Hoa hồng trắng là một giống cây hoa hồng rất được ưa chuộng, nó không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài mà chúng còn ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt.
Đã bao giờ bạn tự hỏi "hoa hồng trắng có ý nghĩa gì" hay chưa? Nếu chưa biết hết về ý nghĩa cũng như cách chăm sóc loài hoa tinh khiết này thì hãy để chúng tôi giúp bạn thông qua bài viết dưới đây nhé.
Nguồn gốc và đặc điểm của hoa hồng trắng
Hoa hồng trắng còn được biết đến với tên gọi hoa nhược tâm hay hoa hồng lai, là loài hoa có nguồn gốc từ Châu Âu. Hoa hồng trắng được con người biết đến từ thời cổ đại và được canh tác từ thời phục hưng. Loài hoa này được xem như là quốc hoa của nước Anh.
Theo các chuyên gia trồng hoa phương Tây thì hoa hồng trắng đẹp nhất vào giai đoạn nở thành bông, còn bó giữa các lá đài, như vẻ đẹp của cô gái ở giai đoạn thiếu nữ, tâm chưa thật rộng mở.
Thời đại trước, hoa hồng trắng là một loại hoa cực kỳ quan trọng trong các nền văn hóa tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời La Mã, hoa hồng trắng được cho là có sự liên hệ với Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite.
Thậm chí, hoa hồng trắng còn được sử dụng trong đám cưới hoàng gia của nữ hoàng Victoria vào năm 1840 và được xem là huy hiệu của “Công tước xứ York” vào hồi thế kỷ 14. Cũng chính vì thế mà đến tận ngày nay, hoa hồng trắng vẫn được chọn làm hoa trang trí trong các tiệc cưới, hội nghị sang trọng.
Ý nghĩa hoa hồng trắng
Hoa hồng trắng không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài mà chúng còn ẩn chứa những ý nghĩa đẹp. Loài hoa này được nhiều người yêu thích bởi màu trắng tinh khôi - đại diện cho sự ngây thơ, thuần khiết của người con gái tuổi đôi mươi.
Trong tình yêu, hoa hồng trắng thể hiện sự trong sáng, tình yêu thiêng liêng, vĩnh cửu của lứa đôi. Lựa chọn hoa hồng trắng tặng người ấy mang hàm ý thể hiện một tình yêu mãi mãi trọn vẹn, thủy chung, không thay đổi theo thời gian.
Ngoài ra, hoa hồng trắng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu trong sáng của những cặp trai gái, sự ngọt ngào nhẹ nhàng và không toan tính của những cặp đôi trẻ, đến với nhau bằng tình yêu trong sáng đơn thuần không pha tạp chất.
Bên cạnh những ý nghĩa đẹp về tình yêu, tình bạn, hoa hồng trắng còn tượng trưng cho sự hòa bình, đoàn kết. Hình ảnh hoa hồng trắng đi kèm với thông điệp hòa bình hoặc để thể hiện tinh thần đoàn kết với người nhận.
Trong đạo công giáo, bó hoa hồng trắng tượng trưng cho phẩm chất và phẩm hạnh của Đức Mẹ Mary. Chính vì thế, các tín đồ tôn giáo này rất xem trọng hoa hồng trắng và luôn được chọn làm hoa đặt trên bàn Đức mẹ Mary.
Phân loại hoa hồng trắng
Hoa hồng trắng có rất nhiều loại như hoa hồng bạch trà, hoa hồng bạch nhài, hoa hồng misaki trắng, hoa hồng bạch cổ, hồng cổ sapa trắng, hoa hồng bụi màu trắng và hoa hồng cánh đơn màu trắng. Sau đây là một vài giống hoa bạn có thể tự trồng tại nhà.
1. Hoa hồng leo Tố Quyên
Cây hoa hồng trắng Tố Quyên là giống hoa hồng ngoại nhập, có nguồn gốc từ nước Mỹ. Đặc điểm của loài hoa này là có màu trắng tinh khôi với hương thơm thanh mát, dễ chịu. Hoa thường ra ở đầu cành, mỗi chùm có từ 3 - 5 bông, mỗi bông hoa có đường kính từ 5cm - 10cm.
