Để hai vợ chồng đi được với nhau đến ngày hôm nay, với tôi đều nằm ở 2 chữ “ích kỷ”.
Ở tuổi 42, tôi có “1 chồng, 2 con, nhà 3 lầu, xe 4 bánh”. Hai con đều ngoan ngoãn, học giỏi còn chồng lại biết yêu thương vợ con, mỗi ngày đi làm về anh đều sẽ xắn quần xắn áo lao vào bếp cùng tôi dọn nhà, chuẩn bị bữa tối. Nói chung, chồng tôi là một người đàn ông lên phòng khách, xuống phòng bếp được.
Nhiều người hay nói “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” và tôi thật “tốt số” khi lấy được ông chồng vàng mười như vậy. Những lúc như thế, tôi chỉ mỉm cười cho qua. Thời buổi nào rồi còn lấy “tấm chồng” ra để làm tiêu chuẩn so sánh, tôi nghĩ phụ nữ ngày nay phải hơn thua nhau ở bản lĩnh chứ không phải tấm chồng.
Thực ra lúc mới kết hôn, chồng tôi không hề biết làm một cái gì hết, đến củ tỏi củ hành còn không thể phân biệt vì từ trước tới nay anh đều có mẹ “cơm bưng nước rót” tới tận miệng, chứ không phải động tay động chân cái gì cả. Sau khi kết hôn, tôi đã bị sốc nhiệt, thậm chí không ít lần vợ chồng xảy ra cãi vã đến mức muốn ly hôn. Nhưng để hai vợ chồng đi được với nhau đến ngày hôm nay, với tôi đều nằm ở 2 chữ “ích kỷ”.
(Ảnh minh họa)
1. Tôi học cách “ích kỷ” trong việc phân chia việc nhà
Từ nhỏ, trong nhà tôi mọi việc nhà như dọn dẹp, nấu cơm hay chăm con đều một tay mẹ làm hết. Mỗi ngày đi làm về, bố chỉ có việc tắm rửa và ngồi chờ ăn cơm, ăn xong lại ngồi xem tivi giải trí rồi đi ngủ. Khi lớn lên, tôi thắc mắc với mẹ tại sao bố không bao giờ nấu cơm, rửa bát trong khi mẹ cũng phải đi làm mà?
Mẹ cười xòa nói rằng mẹ yêu bố, mẹ không muốn bố mệt thêm nên mẹ chịu thiệt một chút. Bố cũng không giỏi việc nhà, để bố chân tay lóng nga lóng ngóng thì mẹ làm nhoáng cái còn hơn, chứ đi dọn lại cho bố còn mệt nữa.
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn quan niệm việc nhà là của phụ nữ, lúc tôi đi lấy chồng, tôi cũng như mẹ, ôm hết việc nhà vào thân. Nhưng mỗi ngày đi làm, về đến nhà lại chợ búa, cơm nước tôi thật sự rất mệt mỏi. Sau đó, một lần đi chơi chung với gia đình đứa bạn. Thấy chồng nó đảm đang cái gì cũng biết làm, tôi không khỏi kinh ngạc, khen nó lấy được chồng tốt, không bù cho ông chồng của mình.
Nó cười bảo rằng ban đầu chồng cũng không biết gì, được như ngày hôm nay là do nó “đào tạo” cả. “Mày phải lười một chút, san sẻ bớt việc nhà với chồng. Yêu chồng thì cũng cần biết yêu bản thân nữa. Ích kỷ một chút, chứ cứ vơ hết việc vào người rồi dần dần các ông sẽ cho rằng việc nhà là trách nhiệm của vợ, chứ không hề cảm kích vợ đâu, chỉ có hại mà không có lợi”, câu nói của đứa bạn làm tôi thấm thía.
(Ảnh minh họa)
Sau đó, tôi về học theo. Lúc thì nũng nịu, lúc thì than mệt rồi nhờ chồng làm cái này làm cái kia. Những ngày đầu, nhà như một bãi chiến trường nhưng tôi vẫn kiên nhẫn dọn lại cho chồng, không quên thiếu những lời khen, động viên chồng khi thấy anh làm việc nhà. Dần dần anh mới thạo việc như ngày hôm nay.
Tôi tin chắc hẳn nhiều người vẫn có suy nghĩ như mẹ tôi. Nhưng mà hôn nhân vốn là do hai người cùng nhau duy trì, nếu chỉ có một người nỗ lực làm việc thì hôn nhân sẽ từ từ mất đi cái gọi là cân bằng. Vợ chồng cùng nhau làm việc nhà, chồng sẽ thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ mà trân trọng, yêu thương vợ hơn, bản thân bạn cũng đỡ mệt nhọc, có thời gian cho bản thân hơn.
