Nếu như bạn đã từng xem bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo” vô cùng nổi tiếng thì chắc hẳn bạn cũng biết rằng nhân vật chính của bộ phim chính là một chú cá Hề. Tuy vậy không phải ai cũng biết đến giống cá độc đáo này.
Cá Hề có tên khoa học là Amphiprioninae thuộc họ cá Thia, chúng là loài cá biển chuyên sống quanh khu vực san hô và các dải đá ngầm và sống cộng sinh với Hải Quỳ. Cho đến nay trên thế giới đã ghi nhận khoảng 30 loài cá Hề khác nhau, tuy nhiên nổi tiếng nhất là loài cá Ocellaris đã từng góp mặt trong bộ phim “Đi tìm Nemo”.
Hình ảnh của cá Hề
Thông tin cơ bản về cá Hề
- Một số tên khác: Cá Hải Quỳ, Cá Nemo,...
- Nơi phân bố: Vùng nước ấm thuộc Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Nhật Bản, một số nước trong Đông Nam Á, Úc,... Không có một loài cá Hề nào sống ở vùng Đại Tây Dương.
- Ngoại hình: Phổ biến nhất là có màu da cam và có sọc trắng ở trên thân. Đôi khi xuất hiện cá có màu đỏ, nâu và các sọc đen.
- Chiều dài thân: Trung bình từ 10 đến 18cm
- Trọng lượng: Khoảng 250g
- Tình trạng bảo tồn: Ít bị nguy hại/tuyệt chủng.
- Tuổi thọ: 5-6 năm
- Chế độ ăn: Là loài ăn tạp
- Mức độ chăm sóc: Dễ - Người bắt đầu nuôi cá có thể nuôi được.
Cá Hề hay cá Nemo, cá Hải Quỳ
Tập tính của cá Hề
1. Môi trường sống
Trong tự nhiên, cá Hề sinh sống tại các rạn san hô ngoài khơi biển Australia và khu vực Đông Nam Á, Tây Bắc của Nhật Bản. Chúng được tìm thấy chủ yếu xung quanh một số loại hải quỳ. Ngay từ khi còn bé, cá con đã phải lên đường tìm kiếm rặng san hô phù hợp để sinh sống, nhưng dù có đi xa đến mấy thì chúng vẫn có thể tìm được đường về.
Cá Hề thường sống quanh các rặng san hô
Cá Hải Quỳ chỉ thích sống tại những nơi có vùng biển ấm áp trải dài từ Ấn Độ Dương cho đến Thái Bình Dương. Tuy nhiên bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một con cá Hề nào ở vùng biển Đại Tây Dương.
2. Sinh sản
Cá Hề là loài đẻ trứng, chúng thường đẻ trứng trên chính Hải Quỳ, trong đó con đực sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ trứng. Sau khi cá con ra đời, chúng sẽ cố gắng tìm kiếm rặng san hô phù hợp để sinh sống, kể cả khi có bị dòng hải lưu cuốn trôi đi xa. Trong suốt vòng đời của mình, cá Hề có thể đẻ vài nghìn quả trứng. Chúng thường tập trung đẻ vào thời điểm trăng tròn, trứng sẽ nở chỉ sau 7-10 ngày.
3. Giới tính
Đại đa số giống cá Hề hiện nay là loài lưỡng tính. Tức là chúng có thể luân phiên nhau làm con đực hoặc con cái trong suốt cuộc đời của mình. Mới đầu khi sinh ra, tất cả con Cá Hải Quỳ đều là cá đực, sau này khi chúng lập thành bầy với nhau thì sẽ có 1 con đực đảm nhận trọng trách làm con cái duy nhất trong bầy.
Trong một bầy cá, sẽ có 1 con cái đảm nhận nhiệm vụ sinh sản cho cả đàn
Một bầy cá Hề cơ bản gồm có 1 con đực đầu đàn, 1 con cái làm nhiệm vụ sinh nở và nhiều con đực khác làm nhiệm vụ trông nom đàn cá. Khi con cái không may bị chết, con đực đầu đàn sẽ thay đổi giới tính để chuyển thành con cái mới, con đực thường dân khác sẽ trở thành đầu đàn và quá trình sinh sản này sẽ lại tiếp tục.
Cách nuôi và chăm sóc cá Hề
1. Thức ăn cho cá Hề
Cá Hề là loài ăn tạp cho nên chúng rất dễ nuôi. Chủ yếu chúng thường ăn những loài giáp xác nhỏ, ấu trùng trong nước, ký sinh trùng quanh Hải Quỳ, xúc tu bị chết của Hải quỳ,... Khi bạn nuôi cá trong bể, hãy cho chúng ăn các viên thịt được băm nhỏ hoặc các viên tảo sẽ giúp cung cấp đủ dưỡng chất cho cá phát triển.
