Máy giặt giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn trong công việc giặt giũ, tuy nhiên nếu không dùng đúng cách, hóa đơn điện nước hàng tháng của gia đình sẽ khiến bạn "giật mình". Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp bạn sử dụng máy giặt thả ga mà vẫn tiết kiệm tiền điện, nước...
Chọn mực nước phù hợp
Đa số các loại máy giặt hiện nay có 3 mực nước tương ứng với từng chu trình giặt. Cần chọn mực nước phù hợp với lượng quần áo cần giặt. Nếu quần áo ít thì chỉ nên chọn mức nước thấp. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn giúp giặt nhanh hơn, kéo theo việc tiết kiệm điện hơn.
Chọn loại bột giặt phù hợp
Nên chọn loại bột giặt dành cho máy giặt. Loại bột giặt này không chỉ mang lại hiệu quả giặt tẩy cao hơn những loại bột giặt thông thường khác, mà còn giúp bảo vệ máy. Bột giặt này tạo ít bọt nên sẽ không để lại nhiều cặn bột giặt trên quần áo.
Nên sử dụng bột giặt với lượng vừa đủ, tương ứng với lượng quần áo cần giặt. Việc sử dụng lượng bột giặt vừa phải sẽ giúp tăng hiệu quả giặt, tiết kiệm điện và nước. Với những chiếc quần áo quá bẩn, bạn nên vò trước rồi mới cho vào máy giặt, đừng nên giải quyết bằng việc cho quá nhiều bột giặt vì sẽ không có tác dụng.
Nếu có sử dụng nước xả vải, bạn cũng nên sử dụng hợp lý để tiết kiệm hiệu quả hơn. Bạn nên cho nước xả vào chu trình cuối, có thể dừng máy trong 10 phút để quần áo được ngấm nước xả tốt hơn.
Tuyệt đối không được giặt quá tải (Ảnh minh họa).
Luôn tiến hành các chu trình giặt ở nhiệt độ bình thường
Một số máy giặt có chế độ điều chỉnh nhiệt độ của nước tùy theo từng chương trình giặt để giúp cho quá trình giặt đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, việc làm cho nước nóng hơn trong từng chu trình giặt đó vô hình chung làm tăng lượng tiêu thụ điện năng trong quá trình giặt.
Vậy tại sao không sử dụng phương pháp giặt không cần làm nóng nước mà vẫn đạt hiệu quả giặt sạch cho quần áo nhà mình. Luôn điều chỉnh nhiệt độ nước ở mức bình thường mà không cần sự can thiệp của máy giặt, thay vào đó, sử dụng các loại bột giặt dễ hòa tan trong nước lạnh, đặc biệt là nên sử dụng nước giặt, vừa đảm bảo hiệu quả tẩy rửa, vừa không lo bị cặn bám trên quần áo trong quá trình giặt.
Luôn xả quần áo ở nhiệt độ thường, bởi việc xả quần áo chỉ đơn thuần là giúp lấy đi bọt xà phòng đọng lại quần áo trong quá trình giặt, vì thế nước ở nhiệt độ thường cũng có thể làm tốt nhiệm vụ này. Hơn thế nữa, với hầu hết các loại quần áo thì việc xả ở nhiệt độ thường sẽ tốt hơn rất nhiều so với xả nước nóng.
Đối với chăn, mền, ga trải giường...những đồ mà buộc phải giặt với nước nóng, thì bạn có thể để chế độ nước nóng trong chu trình giặt ban đầu và những chu trình còn lại cài đặt về chế độ nước bình thường để tiết kiệm điện hơn.
Phân loại quần áo cũng là cách tối ưu để tiết kiệm điện, vì với những quần áo cùng loại bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ máy giặt hơn cho hiệu quả giặt tối ưu và tiết kiệm điện.
