Chỉ vì đam mê vẻ đẹp của hoa hồng, chàng trai trẻ 9X Lê Xuân Khương, tổ 21 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) quyết định bỏ việc ở ngân hàng – công việc mà nhiều người mơ ước, để về trồng hoa hồng.
Sau khi tốt nghiệp ngành nông lâm nghiệp tổng hợp, trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu, năm 2014, anh Khương xin vào làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu. Những tưởng công việc, thu nhập ổn định, chàng trai trẻ này sẽ gắn bó với nghiệp Ngân hàng cả đời. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau đó, 9X Lai Châu đã quyết định xin nghỉ việc ở ngân hàng, về nhà trồng hoa hồng.
Vườn hồng của anh Lê Xuân Khương nằm ngay ven đường Nguyễn Văn Linh, Thành phố Lai Châu
Ngày Khương bỏ việc ở ngân hàng, nhiều người dị nghị, nói anh thế này, thế nọ. Có người còn bảo anh gàn dở, công việc đang ngon lành, nhiều sinh viên ra trường mơ còn chẳng được, thì anh lại bỏ về “ôm” chậu hoa. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu đó, Khương bắt tay vào thực hiện niềm đam mê của mình.
“Học ngành nông – lâm nghiệp tổng hợp nên tôi thích công việc gắn với cây cối, vườn tược. Lúc còn làm ở ngân hàng, tôi làm thêm nghề tay trái, đó là buôn bán cây, hoa cảnh các loại. Năm 2016 thì tôi xin nghỉ hẳn ở ngân hàng, toàn tâm, toàn ý cho việc trồng, chăm sóc hoa hồng để bán cho những người yêu thích vẻ đẹp của hoa hồng. Sở dĩ tôi chọn hoa hồng là vì loài hoa này nở quanh năm, lại có nhiều màu sắc, luôn cuốn hút người chơi” – anh Khương chia sẻ.
Theo anh Khương, vẻ đẹp của hoa hồng luôn cuốn hút người chơi
Năm 2016, Xuân Khương về huyện Văn Giang (Hương Yên) – nơi sản xuất hoa hồng giống nổi tiếng ở miền Bắc, để mua cây giống về trồng. Ban đầu, chàng trai trẻ này chủ yếu trồng hoa hồng cổ Sa Pa, hồng bạch, hồng đào và hoa hồng Đài Loan.
Thời gian đầu, Khương liên tiếp thất bại bởi chưa hiểu rõ đặc tính của hoa hồng cũng như chưa biết cách chăm sóc, chữa trị khi cây hồng bị sâu bệnh.
Trong vườn nhà anh Khương có hơn 1.000 chậu hồng ngoại các loại.
“Sau khi nhập giống về trồng, cứ được một thời gian ngắn, vườn hồng của gia đình lên đến hàng trăm cây, cây nào, cây nấy cũng lâm vào tình trạng vàng lá, rồi chết dần, chết mòn khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Chán nản, định bỏ vì vườn hồng chết hàng loạt, nhưng rồi nghĩ lại, nếu giờ mà bỏ thì uổng phí mất bao tâm sức đã bỏ ra, nên tôi quyết tìm hướng khắc phục” – 9X Lai Châu nhớ lại.
Vườn hồng nhà anh Khương thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh.
Mất gần 1 năm mầy mò tìm hiểu, cả trên sách báo lẫn về tận nơi sản xuất giống, cuối cùng anh Khương cũng hiểu được nguyên nhân vì sao vườn hồng nhà mình bị chết hàng loạt. Phấn khởi vì đã tìm được nguyên nhân và cách khắc phục, anh Khương phấn khởi, yên tâm áp dụng vào chăm sóc vườn hồng của gia đình.
Thay vì sử dụng hoàn toàn phân hóa học bón lá như trước, anh Khương giờ chuyển sang dùng phân hữu cơ kết hợp với phân hóa hóc để bón vào gốc. Anh thường bón phân vào những ngày trời mát hoặc sắp mưa. Mỗi tháng, anh cho cây hồng “ăn phân” 2 lần. Nếu đầu tháng bón phân hữu cơ thì cuối tháng, anh lại dùng phân hóa học bón cho vườn hồng.
9X Lai Châu bén duyên với nghề trồng hoa hồng từ năm 2016
Chia sẻ bí quyết chăm sóc hoa hồng, 9X Lai Châu vui vẻ nói: “Cây hoa hồng chỉ cần đủ phân bón, phòng bệnh tốt thì ra hoa quanh năm, liên tục. Ngoài bón phân, phun thuốc theo định kỳ, phù hợp với từng thời kì sinh trưởng, phát triển của cây hoa, tôi còn thường xuyên cắt tỉa cành già, lá úa, dọn dẹp vườn hồng sạch sẽ, hạn chế sâu bệnh xảy ra. Đặc biệt là tôi thường cắt bớt rễ của cây hoa hồng...
Theo anh Khương, hHoa hồng trồng trong chậu, bộ rễ nhiều nên phải cắt bớt rễ thì cây sẽ phát triển đẹp hơn. Mỗi tháng một lần, tôi phun thuốc cho vườn hồng vào lúc trời mát, không có gió, nhất là khi mầm lá đang đỏ để cây hấp thụ được. Tôi điều chỉnh lượng nước tưới cho hoa hồng tùy phù hợp với thời tiết và thời kì sinh trưởng của cây hoa hồng...
Anh Khương bỏ việc ngân hàng để trồng hoa hồng.
Nhờ trồng và chăm sóc đúng kĩ thuật, vườn hồng nhà anh Khương luôn sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn. Hiện trong khu vườn rộng hơn 2.000m2 của anh Khương có hơn 1.000 chậu hồng ngoại, hơn 400 chậu hồng cổ các loại, trong đó hơn 30 chậu hồng cổ có độ tuổi từ 15 – 20 năm.
Ngoài hồng ngoại, hồng cổ, anh Khương còn trồng cả hồng thân gỗ Trung Quốc, với số lượng lên đến hàng trăm cây. Những cây hồng thân gỗ to, đẹp, anh Khương bán với giá dao động từ 30 – 40 triệu đồng/cây.
Anh Khương thường xuyên cắt tỉa cành già, lá úa để cây hồng phát triển tốt hơn.
Đối với hồng ngoại, hồng cổ, giá bán tùy thuộc vào cây to hay cây nhỏ, dao động từ 50.000 – 1 triệu đồng/cây. Có cây hồng cổ, anh Khương bán cho khách với giá hơn 10 triệu đồng/cây.
Mỗi năm bán ra thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh... hàng trăm chậu, cây hồng các loại, anh Khương thu khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua cây giống, phân bón, nhân công... anh Khương “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng tiền lãi.
Tag: Hoa hồng Lai Châu, hồng thân gỗ, bỏ việc ngân hàng, trồng hoa hồng, hồng cổ, Lê Xuân Khương, Lai Châu