Cô sinh viên chia sẻ mình mới “kết nạp” thêm cái thứ 7 vào “bộ sưu tập” ấm đun nước siêu tốc của mình mặc dù mới dùng chiếc ấm mới thứ 6 chưa được bao lâu.
Tình huống “dở khóc dở cười” của cô bạn có nickname H.C chia sẻ trên mạng xã hội Facebook về hành trình “sưu tầm” ấm đun nước siêu tốc của mình đã nhận được không ít sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Vẫn biết đôi khi ấm đun nước siêu tốc rất nhanh hỏng do tần suất sử dụng nhiều, cao nhưng không biết do mua phải hàng rẻ kém chất lượng hay do… ”số nhọ” mà chưa hết nửa đời sinh viên, cô nàng này đã làm hỏng tới… 6 chiếc ấm đun nước siêu tốc khác nhau, nghe tới thôi đã khiến ai nấy “mắt chữ A mồm chữ O”, thậm chí không tin đó là sự thật.
Bộ sưu tập ấm đun nước siêu tốc hỏng của cô sinh viên trẻ.
Trong bài đăng của mình, H.C chia sẻ:
“Cuộc đời sinh viên mới trải qua 1/2 mà không biết mình đã tiêu xài qua bao nhiêu cái ấm siêu tốc rồi. Mình mới chuyển ra ở riêng từ tháng 7 năm ngoái đến giờ, và mới kết nạp thêm cái thứ 7 vào ngày hôm nay.
Mình ở một mình, dùng nhẹ nhàng cẩn thận giữ gìn lắm nhưng cứ đun được một thời gian vào ngày trời đẹp về lôi ấm ra đun thì bật mãi cắm mãi lắc mãi không thấy đèn báo đâu, mua ấm mới về cắm đặt cái ấm lên thì đèn lại sáng. Mình có mang đi sửa ngoài cửa hàng điện rồi nhưng chú ấy bảo là "không chữa được cháy hết rồi còn đâu". Quá buồn!”
Câu chuyện trớ trêu của cô sinh viên “số nhọ” nhận được khá nhiều lượt quan tâm và bình luận, đa số tỏ ra đồng cảm với H.C. Bạn T.H bình luận: “Khổ thân, chắc bạn bị mua phải hàng rởm rồi, thôi chịu khó tiết kiệm tiền mua hẳn cái ấm xịn mà dùng”.
Anh chàng T.D.B an ủi nhưng không quên kèm theo câu đùa vui: “Chia buồn với cô gái dành cả thanh xuân để thay ấm đun nước. Cậu nên đổi tên thành “H siêu tốc” đi cho ấn tượng.”
Trong khi đó, bất ngờ hơn cả là không ít dân mạng còn nhiệt tình “bắt bệnh”, chia sẻ “kinh nghiệm xương máu” sau nhiều lần hỏng ấm siêu tốc cho cô nàng. Các bạn trẻ đưa ra lời khuyên cho H.C về việc sử dụng ấm đun nước siêu tốc hoặc sửa ấm để có thể tiếp tục sử dụng như để ý vạch min, max của ấm, xem nguồn điện vào hay chuyển sang dùng hãng khác.
Thực tế, trường hợp hỏng ấm liên tục “hiếm hoi” của cô nàng sinh viên xảy ra có thể do H.C đã mua phải những chiếc ấm rẻ tiền, chất lượng kém hoặc do rơ le bên trong bị đóng hay có thể dây cắm điện bên trong, nguồn điện tại nơi ở không đảm bảo.
Nhiều trường hợp thậm chí chiếc ấm đun nước siêu tốc đột nhiên bốc cháy dữ dội, hay phát nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người xung quanh.
Một trường hợp ấm đun nước siêu tốc bất ngờ bốc cháy khi không cắm điện xảy ra cách đây không lâu khiến dân tình hoang mang.
Sau khi sử dụng xong ấm siêu tốc bạn nên rút điện ra ngay để đảm bảo an toàn.
Để sử dụng ấm đun nước siêu tốc an toàn cho bản thân và gia đình, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
- Lựa chọn mua bình đun nước siêu tốc của hãng uy tín, chất lượng và có bảo hành.
- Sau khi đã đun nước xong cần rút dây cắm ngay, không nên cầm dây nguồn tránh nguy cơ hở đường dây.
- Đảm bảo đế điện, tay người dùng hoặc bên ngoài ấm khô ráo trước khi đun.
- Không bật bình đun khi nắp đang mở nắp vì chức năng tự ngắt sẽ không thể hoạt động.
- Không sử dụng bình khi không có nước, không ngâm bình trong nước. Đun nước xong cần đổ hết nước ra ngoài, không nên để nước trong bình.
- Ấm đun nước siêu tốc chỉ có thể được kết nối với nguồn có cùng mức điện áp như đã ghi rõ trong bảng hướng dẫn nên cần đảm bảo ấm đun nước được kết nối đúng điện áp hoặc ổ điện nối cùng mức điện áp.