Ở nông thôn, nhiều người thường trồng cây “bút chì” làm hàng rào nhưng nguy hiểm ẩn sau loại cây này lại ít người rõ.
Cây bút chì hay còn gọi là cây xương khô, cây san hô xanh, cây xương cá, cây giao. Đây là loại cây thuộc họ xương rồng nhưng không có lá và gai.
Thân cây bút chì gồm nhiều đốt tròn có đường kính như chiếc đũa, màu xanh, có độ dài không đều, mọc tua tủa ra các phía. Lá nhỏ, hẹp, rụng sớm, thường chỉ có cành nhánh trơ trọi. Thân khi bẻ ra thấy nhiều mủ màu trắng đục như sữa.
Cây bút chì sống được trong nhiều môi trường khác nhau như đồi cỏ, núi, bờ sông và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Phi tới các vùng nhiệt đới. Ở nông thôn, nhiều người thường trồng cây bút chì để làm hàng rào quanh nhà.
Cây bút chì dễ trồng bằng cách cắt cành và giâm xuống đất ẩm. Đoạn cây được cắt ra nên chọn hơi lớn một chút, từ 3, 4 đốt trở lên, để đảm bảo cây mạnh, dễ bén rễ. Sau khi cắt rời đoạn cây thì nên để trong bóng râm chừng một hoặc hai ngày cho khô mủ, trồng sẽ nhanh bén rễ hơn.
Nếu lấy cây để dùng nhưng chưa dùng tới thì nên giâm ngay xuống đất để giữ độ tươi của cây (cây không bị khô mủ) để dùng dần. Sau khi giâm, tưới nước vừa phải mỗi ngày, sau vài ngày thì cây sẽ bén rễ, rồi dần sẽ nhảy nhánh con, phát triển tương đối nhanh và phù hợp với khí hậu ấm áp.
Cây bút chì có vị cay, hơi chua, tính mát, thường được sử dụng để chữa bệnh viêm xoang. Ngoài ra, loài cây này còn có thể làm thuốc trị rắn cắn, chữa mụn cóc, mụn thịt và giảm đau nhức cơ bắp.
Vì thuộc họ xương rồng, có mủ đục nên cây xương cá có đặc tính là mủ có hại cho mắt. Do đó, khi thao tác làm thuốc (cắt, bẻ,…) nhất thiết phải thật cẩn thận, tránh để mủ này dính vào mắt (có thể mang kính,…), bởi vì mủ có khả năng làm đui, mù mắt. Nếu mủ dính vào tay, chân,… thì dùng xà bông rửa ra dễ dàng, nếu dính vào áo, quần có thể dùng chanh để tẩy ra. Còn nếu đã lỡ dính vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch rồi nhắm mắt lại, dùng chanh thoa bên ngoài mí mắt.
Do tính có độc trong mủ, nên tốt nhất, dù đẹp đến mấy cũng không nên trồng cây xương khô làm hàng rào quanh nhà. Nếu thấy cây mọc hoang trong vườn mà gia đình không có nhu cầu dùng làm thuốc, tốt nhất nên chặt bỏ để tránh gây hại cho trẻ em hoặc những người không biết tới chất độc của loại cây này.