Hồng leo Tố Quyên ra hoa quanh năm nhưng thời điểm hoa đẹp nhất là vào mùa Thu hoặc mùa Xuân. Vì hoa hồng Tố Quyên thuộc dạng thân leo, có thể leo cao tối đa 5m nên bạn có thể trồng thành giàn tại nhà để tạo nên những sắc màu tự nhiên tô điểm cho ngôi nhà của mình.
2. Hoa hồng leo Bạch Thảo
Hoa hồng trắng Bạch Thảo là giống hoa hồng nhập ngoại, có nguồn từ Mỹ và được rất nhiều người ưa chuộng. Hoa của loài cây này kết thành từng chùm từ 5 - 10 bông mỗi chùm, có màu trắng hoặc phớt hồng ở chính giữa bông, mỗi bông có khoảng 35 cánh xếp đều từ tâm ra ngoài. Đường kính bông hoa khoảng từ 3cm - 5cm, khi nở toả ra mùi hương thanh mát. Phiến lá có màu xanh đậm và bóng, mặt dưới lá màu nhạt.
Hoa hồng bạch thảo ra hoa quanh năm, tuy nhiên, thời điểm cây ra nhiều bông và nở đẹp nhất là vào mùa xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Loài hoa này khi trồng dưới đất có thể leo từ 2m - 3m, nên thường được trồng rủ xuống ban công hay trồng làm hàng rào, leo lên khung sắt làm cổng. Hoa hồng trắng Bạch Thảo là loài cây ưa sáng nên cần trồng những nơi có ánh sáng đầy đủ.
3. Hoa hồng trắng thân leo Bạch Thiên Kim
Hồng trắng Bạch Thiên Kim là giống hồng leo được nhập ngoại với bông hoa to tròn, đáng yêu. Lá Bạch Thiên Kim bản to màu xanh tươi tắn, răng cưa ngắn, lá xanh quanh năm. Hoa hồng Bạch Thiên Kim có chùm lớn, mỗi chùm thường từ 3 - 7 bông, đường kính hoa khá to có thể đạt đến 10cm. Bông Bạch Thiên Kim có màu cam nhạt ở tâm và nhạt dần về phía rìa cánh với màu trắng tinh khiết. Điểm khác biệt của loài hoa này so với các loại hoa hồng trắng khác là có tới 120 cánh hoa xếp đồng tâm.
Không chỉ có vẻ đẹp tinh tế, hoa hồng Bạch Thiên Kim còn có hương thơm dịu dàng mang đến cảm giác khá dễ chịu. Cây ra hoa nhiều lần trong năm, nhưng hoa nở nhiều và đẹp nhất là khi thời tiết mát mẻ vào mùa Xuân hoặc mùa Thu.
4. Hoa hồng trắng cây leo Lệ Băng
Đúng như tên gọi, loại hồng này mọc thành chùm như những bông tuyết đang rơi. Đây là giống hoa nhập ngoại nhưng thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam. Hoa cây Lệ Băng thường mọc từ đầu cành, mỗi cành thường chỉ có 1 bông hoa, đường kính hoa cùng tương đối bé, chỉ khoảng 5cm - 7cm khi nở bung.
Mỗi bông thường chỉ có khoảng 40 cánh xếp lớp đồng tâm với nhau, cánh hoa mỏng và tương đối nhỏ. Cánh hoa có màu trắng kem, gần tâm cánh hoa phớt vàng. Do loài hoa này thích nghi khá tốt với khí hậu Việt Nam nên việc chăm sóc cũng tương đối dễ.
Cách trồng hoa hồng trắng đúng kỹ thuật
Dù hầu hết các loài hoa hồng trắng đều là giống cây nhập ngoại nhưng khả năng thích nghi khí hậu nhanh nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ cần bạn nắm vững kỹ thuật sau là sẽ có thể trồng được chậu hoa ưng ý.
