Theo cả chuyên gia tài chính và địa ốc thì hiện giá nhà ở mức tương đối, người có nhu cầu mua để ở thì nên tranh thủ, còn mua đầu tư có thể tạo thành một mức lợi nhuận cao gấp đôi lãi suất ngân hàng…
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến tư vấn đầu tư và mua nhà mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tại thời điểm này giá nhà ở mức tương đối, các nhà đầu tư, dân chúng nên tranh thủ mua nhà. Tuy nhiên, giá nhà rẻ hay không phần lớn tùy thuộc vào vị trí và địa điểm của bất động sản.
Theo ông, các nhà đầu tư và người dân khi mua nhà nên chọn những địa điểm phù hợp, có hạ tầng cơ sở xung quanh thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, chợ búa và kinh doanh. Không nên chọn những địa điểm sản phẩm tuy tốt nhưng không đi cùng với hạ tầng cơ sở phù hợp với kinh doanh và sinh sống của người dân.
“Giá nhà hiện nay thuận lợi nhưng mua bán bất động sản (BĐS) không chỉ nhắm vào giá cả. Trong kinh doanh BĐS thường có câu: nguyên tắc thứ nhất là vị trí, nguyên tắc thứ hai là vị trí và nguyên tắc thứ ba cũng là vị trí”, ông Hiếu bật mí.
Theo chuyên gia tài chính và địa ốc, đây là thời điểm tốt để mua bất động sản, kể cả để ở và đầu tư.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phân tích, giá của BĐS hiện nay đang ở đáy của thị trường. Các chủ đầu tư và nhà băng đang đưa ra nhiều ưu đãi tốt nhất và TP HCM cũng như Hà Nội đang được kết nối hạ tầng một cách mạnh mẽ. Tại thời điểm này, các chủ đầu tư đang bán BĐS với biên lợi nhuận thấp và ngân hàng cũng đang đưa ra nhiều gói tài trợ vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn.
“Thị trường BĐS vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau 7 năm khó khăn. Việc lựa chọn sản phẩm có chất lượng bạn phải chọn đúng dự án và đúng chủ đầu tư. Theo tôi đây là thời điểm tốt để mua BĐS kể cả để ở và đầu tư. Các yếu tố cần cân nhắc khi đầu tư gồm: vị trí dự án, dịch vụ tiện ích xung quanh, hiệu quả của suất đầu tư, uy tín chủ đầu tư... Quan trọng là vị trí của dự án nằm trong vùng phát triển của thành phố”, ông Quang đánh giá.
Theo phân tích của ông Quang, giá nhà ở Việt Nam tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM là thấp so với giá nhà ở tại các thành phố lớn của các nước trong khu vực. Bản thân ông và công ty đã có nhiều năm khảo sát thực tế thị trường BĐS tại Bang Kok, Manila, Singapore, Sydney, Kualalumpua... và căn cứ trên các báo cáo nghiên cứu thị trường của các công ty tư vấn BĐS, tư vấn xây dựng quốc tế.
Ông Quang dẫn số liệu từ tổ chức tư vấn xây dựng David Langdon and Seal cho biết, năm 2015, giá xây dựng trên mỗi m2 các chung cư tại TP HCM bằng 0,5-0,8 lần giá xây dựng trên mỗi m2 của các nước trong khu vực. Biên lợi nhuận của các chủ đầu tư Việt Nam hiện nay từ 5-15% trong khi các nhà phát triển khu vực (Thái Lan, Singapore, Phillipines, Australia... là từ 15-25%. Giá nhà ở vừa túi tiền tại TP HCM từ 25.000-60.000 USD/căn hộ 1-2 phòng ngủ. Giá nhà ở Băng Kok cùng phân khúc và khoảng cách vào trung tâm tương đương, từ 70.000-100.000 USD/căn 1-2 phòng ngủ. Tại Singapore chương trình nhà ở HDB giá nhà từ 350.000-400.000 USD/căn 1-2 phòng ngủ. Ở Sydney căn hộ tương tự lên đến 500.000-600.000 USD…
“Dù giá nhà Việt Nam thấp so với khu vực nhưng vẫn chưa rẻ so với thu nhập của người dân”, ông Quang nhận xét.
Mặc dù cho đây là thời điểm tốt để đầu tư và cho rằng đầu tư vào BĐS vào thời điểm này có thể tạo thành một mức lợi nhuận cao gấp đôi lãi suất ngân hàng nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn lưu ý, đầu tư BĐS rủi ro hơn rất nhiều so với gửi tiền ngân hàng.
“Thị trường BĐS tại Việt Nam đã hồi phục khả quan bắt đầu từ cuối năm ngoái và đang trong quá trình phát triển tốt. Tuy nhiên, thị trường chưa có tính ổn định cao. Điều này đi từ sự biến động lớn lao trên thị trường tài chính nói chung. Bắt đầu từ đầu tháng 8, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, tất cả các thị trường tài chính trên thế giới lao vào khủng hoảng. Việc các thị trường chứng khoán lao dốc gây ra một cú sốc cho tất cả các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến các thị trường khác như thị trường BĐS”, ông Hiếu phân tích.
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS cũng có thể chịu ảnh hưởng khi một dòng tiền có thể rời khỏi và đổ vào USD. Tiến trình phục hồi BĐS có thể chững lại cho đến khi thị trường ngoại hối tái ổn định.
Với lạm phát, nếu tỷ giá trên thị trường tự do tăng có thể làm tăng lạm phát vì hàng nhập khẩu sẽ tăng giá theo tỷ giá trên thị trường tự do. Khi đó, lạm phát có thể tác động hai chiều đến BĐS. Chiều thuận lợi, dân chúng sẽ đổ tiền vào BĐS như kênh đầu tư bảo đảm giá trị tài sản khi tiền đồng bị suy yếu. Ở chiều bất lợi, giá BĐS tăng cao và có khả năng tạo ra bong bóng.