Thời tiết khô hanh đặc trưng của mùa thu dễ khiến đồ đạc trong nhà nứt gãy do “thiếu nước”.
Đã bao giờ bạn để ý đến vật dụng xung quanh tổ ấm của mình xem chúng có chẳng may hỏng hóc vì thời tiết khô hanh chưa? Làm thế nào để bảo quản đồ gỗ và những đồ đạc khác trong nhà đúng cách?
Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên đồ đạc
Ánh nắng mùa thu tuy không gay gắt như mùa hè nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng kéo dài cộng thêm thời tiết khô hanh sẽ khiến đồ đạc trong nhà, đặc biệt là đồ gỗ xảy ra hiện tượng nứt gãy. Tốt nhất là hãy bài trí đồ đạc tránh nơi có ánh nắng trực tiếp. Nếu điều kiện không cho phép, hãy sử dụng bạt che nắng hoặc rèm cửa dày để ngăn ánh sáng.
Ngoài ra, thói quen mở cửa đón gió, đặc biệt là trong tiết trời thu mát mẻ, sẽ khiến bụi bẩn tích tụ trong nhà rất nhanh. Nếu không vệ sinh định kỳ sẽ khiến bụi bẩn đóng bám trên bề mặt đồ đạc, thậm chí là chui cả vào bên trong, vừa khó lau chùi vừa ảnh hưởng đến mỹ quan.
Bảo dưỡng định kỳ đối với đồ nội thất bằng gỗ
Trên bề mặt đồ gỗ thường được phủ một lớp sơn có tác dụng bảo vệ rất quan trọng. Nếu lớp sơn này bị bong tróc thì không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến cả kết cấu bên trong đồ vật. Vì vậy cần bảo dưỡng đồ đạc bằng gỗ định kỳ.
Một trong những cách bảo quản đồ gỗ tốt nhất đó là đánh sáp khoảng 3 tháng một lần. Cách làm này sẽ khiến đồ gỗ luôn bóng đẹp, khó bám bụi và dễ dàng lau chùi. Khi lựa chọn sáp đánh bóng đồ gỗ, lưu ý chọn sản phẩm có xuất xứ đảm bảo, tránh dùng những sản phẩm chứa thành phần hóa học có tính bào mòn. Nếu sử dụng bình xịt để chùi rửa thì tốt nhất không nên lựa chọn loại có chứa dầu vì dễ khiến bề mặt đồ đạc xuất hiện các vệt trắng. Nếu có vết bẩn trên bề mặt, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm tẩy rửa chứa cồn hoặc dung môi có khả năng bào mòn vật chất. Thay vào đó, dùng nước trà ấm cọ rửa nhẹ nhàng, vết bẩn sẽ được xóa sạch.
Không sử dụng khăn ướt lau chùi đồ đạc
Để tiết kiệm thời gian, không ít chị em thích sử dụng khăn ướt để lau chùi đồ đạc bất luận là đồ gỗ, da hay kim loại. Thực ra cách làm này hoàn toàn phản khoa học. Khi dùng khăn ướt lau chùi, đồ vật tuy trông sạch sẽ nhưng theo thời gian, chúng sẽ dần mất đi lớp sơn phủ và màu sắc tươi mới ban đầu. Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn cách thức vệ sinh đồ đạc.
Ngoài một số đồ đạc bằng gỗ thì những đồ vật bằng da ví dụ như sofa cũng dễ trở nên khô cứng và nứt nẻ dưới ảnh hưởng của tiết trời khô hanh. Thông thường, cách tốt nhất để bảo quản đồ nội thất bằng da đó là quét lên bề mặt một lớp dầu chuyên dụng hoặc một lớp kem dưỡng ẩm. Cách này không chỉ giúp làm mềm da mà còn có tác dụng ngăn côn trùng.
Vật dụng bằng kim loại phải hạn chế tối đa sử dụng trong môi trường ẩm ướt và nên được lau chùi bằng các loại dung dịch có tính tẩy rửa nhẹ. Nếu chẳng may để chúng dính nước, phải nhanh chóng lau lại bằng khăn khô, mềm.
Vật dụng bằng thủy tinh nên tránh nơi ẩm ướt, cách xa bếp, các dung dịch có tính axit hay kiềm để tránh xảy ra hiện tượng ăn mòn, biến chất.
Cây xanh giúp giữ ẩm cho ngôi nhà
Để giảm bớt sự khô hanh và tăng độ ẩm cho ngôi nhà, chị em có thể bố trí các chậu cây xanh trong nhà một cách hợp lý. Loại cây được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến lục thảo trổ, trầu bà. Những loại cây này không chỉ tăng cường độ ẩm cho không khí mà còn giúp phân giải các thành phần khí có hại trong nhà.
Khi lựa chọn cây xanh đặt trong nhà, chị em nên ưu tiên những loại cây có lá bản rộng. Lá càng rộng thì hiệu quả giữ ẩm càng rõ rệt. Tuy nhiên không nên đặt quá nhiều chậu cây ở cùng một phòng. Quá nhiều cây xanh sẽ làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của con người.
Ngoài cây xanh, chị em còn có thể tận dụng máy làm ẩm để giữ ẩm cho đồ nội thất, đồng thời cải thiên môi trường không khí bên trong ngôi nhà. Nếu có thể, hãy sử dụng tinh dầu chuyên dụng. Loại tinh dầu này rất dễ thẩm thấu vào đồ đạc, giúp bảo dưỡng đồ đạc từ bên trong, đặc biệt là đồ gỗ. Ngoài ra còn có thể nuôi cá cảnh. Hơi nước từ bể cá cảnh cũng có thể giúp tăng cường độ ẩm cho ngôi nhà, đồng thời cũng là vật trang trí xinh đẹp đầy tinh tế.