1. Chọn vị trí trồng hướng nắng
Hoa hồng là loài hoa ưa ánh sáng, hoa hồng trắng cũng không ngoại lệ. Vì vậy, bạn cần chọn vị trí trồng để cây hoa có thể hấp thu đủ lượng ánh sáng. Thông thường, cây hoa hồng cần ánh nắng khoảng từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
Nên chọn vị trí có ánh sáng mặt trời chiếu vào buổi sáng hoặc ánh sáng xuyên là tốt nhất. Nên tránh ánh sáng gay gắt buổi trưa hoặc đầu giờ chiều vì có thể khiến cây bị cháy nắng. Tránh chọn vị trí thiếu ánh sáng vì sẽ không đủ điều kiện cho cây phát triển, khiến cây dễ nhiễm bệnh, ra hoa ít và không đẹp.
2. Chọn phương pháp trồng
Hoa hồng trắng có thể trồng bằng phương pháp giâm cành, ghép hoặc chọn giống từ biến dị chồi và lai hữu tính. Với phương pháp giâm cành thì cây có thể trồng ở mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt nhất ta nên giâm cây vào mùa mưa như đầu mùa xuân hoặc đầu mùa thu. Phương pháp giâm cành được nhiều người sử dụng nhất, do dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao.
Đối với phương pháp ghép cành và chọn giống biến dị chồi hoặc lai hữu tính, chúng tôi không khuyến khích sử dụng. Do các phương pháp này, người trồng phải nắm vững các kỹ thuật chiết, cắt ghép cành, ghép chồi.
Ngoài ra, bạn có thể mua sẵn cây hoa từ các nhà vườn hoặc cửa hàng cây xanh. Vì cây trồng đã ra rễ, phát triển xanh tốt nên khi về nhà bạn trồng sẽ dễ hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.
3. Chọn đất trồng
Hoa hồng là loài ưa ẩm nhưng khả năng chịu hạn cũng khá tốt. Vì vậy, nên chọn loại đất trồng tơi xốp, thông thoáng, giữ được độ ẩm ổn định và thoát nước tốt tránh úng rễ, thối rễ. Bạn có thể mua đất trồng hoa hồng trắng tại các nhà vườn, cửa hàng cây cảnh hoặc cũng có thể tự làm. Nếu tự làm, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu sau: Đất thịt, phân chuồng ủ hoai, xơ dừa, trấu hun, xỉ than hoặc sỏi đá.
Công thức trộn hỗn hợp đất trồng hoa hồng trắng như sau: 40% đất sạch + 10% trấu hun + 10% xơ dừa hoặc mùn dừa + 30% phân chuồng ủ hoai hoặc phân trùn quế + 10% xỉ than và một ít sỏi viên. Hoặc lựa chọn nguyên liệu khác với công thức như sau: 40% xơ dừa hoặc mùn dừa + 10% trấu hun + 30% phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoai + 20% đất nung dạng viên.
4. Chọn chậu cây
Hoa hồng cần rất nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng, vì vậy, nếu có điều kiện, bạn nên trồng cây ở nền đất là tốt nhất. Nếu trồng trong chậu, nên chọn chậu có kích thước lớn để có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho cây sinh trưởng, chậu chứa càng nhiều đất thì càng đỡ tốn công chăm sóc. Kích thước chậu phù hợp có đường kính rộng khoảng 60cm và sâu từ 60cm - 80cm. Hoặc tiết kiệm hơn bạn có thể sử dụng thùng xốp để chứa đất trồng cây cũng được.
5. Chọn giống cây trồng
Dựa vào sở thích của mình mà bạn chọn loại hoa hồng trắng phù hợp như: Tố Uyên, Bạch Thảo, Bạch Thiên Kim hoặc Lệ Băng. Khi đã chọn được loại cây theo sở thích, ta tiến hành chọn giống cây. Đối với phương pháp trồng giâm cành, bạn nên chọn cành to khỏe, không có sâu bệnh. Đối với các cây giống mua sẵn, bạn nên kiểm tra kỹ xem trên thân và lá có sâu bệnh không. Tốt nhất nên chọn cây to khoẻ, cành lá xum xuê, xanh tốt và không có sâu bệnh hại.
6. Cách trồng hoa hồng trắng đúng kỹ thuật
Ở phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn kỹ thuật trồng hoa hồng trắng trong chậu bằng cây giống mua. Vì trồng bằng cây giống mua có hiệu quả cao nhất, cây sinh trưởng tốt và nhanh ra hoa.