Tuyệt đối không được giặt quá tải
Nên sắp xếp các lần giặt hợp lý để tránh có khi lại giặt quá nhiều, có khi lại giặt chỉ có 1-2 chiếc quần áo. Giặt quần áo quá tải không chỉ không sạch, mà còn làm cho máy giặt nhanh bị hỏng. Với mỗi loại máy giặt đều có ghi rõ khối lượng giặt tối đa, bạn không nên giặt vượt quá mức này.
Tự chọn chu trình giặt phù hợp
Bình thường, máy giặt sẽ tự động ước lượng quần áo để chọn chu trình giặt thích hợp. Mặc dù vậy, chu trình tự động này vẫn gây tốn nhiều nước và thời gian hơn. Chính vì thế, tốt nhất bạn nên tự chọn chu trình giặt để tiết kiệm hơn.
Chẳng hạn, với lượng quần áo ít bạn nên chọn chu trình giặt nhẹ, mực nước thấp. Và cứ thế tùy vào lượng quần áo cần giặt mà chọn các thông số hợp lý.
Lựa chọn chế độ vắt thích hợp
Ở máy giặt, chế độ vắt thường đi kèm với chương trình giặt đã được cài đặt. Nhưng nếu muốn quần áo khô nhanh hơn, bạn nên chọn chế độ vắt hợp lý. Đối với những chiếc quần áo dày, hoặc chăn ga gối nệm, bạn nên chọn chế độ vắt cực khô để tiết kiệm thời gian hơn.
Còn đối với những quần áo mỏng, nhẹ thì nên chọn chế độ vắt thấp hơn nhưng vẫn giúp quần áo khô nhanh.
Lưu ý các loại chất liệu vải của quần áo khi giặt
Tùy theo loại quần áo mà chọn chế độ giặt thích hợp. Các loại vải cao cấp như tơ lụa nên chọn chế độ giặt nhẹ; quần áo bình thường chọn chế độ vừa, chỉ có quần áo dày như Jean, kaki... mới dùng chế độ giặt mạnh. Muốn tiết kiệm điện, nước rút ngắn thời gian giặt và quần áo được giặt sạch, sau lần giặt đầu tiên nên lấy ra vắt cho hết nước bẩn đi rồi hãy giặt tiếp (vì ở các chế độ xả máy không tự vắt được, điều này làm các chất bẩn khó thoát ra hết bên ngoài).
Thông thường quần áo dạng sợi tổng hợp hay hàng tơ, lông nên giặt khoảng 2-4 phút; quần áo bình thường giặt 6-8 phút; nếu quần áo quá bẩn thì giặt từ 10-12 phút. Sau đó chuyển sang chế độ xả. Rút ngắn thời gian sử dụng hợp lý ngoài việc tiết kiệm điện, nước còn kéo dài tuổi thọ của cả quần áo và máy.
Các loại quần áo như len, thun mỏng dễ giãn, dạ... không nên giặt bằng máy vì các loại này không chịu được ma sát, giằng kéo. Tương tự như vậy các loại vải cao cấp cũng không nên giặt bằng máy, có thể làm quần áo bị sờn, bạc do ma sát mạnh.
Nếu quần áo quá bẩn nên ngâm nước khoảng 20 phút bên ngoài, chà sạch các cổ áo sau đó cho vào máy. Tỷ lệ trọng lượng của nước và quần áo là 20:1 là ở chế độ tiết kiệm. Nên dùng bột giặt ít bọt nhưng có năng lực tẩy rửa cao khi giặt bằng máy. Điều này làm cho khi xả được mau sạch và có thể tiết kiệm được 1-2 lần nước.
Quần áo dính nhiều xăng, dầu không được cho vào máy giặt. Quần áo đã dùng xăng để tẩy cũng không được giặt bằng máy, vì rất có thể gây ra cháy, hư máy hay làm hỏng các quần áo khác.Khi giặt các loại quần áo có đính kim tuyến, đồ lót, nylon và sợi tổng hợp mỏng, nên sử dụng lưới giặt nylon để bảo vệ, lưới này có bán trên thị trường. Với đồ giặt bằng len, hoặc có xơ vải, cần lộn mặt trái ra ngoài.