Người đang trông coi ngôi nhà sàn cổ này là ông Lục Văn Tỉnh (65 tuổi), ở bản Kế, xã Thiết Kế, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Tỉnh cho biết, ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ quí này được bố ông tạo dựng từ trong khoảng thời gian 1918 – 1919 (đến nay khoảng gần 100 năm tuổi - PV). Khi ông lớn lên đã được nghe bố mẹ kể lại như vậy và hiện ông là người được thừa hưởng gia tài.
Ngôi nhà sàn này được làm bằng hàng chục m3 gỗ. Trong đó, có 10 chiếc cột cái, 2 xà dọc và 5 xà ngang, đều được làm bằng gỗ chò chỉ, nguyên cây. Mỗi chiếc cột cái có đường kính từ 120 - 150 vanh (120-150 cm), chiều cao 5 mét, được đẽo thủ công. Hai thanh xà dọc dài hơn 13 mét; 5 thanh xà ngang dài 7 mét (có đường kính 100 vanh). Các vì kèo được làm bằng gỗ bi sừng không sọc.
“Trước kia, nguyên bản ngôi nhà sàn cổ có chiều dài gần 23 mét. Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em và các cháu trong gia đình tôi có tất thảy 17 người đều ở đây. Năm 1984, do căn nhà dài quá, anh, chị em lại ra ở riêng, nên tôi phải cắt bớt đi gần một nửa” - ông Tỉnh kể.
Được biết, cách đây hai năm, nhiều người ở dưới xuôi đã đến đây và trả giá ngôi nhà sàn cổ của ông Tỉnh với số tiền khoảng 300 triệu đồng, nhưng ông Tỉnh kiên quyết giữ, không bán.
Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh của ngôi nhà hiếm có này:
Ngôi nhà sàn này có 10 cột cái bằng gỗ chò chỉ.
Chiều rộng của ngôi nhà là hơn 7 mét, chiều dài gần 15 mét.
Cửa chính của ngôi nhà.
Cầu thang dùng để lên xuống nhà sàn.
Mái nhà được dựng dốc gần giống kiến trúc mái của nhà Rông ở vùng Tây Nguyên.
Mỗi cây cột nhà đều có đường kính lớn khoảng 120 - 150 vanh ở phía gốc cột.
Ngôi nhà có 10 cột cái, cao 5m, đường kính một người ôm không xuể.
Các chi tiết đầu cột, xà, vì kèo không dùng đinh sắt, mà chỉ gác mộng gối lên nhau.
Xà ngang, xà dọc được gác với đầu cột cái rất thô sơ nhưng chắc khỏe.
Các mối lắp ghép được đục, đẽo bằng thủ công.
Chi tiết xà ngang đỡ hai vì kèo nhà.