4 bước trồng hoa hồng trắng trong chậu đúng kỹ thuật
Bước 1: Nên bỏ hết phần bầu đất xung quanh rễ cây vì khi trồng ở vườn ươm, bầu đất có thể mang theo một số loại nấm gây bệnh cho cây. Cắt tỉa bớt rễ xấu, rễ thối hay rễ đen, chỉ giữ lại phần rễ to đẹp, không sâu bệnh.
Bước 2: Đặt một miếng lưới xuống dưới đáy chậu, sau đó rải một lớp xỉ than hoặc sỏi đá xuống đáy chậu rồi cho đất vào chậu với lượng đất bằng 2/3 chiều sâu của chậu cây.
Bước 3: Đặt cây vào chính giữa chậu đất, 1 tay giữ cây thẳng, tay còn lại lấp nốt phần đất đã chuẩn bị vào chậu cây. Lưu ý, không nên lấp đất đầy bằng miệng chậu, nên chừa lại khoảng 10cm từ bề mặt đất đến miệng chậu.
Bước 4: Dùng tay nén nhẹ đất để cây đứng chắc chắn và tiến hành tưới đẫm nước để giữ độ ẩm cho đất.
6 bước trồng hoa hồng trắng ở nền đất đúng kỹ thuật
Nếu nhà bạn có khoảng sân rộng có chừa lại một góc vườn trồng cây thì nên trồng cây hoa hồng trắng trên nền đất, cây đạt mức sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Chọn khu vực đất trồng có khả năng thoát nước tốt.
Bước 1: Tương tự như phương pháp trồng trong chậu, khi mua cây giống về nên bỏ hết phần bầu đất xung quanh rễ cây. Và cắt tỉa bớt rễ xấu, rễ thối hay rễ đen, chỉ giữ lại phần rễ to đẹp, không sâu bệnh.
Bước 2: Đào hố có kích thước phù hợp với bộ rễ của cây giống, thông thường hố cây sẽ rộng khoảng 25cm và sâu khoảng 30cm.
Bước 3: Cho đất đã chuẩn bị trước đó vào hố với lượng đất bằng 3/4 chiều sâu của hố đất.
Bước 4: Đặt cây vào chính giữa hố đất, 1 tay giữ cây thẳng, tay còn lại lấp nốt phần đất đã chuẩn bị vào chậu cây. Dùng tay nén nhẹ đất để cây đứng chắc chắn.
Bước 5: Vun đất xung quanh gốc cây cao hơn so với bề mặt đất, nên tạo rãnh thoát nước quanh mô đất để khi trời mưa đất sẽ thoát nước tốt hơn. Tiến hành tưới đẫm nước để giữ độ ẩm cho đất.
Bước 6: Vì cây mới trồng chưa quen đất và môi trường xung quanh. Nên sử dụng lưới tối màu để tạo bóng râm cho cây. Trong khoảng 7 ngày tiếp theo, tiến hành tưới nước đều đặn để đất có đủ độ ẩm kích thích cây ra rễ và thích ứng với môi trường đất mới.
Cách chăm sóc hoa hồng trắng
Sau khi đã nắm được kỹ thuật trồng cây, phần này chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc hoa hồng trắng đúng chuẩn kỹ thuật.
1. Ánh sáng
Hoa hồng trắng là loài hoa ưa ánh sáng, mỗi ngày cây cần khoảng từ 6 - 8 tiếng được phơi nắng. Tuy nhiên, ánh sáng gay gắt không có lợi đối với sự sinh trưởng của cây, thậm chí khiến cây bị héo, úa vàng, hoa bị cháy nắng, rám nắng. Khoảng thời gian phơi nắng tốt nhất cho cây buổi sáng từ 5h - 10h, buổi chiều khi nắng đã dịu từ 14h - 18h (mùa đông) và sau 16h (mùa hè). Khi bạn mới trồng cây ở khu vực có nhiều ánh sáng, nên có biện pháp che chắn cho cây trong thời điểm ánh nắng gay gắt của mùa hè.
