Mẹ chồng khó chịu ra mặt, tôi cũng không nhẫn nhịn thêm được nữa bèn lên tiếng.
Sau khi cưới, vợ chồng tôi lên thành phố thuê nhà ở, tính ra số ngày tôi sống cùng mẹ chồng không nhiều nhưng tôi vẫn thấy căng thẳng. Mẹ chồng khó tính, xót con trai nên tuy chúng tôi sống riêng thì bà vẫn để ý, giám sát cuộc sống của vợ chồng tôi từ xa.
Không ngày nào là mẹ chồng không gọi điện nhắc nhở tôi phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho chồng đi làm, rồi dặn dò tôi phải chi tiêu tiết kiệm. Nhất là thi thoảng lên chơi, bà để ý tôi từng tí một. Đi chợ bà cũng đi cùng để xem tôi có biết trả giá, mặc cả không và còn nhiều chuyện khác nữa. Làm dâu 2 năm, dù đã quen với tính mẹ chồng nhưng tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt lắm.
Đợt này tôi mang thai bị dọa sẩy, bác sĩ chỉ định phải ở nhà nằm “treo chân” 3 tháng cho thai nhi ổn định mới được vận động bình thường. Chồng bận việc không chăm vợ được nên anh đành gọi mẹ lên đỡ. Mẹ chồng nhiệt tình, nghe con dâu như thế vội vàng lên ngay.
Có điều mẹ chồng vốn xót con trai, giờ lại thấy tôi nằm nhà để mình chồng đi làm vất vả lo kinh tế thì bà càng xót. Thi thoảng hai mẹ con ngồi ăn trưa cùng nhau, bà lại thở ngắn than dài, tuy không nói thẳng nhưng tôi thừa hiểu mẹ chồng đang bóng gió trách tôi ở nhà “ăn bám”, không đỡ đần được gì cho chồng.
Buổi trưa hai mẹ con ngồi ăn cơm với nhau, mẹ chồng hay than ngắn thở dài, ám chỉ như tôi đang ở nhà ăn bám chồng. (Ảnh minh họa)
Tháng trước đóng tiền điện, thấy hóa đơn lên tới 1 triệu, mẹ chồng liền sẵng giọng mắng tôi:
- Đúng là không phải lo kiếm tiền thì không biết xót của. Con trai tôi đi làm vất vả mới kiếm được đồng tiền, còn cô ở nhà suốt ngày ôm máy tính chơi, xem phim, tốn bao nhiêu tiền điện. Không biết thương chồng gì cả.
Mẹ chồng khó chịu ra mặt, tôi cũng không nhẫn nhịn thêm được nữa bèn lên tiếng:
- Mẹ à, tuy con nghỉ làm ở nhà dưỡng thai nhưng chồng con chưa phải nuôi con một ngày nào cả. Trước khi con mang bầu, con có mua bảo hiểm nên khi nghỉ ốm đã có bảo hiểm chi trả. Hơn nữa, chỉ là con không tới công ty thôi chứ vẫn làm việc online ở nhà và hưởng 2/3 lương. Những lúc con ngồi máy tính là lúc con làm việc chứ không phải xem phim hay chơi game.
Còn chuyện hóa đơn tiền điện tăng thì mẹ xem lại cách sử dụng điện của mẹ đi. Nói thật, ngày trước dịch bệnh hai vợ chồng con ở nhà cả ngày, tiền điện cũng không tới mức đó đâu. Nóng lạnh mẹ bật cả ngày không tắt, tủ lạnh nhiều khi mở ra quên đóng lại, tivi mẹ mở cả ngày, khi đi chợ cũng không tắt đi,... thì tiền điện không tăng mới lạ.
Bị mẹ chồng mắng, tôi không nhịn được nữa bèn lên tiếng khiến bà im bặt. (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng im bặt, không nói lại câu nào nữa rồi đi vào bếp lo cơm nước. Nhưng tôi để ý, từ hôm đó thái độ của bà cũng vui vẻ hơn nhiều, không còn than thở kiểu xót con trai, trách con dâu ăn bám như trước nữa.
Mẹ cũng có ý thức tiết kiệm điện hơn, nhưng có vẻ như tuổi già nên lúc nhớ lúc quên, thi thoảng tôi vẫn phải theo sau tắt thiết bị điện hộ bà. Cho nên, hóa đơn tiền điện cũng giảm hẳn so với tháng trước.
Điểm mặt những thói quen gây lãng phí điện thường gặp
- Dùng bóng đèn sợi đốt, không tắt đèn khi rời khỏi phòng hoặc tắt/bật đèn thường xuyên
- Chỉ tắt thiết bị bằng remote, không rút phích cắm của các thiết bị điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng.
- Thường xuyên để các thiết bị điện ở chế độ chờ hoặc ngủ.
- Với tủ lạnh, cho quá nhiều hoặc quá ít thức ăn, cho thức ăn nóng vào tủ lạnh hoặc mở cửa tủ quá lâu và thường xuyên... đều là những nguyên nhân khiến tủ lạnh hao tốn điện năng.
- Với điều hòa, để ở cùng một mức nhiệt độ hay bật thiết bị trong phòng không đóng kín,... sẽ rất tốn điện.
- Không vệ sinh, bảo trì các thiết bị điện thường xuyên.