Nếu không kịp thời tiêu hủy những hạt nhỏ này và để chúng phát triển, bạn sẽ có nguy cơ bị tổn thương.
Những hạt li ti màu hồng nhạt này nhìn có vẻ bình thường và không có gì nguy hại, nhưng thực chất, chúng chính là trứng của một loại côn trùng vô cùng nguy hiểm, đó là bọ xít hút máu người.
Bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma rubrofassiata, có chiều dài khoảng 1-3,5cm, cơ thể to và dẹt, có vòi cong, có kim chích dài ba đốt, rất khỏe. Dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết của loài bọ xít này là có thân sọc vàng nâu đặc trưng và có nhiều vằn màu vàng trên cơ thể.
Bọ xít hút máu có thân sọc vàng nâu đặc trưng và nhiều vằn màu vàng trên cơ thể.
Thời gian sinh trưởng và phát tán của loài bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8, hiện nay có thể xuất hiện từ tháng 5 và kéo dài tới tháng 9. Chúng thường bị thu hút đặc biệt bởi mùi amoniac, axit cacboxylic từ da, tóc hay mồ hôi động vật, nên thường phát tán vào nhà, sống gần người trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ.
Bọ xít hút máu thường bám ở khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ.
Ban ngày, loài côn trùng này lẩn trốn, đến ban đêm khoảng 1h-3h sáng, chúng sẽ ra hút máu người hay gia súc. Khi đốt, chúng chích hút khá êm và tiết ra một loại chất gây tê nên người bị đốt thường không cảm nhận được gì để phòng tránh.
Loại bọ xít này thường đẻ trứng ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, có thể trên thành của giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà. Trứng của chúng có kích thước khoảng 1-1,5mm và màu trắng ngà hay hồng nhạt. Mỗi đợt, bọ xít đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Cá thể này ngay lập tức sẽ hút máu người. Tại Hà Nội, từng có gia đình phát hiện tới 8.000 con bọ xít hút máu trong nhà.
Tại Hà Nội, từng có gia đình phát hiện tới 8.000 con bọ xít hút máu trong nhà.
Bọ xít hút máu đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Thông thường, bọ xít hút máu không gây quá nhiều nguy hiểm cho người bị đốt, chủ yếu là nổi nốt ngứa sau vài ngày thì lặn mất. Tuy nhiên, hy hữu vài trường hợp nạn nhân bị đốt thấy đau dữ dội, buồn nôn, ớn lạnh, sau đó sốc phản vệ và có thể dẫn tới tử vong.
Vết đốt do bọ xít hút máu để lại.
Ngoài ra, loài này còn có thể là trung gian truyền ký sinh trùng gây Chagas - căn bệnh giết chết 30.000 - 50.000 người mỗi năm. Ký sinh trùng bệnh này có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm rồi đột ngột tái phát, gây ra những bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và tim mạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất khi bị đốt là nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng xà phòng nhằm trung hòa axit do bọ xít tiết ra rồi đi tới trung tâm da liễu. Đặc biệt, tuyệt đối không nên đánh hay giết chết loài này bằng tay không bởi việc này có thể khiến cơ thể bạn vô tình nhiễm ký sinh trùng trong phân bọ xít mà không hề hay biết.
Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà mà không phát hiện và tiêu diệt kịp thời thì khoảng 20 ngày sau, trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện. Vậy nên ngay khi thấy những hạt nhỏ li ti giống trứng bọ xít hút máu này, bạn nên dọn dẹp nhà cửa khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, có thể sử dụng hóa chất như Fendona 10SC, ICON 10 WP để tiêu diệt bọ xít và ổ trứng của chúng.