2. Nước tưới
Hoa hồng trắng cần cung cấp đủ độ ẩm để sinh trưởng và ra hoa nên cần phải tưới cây đều đặn bằng vòi phun sương vào mỗi buổi sáng. Vào những ngày có thời tiết nắng gắt nên tưới thêm cho cây vào lúc chiều mát nhưng không quá muộn. Không nên tưới vào ban đêm vì những giọt nước còn đọng lại trên lá và nụ qua đêm sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển.
Nếu không đủ lượng nước có thể khiến hoa hồng bị vàng lá và rụng lá. Nước vo gạo có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, bạn có thể dùng để tưới cho cây. Nước vôi trong có khả năng kháng khuẩn nên bạn có thể tưới cho cây để phòng trừ sâu bệnh hại.
3. Bón phân
Do khi trồng cây, bạn đã trộn cùng phân chuồng ủ hoai rồi nên khoảng 2 tháng sau khi trồng bạn không cần bón thêm phân cho cây. Tuy nhiên, khi cây bắt đầu ra lá mới, bạn có thể bổ sung thêm phân hạt Dynamic hoặc phân dơi quanh gốc cây để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Nên tưới nước sau khi bón phân giúp cây hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
Từ tháng thứ 3 trở đi, bạn nên bón phân định kỳ mỗi tháng, bón xen kẽ phân kích thích lá và phân kích thích chồi. Khi cây chuẩn bị ra hoa, bạn nên bổ sung thêm phân bón hữu cơ như phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoai để kích thích hoa.
4. Cắt tỉa cành, lá
Trong quá trình cây phát triển, nên cắt tỉa định kỳ hàng tháng để loại bỏ lá thối, hỏng, cành còi yếu. Hơn nữa, việc cắt tỉa cành lá thường xuyên cũng giúp bạn sớm phát hiện các loại sâu bệnh hại, từ đó giúp cây sinh trưởng tốt nhất. Khi hoa đã nở hết, bạn nên bấm ngọn thêm 2 tầng lá để tạo sức đâm cho cây ra nhánh mới.
Thời gian cắt tỉa cành lá tốt nhất là vào buổi sáng sớm, sau khi tỉa cành, bạn nên bôi ở vết cắt dung dịch kích thích chồi và thuốc liền sẹo. Nhằm hạn chế vi khuẩn, bào tử nấm xâm nhập vào cây qua vết cắt để gây hại cho cây.
Sau khi cắt tỉa cành bạn nên bổ sung thêm phân bón kích thích chồi để kích thích cây đâm chồi mới. Nếu chồi mới có màu đỏ tía đậm, cành mập mạp là cây đã có đủ dưỡng chất. Nếu cành còi cọc, màu xanh non và cao vống lên thì lần cắt tỉa sau nên tăng lượng phân bón kích chồi.
5 bệnh thường gặp trên cây hoa hồng trắng
Giống như những loài hoa hồng khác, loài cây này có thể mắc các bệnh hại như bệnh phấn trắng, đốm đen, gỉ sắt. Các bệnh này xuất hiện khi trồng cây trong điều kiện thiếu sáng, tưới nước quá nhiều hoặc côn trùng tấn công. Sau đây là một số bệnh thường gặp trên cây hoa hồng trắng.
1. Bệnh phấn trắng
Bệnh phấn trắng ở cây hoa hồng trắng ban đầu xuất hiện trên lá non, lá bánh tẻ và cổ bông với những đốm trắng xám dạng bột phấn. Loại bệnh này phát triển rất nhanh, chúng làm lá biến dạng, thân cây khô quắt, nụ ra ít, hoa không nở, thậm chí nếu nặng có thể làm chết cây.
Để phòng trừ loại bệnh này, bạn nên cắt tỉa định kỳ cây để phát hiện dấu hiệu bệnh sớm nhất. Nếu phát hiện cây bị bệnh nên loại bỏ lá bị bệnh, sau đó sử dụng các loại thuốc như Score 250 ND liều dùng 200 - 300ml/ha (nồng độ 10ml/bình 8 lít) và Anvil 5SC liều dùng 1 lít/ha.
2. Bệnh đốm đen
Bệnh đốm đen trên cây hoa hồng trắng xuất hiện trên các lá bánh tẻ. Dâu hiện nhận biết là ở 2 mặt lá xuất hiện các đốm tròn hoặc hình thù bất định, giữa đốm màu xám và xung quanh có màu đen.
