Xưa tới nay, làm nhà vẫn được coi là việc trọng đại của đời người. Ai cũng mơ ước có một ngôi nhà của riêng mình, ai cũng mơ ước có một cơ ngơi riêng.
Trong cuộc đời, hầu như ai cũng đã từng trực tiếp, hoặc liên quan tới việc làm nhà. Đó có thể là niềm hạnh phúc, nhưng nhiều khi cũng là nỗi sợ, nỗi lo. Và thông thường, dù có nhiều điều kiện tốt, có sự chuẩn bị tốt, thì khi bắt tay vào việc làm nhà, cũng sẽ thấy có muôn vàn khó khăn.
Lotus Architects, Hà Nội: rất nhiều khó khăn khó lường
KTS Đỗ Tử Đoàn (văn phòng tư vấn thiết kế, Hà Nội):
Tôi làm nhiều công trình nhà ở gia đình, và cũng như nhiều đồng nghiệp khác, đều biết, đều hiểu những vấn đề, những câu chuyện liên quan. Người ngoài nhìn vào thì cứ nghĩ kiến trúc sư chỉ… vẽ là xong. Thật ra thì ai làm thiết kế chẳng mong ước như thế: giao hồ sơ thiết kế, rồi nhận thiết kế phí; sau một thời gian sẽ thấy tác phẩm của mình hiện hình. Nhưng đâu có dễ vậy!
Thiết kế nhà ở gia đình, nhiều khi mình phải lăn lưng cùng chủ nhà, như là cùng chủ nhà làm nhà vậy. Vấn đề quan hệ, tình cảm, lòng tốt… là một chuyện; nhưng thực tế có rất nhiều khó khăn mà chủ nhà không giải quyết được, phải trông cậy vào kiến trúc sư hoặc có những việc phải liên đới tới thiết kế, tới kiến trúc sư. Biết là mình làm những việc đó sẽ rất mất thời gian, nhưng không thể không làm, không giúp!
Ví như trục trặc trong giấy phép xây dựng, kiến trúc sư phải tư vấn, tham mưu, phải sửa bản vẽ xin phép, hay thông qua những quan hệ nào đó để giải quyết công việc êm xuôi.
Có trường hợp, thiết kế công trình ở xa, vì bận và chủ nhà cũng không có yêu cầu gì đặc biệt nên tôi không tiến hành khảo sát trực tiếp; chỉ bảo chủ nhà chụp ảnh hiện trạng rồi gửi qua email. Chủ nhà bảo “hiện trạng” sẽ phá hết, đất vuông vắn, không lo. Rồi thiết kế cũng chuyển qua email, và thực tế thi công đã có những vướng mắc với nhà hàng xóm, liên quan tới cửa sổ, thông gió... Mỗi khi như vậy, người đầu tiên chủ nhà nghĩ tới và “cầu cứu” chính là kiến trúc sư.
Có trường hợp khác, khi triển khai đào móng thi công, nền đất yếu không như giả định ban đầu, và chủ nhà tốn một khoản không nhỏ vào việc gia cố nền móng, cùng với việc đền bù hư hại cho nhà hàng xóm vì gây lún nứt. Chi phí này “ăn” vào kinh phí làm nhà, và lại phải sửa thiết kế cho phù hợp với tình hình tài chính mới.
Những khó khăn và lãng phí ở căn hộ chung cư
KTS Nguyễn Trần Đức Anh:
Thiết kế và thi công hoàn thiện căn hộ chung cư nói chung là đỡ vất vả hơn nhiều so với nhà xây mới, nhất là về vấn đề an toàn lao động trong thi công. Tuy vậy, làm thể loại này cũng có những khó khăn riêng nhất định, có tính đặc thù. Mặc dù là làm hoàn thiện, nghe chừng có vẻ đơn giản, chỉ là thêm thắt, chỉnh sửa; nhưng thực tế cũng triển khai tất cả các hạng mục liên quan đến chuyên ngành – vật liệu như: nề (xây, trát, ốp, lát), điện, nước, điều hoà, sơn, bả, trần thạch cao, đá, sắt, sàn gỗ, đồ gỗ nội thất…
Tuần tự, quy trình công việc vẫn phải tuân thủ; nhưng các hạng mục khối lượng không lớn, nhiều khi đợi chờ nhau rất mất thời gian, và thời gian dễ kéo dài hơn dự kiến. Căn hộ chỉ có một sàn thi công nên việc thi công có thể không kết hợp, dồn nhiều đội vào cùng làm một thời điểm, bởi có thể ảnh hưởng lẫn nhau.