Cá Hề thường ăn thức ăn xung quanh Hải Quỳ
2. Thiết kế bể nuôi cá
Do bản tính sống cộng sinh từ khi mới sinh ra, do đó nếu bạn muốn nuôi cá Hề trong bể thì nên nuôi cả Hải Quỳ. Tuy nhiên nếu như bạn không muốn nuôi Hải Quỳ, thì mua những tảng đá cảnh để tạo hang động và các miếng san hô giả để tạo thành môi trường tự nhiên cho cá Hề. Ngoài ra, bể cá của bạn phải có thiết bị lọc nước, tạo oxy cung cấp cho cá và phải có tỷ lệ muối trong nước tuân theo hướng dẫn vì Cá Hải Quỳ là loài cá nước mặn.
3. Chăm sóc cho cá Hề
Cá Hề khá dễ nuôi và chăm sóc, do vậy bạn chỉ cần chú ý việc kiểm tra chất lượng nước thường xuyên nhằm phát hiện bất thường ở cá. Ngoài ra cần làm sạch bể định kỳ để phòng ngừa một số bệnh mà Cá Hải Quỳ có thể gặp phải. Nồng độ pH trong bể chỉ nên từ 7 đến 8, nhiệt độ nước từ 23 đến 26 độ C. Hãy thường xuyên làm sạch bể nước để đảm bảo môi trường sống trong lành nhất cho những chú cá của mình.
Một số lưu ý khi nuôi cá Hề
- Trước khi nuôi cá, bạn nên chọn lựa những con cá khỏe mạnh, năng động và bơi nhanh. Những con cá yếu đuối sẽ thường đứng yên một chỗ mà ít vận động.
- Chọn lựa cá Hề có màu sắc rực rỡ và bắt mắt, tránh lựa chọn những con cá có màu sắc nhợt nhạt bởi chúng đang bị thiếu chất và nhanh chết.
- Bạn cũng cần lựa chọn những con Cá Hải Quỳ có kích thước lớn, bởi chúng sẽ dễ chăm sóc hơn cá con và khỏe mạnh hơn.
Hãy lựa chọn những chú cá khỏe mạnh, màu sắc rực rỡ
Cá Hề giá bao nhiêu tiền?
Do cá Hề khá dễ kiếm, lại rất dễ nuôi cùng với đó là vẻ ngoài đẹp mắt, độc đáo nên giá của chúng tương đối rẻ. Đối với Cá Hải Quỳ trưởng thành, giá bán giao động trong khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng. Bạn có thể tìm mua được chúng tại hầu hết các cửa hàng chuyên về cá cảnh đẹp trên toàn quốc.
Mối quan hệ cộng sinh giữa cá Hề và Hải Quỳ
Cá Hề và Hải Quỳ có mối quan hệ cộng sinh vô cùng khăng khít với nhau. Hải Quỳ giúp cung cấp nơi ở, chỗ trốn kẻ thù và thức ăn dư thừa cho cá Hề, còn cá Hề giúp tiêu diệt các loại ký sinh trùng trong nước ảnh hưởng đến Hải Quỳ. Ngoài ra Hải Quỳ còn hấp thụ chất dinh dưỡng từ phân của cá Hề để tiếp tục phát triển, đặc biệt là hàm lượng chất Nitơ cần cho sự tái sinh và sinh trưởng các mô.
Cá Hề có mối quan hệ đặc biệt với Hải Quỳ
Hải Quỳ là loài có độc, thế nhưng cá Hề lại có thể miễn dịch hoàn toàn với độc tố từ Hải Quỳ. Có một số giả thuyết lý giải cho hiện tượng đặc biệt này như sau:
- Bên ngoài cơ thể Cá Hải Quỳ có một lớp dịch nhầy mỏng được tạo nên từ đường. Do đó Hải Quỳ sẽ không sử dụng các vòi của nó để tấn công cá Hề. Tuy nhiên nếu Cá Hải Quỳ mất đi lớp nhầy thì chúng sẽ bị tấn công ngay lập tức.
- Trải qua hàng trăm năm sống cộng sinh với nhau đã khiến cơ thể của cá Hề có thể kháng lại được độc tố của Hải Quỳ. Tuy nhiên quá trình này không hoàn toàn tuyệt đối.