Bệnh này tuy không làm chết cây nhưng sẽ khiến lá vàng và rụng hàng loạt, từ đó giảm khả năng phát triển của cây. Để phòng trừ bệnh này, bạn có thể sử dụng thuốc Daconil 500 SC 25 ml/bình 8 lít; Đồng ôxyclorua 30 BTN 70g/bình 8 lít hoặc Anvil 5SC 12 - 15ml/bình 8 lít.
3. Bệnh gỉ sắt
Bệnh gỉ sắt xuất hiện trên cây hoa hồng trắng dưới dạng các đốm nổi màu vàng cam hoặc gỉ sắt ở mặt dưới lá. Thời gian đầu, bệnh khiến là cây khô cháy rụng dần, khi nặng có thể khiến cây còi cọc, hoa ra nhỏ hoặc không ra hoa.
Để điều trị bệnh này, ngoài việc cắt tỉa định kỳ để phát hiện bệnh sớm thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc phòng trừ bệnh như Kocide liều dùng 10 - 15g/bình 8 lít, Vimonyl 72 BTN liều dùng 50g/bình 8 lít, Daconil 500 SC liều dùng 25ml/bình 8 lít.
4. Bệnh rệp vảy nến
Bệnh rệp vảy nến thường xuất hiện trên cây hoa hồng trắng khi cây trồng ở nơi thiếu ánh nắng hoặc nơi ẩm thấp hay được tưới quá nhiều nước. Trên thân cây xuất hiện những con rệp chích hút nhựa cây tạo ra các vết vảy nến hình tròn, màu nâu nhạt, viền xung quanh màu trắng. Nếu không phát hiện sớm, rệp sẽ hút hết diệp lục của cây, khiến cây còi cọc, không phát triển và chết dần.
Để phòng trừ bệnh rệp vảy nến, bạn thường xuyên cắt tỉa để phát hiện bệnh sớm. Nếu bệnh quá nặng, bạn phải cách ly cây khỏi những cây khác để tránh lây lan. Cách trị bệnh như sau: dùng nhựa cứng hoặc mũi dao cạy sạch các vết vảy nến để tránh rệp tiếp tục sinh sôi và tái bệnh cho cây. Lưu ý, nên gom các vết vảy nến lại rồi mang đi tiêu huỷ, không được để rơi xuống đất. Mua thuốc trị bệnh rệp vảy nến ở cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật hoặc bán cây cảnh và phun cho toàn bộ cây. Hướng dẫn và liều dùng có thể xem trực tiếp trên bao bì.
5. Bệnh héo Verticillium
Trên cây hoa hồng trắng còn xuất hiện bệnh héo Verticillium, bệnh này khiến ngọn bị héo nhưng vẫn xanh, lá cây ở tầng thấp chuyển sang màu vàng. Đêm mát ngọn có thể tươi lại nhưng sau vài ngày, phần ngọn dần chuyển sang màu héo úa và chết. Bệnh này thường gây chết cây từ trên ngọn xuống dưới gốc. Bệnh héo Verticillium xuất hiện vào mùa hè khi thời tiết khô hạn và trên cây hoa hồng trồng trong nhà kính.
Bệnh héo Verticillium trên cây hoa hồng trắng do loài nấm Verticillium albo-atrum Berth gây ra. Bệnh này rất khó điều trị, khi cây đã mắc bệnh, tốt nhất nên nhổ bỏ để tránh lây lan sang các cây khác. Để phòng trừ bệnh héo Verticillium, bạn nên sử dụng các loại hóa chất khử trùng như formol 3% hoặc thuốc trừ sâu như Basudin trước khi trồng cây, do bào tử nấm tồn tại trong đất được rất lâu.
Trên đây là những thông tin về hoa hồng trắng như phân loại, cách trồng và cách chăm sóc. Ngoài ra, chúng tôi cũng chia sẻ đến bạn đọc 5 bệnh thường gặp trên cây hồng trắng và cách phòng trừ. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn có thể tự trồng và chăm sóc được cho mình chậu hoa tuyệt đẹp.