên đán
Lúc này, ông bà, cha mẹ ăn mặc chỉnh tề, ngồi trong nhà. Con cháu ăn mặc gọn gàng để tỏ lòng thành kính, chúc Tết theo thứ tự từ trên xuống dưới, tức là chúc sức khỏe ông bà rồi đến cha mẹ. Tiếp đó, ông bà, cha mẹ cũng chúc con cháu ngoan ngoãn, học giỏi và “mừng tuổi” để con cháu nhận "lộc" đầu năm.
Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm trên, cả gia đình sẽ cùng nhau “ăn Tết”. Mâm cỗ ngày Tết thường rất thịnh soạn, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
Nghi thức chúc Tết và ăn Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là trẻ thơ về tình thân đầm ấm trong mỗi gia đình.
Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết bên nội, cùng trò chuyện và chúc nhau sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc.
Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ “khởi hành” sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức “Tết mẹ” cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Con cháu chúc Tết ông bà và nhận “lì xì” may mắn đầu năm.
Đặc biệt, với những nàng dâu lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lý tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả môt thời gian dài không gặp.
Ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc
“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không chỉ là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết mà nó còn là truyền thống “uống nước nhớ nguồn, “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta.
Bàn về ý nghĩa của câu nói trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho biết, câu nói nhắc đến 3 nhân vật quan trọng nhất đối với mỗi con người đó là cha, mẹ và thầy cô giáo.
Đồng thời gợi nhắc phong tục đẹp của dân tộc ta, đó là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mỗi chúng ta trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Cha mẹ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta từ khi mới chào đời cho đến khi trưởng thành. Để nói lên công ơn của cha mẹ, ca dao xưa có câu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ chính là những người quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người.
Do vậy, theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ”, thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đây là một nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Vì vậy, sau 2 ngày đầu năm “Tết cha”, “Tết mẹ”, ngày mùng 3 Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những thầy cô giáo cũ.