2. Tôi học cách "ích kỷ" với công việc riêng của mình
Tôi có một đứa bạn lấy chồng giàu, sau khi cưới nó nghe theo lời chồng ở nhà chăm lo cho gia đình, không còn đi làm nữa. Thời gian đầu, ai cũng khen nó sung sướng, ước ao được như nó, nhưng chỉ sau 2 năm đứa bạn đã ly hôn. Hóa ra, nó ở nhà nên chồng dần dần chán ngán, chê vợ ăn bám, thiếu hiểu biết vì suốt ngày quanh quẩn bên bếp núc. Nhìn đứa bạn ra đi tay trắng, chật vật làm lại từ đầu tôi không khỏi xót xa.
(Ảnh minh họa)
Cho nên lúc chuẩn bị đi làm lại sau khi sinh con, chồng ngỏ ý ở nhà để chăm sóc con cái, tôi đã kiên quyết gạt đi. Dù đồng lương của tôi thấp, chỉ hơn trả cho lương bảo mẫu một chút nhưng tôi vẫn đi làm. Tôi sợ sẽ có một ngày tôi rơi vào tình cảnh của đứa bạn, tôi sợ tầm hiểu biết của mình sẽ dần bị thu hẹp và ngày càng lệ thuộc vào chồng, rồi tôi sẽ mất đi tiếng nói trong chính căn nhà của mình. Điều đó thật đáng sợ biết bao.
Tôi thấy, phụ nữ có khí chất, sự nghiệp đều có sức hút gì đó rất riêng biệt. Hơn nữa khi có tiền trong tay, bạn cũng tự tin hơn, thoải mái mua sắm những gì mình thích mà không phải ngửa tay xin tiền chồng. Trước một người con dâu làm ra tiền, chắc chắn nhà chồng cũng sẽ coi trọng bạn hơn. Và nếu một ngày cuộc hôn nhân của bạn không may chấm dứt, bạn cũng có thể sống tốt bằng chính khả năng của mình.
3. Tôi học cách ích kỷ hơn khi nói đến các khoản chi tiêu hàng ngày
Với bài học này, tôi thật sự phải cảm ơn mẹ chồng của mình. Trong nhà, tôi là tay hòm chìa khóa nhưng dù vậy tôi cũng không bao giờ dám chi tiêu một xu cho bản thân. Ngoài những khoản “củi, gạo, dầu, muối”, tôi không hề tiếc tiền mua chiếc áo, đôi giày tiền triệu cho chồng con, nhưng mua một chiếc váy 500 nghìn cho mình, tôi lại đắn đo lên xuống mấy ngày, mua xong còn thấy “tiếc đứt ruột”. Cho nên mở tủ đồ ra, tôi chẳng có mấy bộ quần áo mới, toàn là những bộ đồ đã mặc nhiều năm.
(Ảnh minh họa)
Khi tôi sinh con, mẹ chồng từ quê lên chăm sóc tôi quãng thời gian ở cữ. Thấy tôi lôi thôi lếch thếch, bà không kìm được mà góp ý. “Đàn ông đều thích sự tươi mới. Con ăn mặc lôi thôi lếch thếch thì coi chừng chồng chán, chồng chê rồi có nhân tình bên ngoài đấy. Ăn mặc đẹp thì đẹp cho mình trước, con cũng tự tin hơn.
Đầu tư cho bản thân không bao giờ là lỗ con à. Thỉnh thoảng mua sắm quần áo, mỹ phẩm và đi làm đẹp cho bản thân, thì đó chính là yêu bản thân. Muốn được người khác yêu, trước hết con phải học cách yêu bản thân mình trước đã”, mẹ chồng tôi dặn dò.
Mẹ còn dặn tôi phải có “quỹ đen”, một khoản phòng cho bản thân. Khi nào nhà ngoại có chuyện gấp, tôi có thể dùng khoản tiền đó mà không cần hỏi qua chồng, như vậy sẽ bớt chuyện hơn.
Trong hôn nhân, phụ nữ không nên hy sinh một cách mù quáng. Đôi khi không phải cứ rộng lượng sẽ khiến tình cảm vợ chồng tốt hơn, và biết đâu cuối cùng người chịu thiệt thòi lại chính là mình. Phụ nữ phải học cách yêu bản thân, “ích kỷ” một chút để có thể sống hạnh phúc hơn, hôn nhân viên mãn hơn.