Vấn đề vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị cũng là một khó khăn. Khi toà nhà lớn vẫn trong giai đoạn hoàn thiện thì là thời điểm thuận lợi, nhiều chủ căn hộ cũng tiến hành làm căn hộ của mình. Nhưng thời điểm này có khi thang máy chưa hoạt động hoặc hoạt động không ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển nguyên vật liệu. Và kể cả khi có thang máy vận hành rồi, thì rất nhiều trường hợp cũng không đi được thang máy, bởi nhiều loại vật liệu có kích thước quá khổ của thang như: đá, kính, đồ gỗ nội thất. Bên cạnh đó, việc ban quản lý toà nhà, bảo vệ toà nhà nhiều nơi không có thiện chí, gây khó khăn cho chủ nhà và các đơn vị thi công cũng khá phổ biến.
Thiết kế, và thi công ban đầu của căn hộ chung cư thường ở dạng… lưng chừng. Rất ít chung cư thiết kế tốt và hoàn thiện tốt để người ta chỉ việc… xách đồ đến ở. Và thực ra, kể cả chung cư cao cấp “xịn” đến mấy, thì nhu cầu của người sử dụng vẫn rất khác nhau, đa dạng; quan niệm thẩm mỹ cũng vậy; nên khó tránh được chuyện cải tạo, sửa đổi. Và khi tiến hành làm việc này, rất hay vướng mắc với ban quản lý, nhất là việc động chạm đến kết cấu, tường xây, hệ thống kỹ thuật.
Một căn hộ chung cư đã hoàn thiện với thiết kế mới khác xa thiết kế ban đầu của nhà đầu tư.
Đây cũng chính là vấn đề lãng phí ở căn hộ chung cư: làm rồi lại đập bỏ, làm lại, hoặc chắp nối không đồng bộ. Điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng kỹ thuật công trình.
Kiểm soát tài chính là vấn đề quan trọng
Đặng Duy Linh (chuyên viên ngân hàng):
Được hỏi đúng lúc đang chuẩn bị sửa nhà để dọn ra ở riêng, những suy nghĩ về việc đầu tư vào căn hộ mới thế nào, đến mức nào hai vợ chồng tôi đã bàn luận khá nhiều. Công việc tôi đang làm ảnh hưởng khá nhiều đến tư tưởng, chủ trương của việc sửa chữa, hoàn thiện căn hộ. Đối với tôi, đó là một khoản đầu tư lớn. Mà đã đầu tư thì phải có hiệu quả, số tiền bỏ ra phải đem lại không gian sống đủ yêu cầu (ngôi nhà cần mang đến sự thích thú, yêu quý cho gia chủ, phải làm cho mình… sướng).
Bên cạnh đó việc đầu tư phải hài hoà với nguồn lực hiện có, không thể dồn hết tiền vào căn nhà để rồi ở nhà đẹp mà không còn vốn lưu động, dẫn đến phải cắt giảm những nhu cầu cuộc sống hoặc rơi vào tình thế bị động khi không thể không chi tiêu. Vay tiền để sửa nhà, làm nhà là việc bình thường nhưng nhà là tài sản dài hạn nên cần phải có những nguồn vốn dài hạn để trang trải nếu không muốn tương lai rơi vào trạng thái “mất thanh khoản”. Nhà mới đi kèm với niềm vui mới, chứ không nên kéo theo nỗi lo mới.
Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường với các vấn đề kinh tế khác. Vì vậy một ngôi nhà phải cân bằng giữa “house” và “home”; chứ không thể lấy tinh thần “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” ra để tự động viên và an ủi.
Cân đối tài chính, kiểm soát tài chính theo tôi là vấn đề quan trọng khi làm nhà, dù là xây mới hay mua và cải tạo hoàn thiện căn hộ. Làm tốt công việc này cũng sẽ góp phần giữ yên ổn, thoải mái tâm lý khi ngôi nhà hoàn thiện. Cần lập dự toán cẩn thận, tiết chế những nhu cầu, nhờ cậy kiến trúc sư, tư vấn giám sát để kiểm soát chi phí, để lựa chọn những phương án hợp lý và có lẽ nên hạn chế xem những tạp chí liên quan, hay tham khảo ý kiến quá nhiều – để giữ vững lập trường.
Nói thế chứ làm được đâu phải dễ vì bạn bè nhiều người đã nói về việc vượt dự toán 30 – 50% thậm chí 100% khi làm nhà. Dễ “vung tay quá trán” lắm!