Sau khi tiễn Táo quân lên trời các gia chủ cần chú ý khi tiếp tục bày biện ban thờ đón Tết. Nhưng ban thờ không phải nơi "trưng bày" vật phẩm.
Không đặt lên ban thờ "cành vàng lá ngọc"
Cuối năm nhiều gia chủ đi tạ lễ ở các chùa chiền, đền phủ, và nhiều điểm tâm linh các bà vãi rất hảo tâm phát lộc cho du khách tới lễ, trong đó có những cành vàng lá ngọc, vàng thẻ, vàng lá… và dặn đem về đặt lên ban thờ.
Nhưng những thứ đó, theo các chuyên gia tâm linh thì không đặt lên ban thờ, và cũng hạn chế mua sắm bày biện, trang trí ở ban thờ. .
Lý do là những cành vàng lá ngọc đó rất… khó nói, sơ qua là từ khâu sản xuất, ra thành phẩm, cất giữ… chả biết họ giữ gìn thế nào, những món đó có bị ô uế hay không, có bị họ ngồi lên, giẫm lên, bước qua không...?
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, về cành vàng lá ngọc và các đồ thờ cúng tương tự đa phần do đi lễ sẽ mang về cắm ở nhà, thường là tự đặt lên ban thờ, coi đấy là "lộc". Nhưng theo cá nhân ông Cường, tốt nhất mọi người không nên mang về nhà, vì ở những nơi đó nhiều vong, nhiều tạp uế.
Tới các di tích tâm linh mua những cành đó dâng cúng là đã được chứng giám công đức ngay rồi, sau đó nên hóa đi chứ đừng xách về để tránh có những phần âm, uế tạp lẫn vào đấy, rồi đặt lên ban thờ, rồi cứ tưởng là thánh thần, loạn cả nhà.
Nhiều chuyên gia tâm linh cũng cho rằng, đi lễ đền, phủ không tùy tiện mang đồ cúng lễ về đặt lên ban thờ. Cũng không nên thích là đặt các cúng phẩm lên ban thờ vì nếu không biết nguồn gốc, ý nghĩa những vật phẩm đó mà rước về đặt lên nơi linh thiêng rất dễ "rướcvong" vào nhà.
Việc bày biện cành vàng lá ngọc, cây bạc cây vàng... lên ban thờ là tâm vẫn bám chấp vào tiền tài, vật chất quá đáng, bởi đạo Phật quan niệm thờ cúng cho an lành, gia đạo yên vui, cuộc sống thanh bình... chứ không phải cầu tài, cầu tiền. Nếu không lao động để sinh ra tiền tài mà cứ dựa dẫm vào cõi vô hình cầu xin thì chuyện đó là mê tín, là chấp hình tướng.
Và những cúng phẩm đó cũng là đồ mã, và những cành vàng lá ngọc, cây vàng, cây bạc rườm rà không đặt lên ban thờ còn vì người dân thường bày cả năm, chưa thấy tiền tài, lộc tụ đâu nhưng chúng sẽ bám bụi, làm mất mỹ quan nơi thờ cúng trang nghiêm, thanh tịnh. Và những thứ đó tiềm ẩm nhiều rủi ro bởi nếu chẳng may khi thắp hương, thắp nến, hoặc tiết trời quá hanh khô… lửa sẽ bén vào có thể gây cháy ban thờ, thậm chí hỏa hoạn.
Lưu ý người dân, ban thờ không phải nơi trưng bày vật phẩm. Những thứ muốn bày biện ban thờ, cần biết rõ gốc tích, ý nghĩa của các món đồ tâm linh hãy nên bày đặt lên ban thờ.
Giấy công đức cũng không đặt lên ban thờ
Nhiều người đi lễ ở đâu cũng có tâm lý bỏ tiền làm công đức, rồi nhận tấm giấy công đức mang về đặt lên ban thờ với mục đích trình gia tiên là đã đi lễ và làm công đức.Nhưng thực ra gia chủ công đức ở đâu đều đã được chứng rồi.
Tâm đức sau khi đã được công nhận thì nên hóa cùng tiền vàng ở nơi lễ đó là tốt nhất, không nên mang về nhà vì chẳng để làm gì, và cũng không đặt lên ban thờ vì nó sẽ bám bụi làm mất sự sạch sẽ nơi thờ cúng.
Nếu muốn khoe việc làm công đức với người sống, thì cũng chỉ nên dán những tờ giấy công đức đó ở phòng thờ, khung ảnh, chứ không đặt lên ban thờ.
Có nên bóc nhãn phẩm cúng trước khi đặt lên ban thờ?
Nhiều người cho rằng, các đồ lễ thường có hình ảnh, tên, địa chỉ nhà sản xuất… thì không đặt lên ban thờ vì tài lộc sẽ về nhà họ hết, còn gia chủ chẳng được gì.
Theo các chuyên gia tâm linh, đó là do suy luận, là quan niệm hình tướng của người sống. Những bát cổ, vật phẩm cổ… đều có khắc tên hãng, người sản xuất…
Và trong xã hội hiện đại cái gì cũng có tên tuổi, địa chỉ sản xuất. Việc bóc nhãn những đồ thờ cúng cũng chỉ là hình tướng để người trần yên tâm là không thờ cúng xin tài lộc cho người khác.
Các hãng lớn họ cũng thừa sức cầu tài lộc cho họ, và họ có hệ thống riêng để cầu cúng. Vì vậy người dân đừng chấp vào những chuyện đó, mà vấn đề là những cúng phẩm đó chất lượng có tốt hay không (ví như hương thắp có thơm không, có cháy hết không, còn nếu cháy một nửa rồi tắt thì thường được coi là có điềm báo xấu chẳng hạn).