Mỗi mùa hoa cúc hoạ mi về chị Đỗ Thu Huyền lại cắm những bình to trang trí khắp ngôi nhà của mình.
Những ngày này khi cúc họa mi ngập tràn trong các khu vườn, con phố, ngôi nhà của chị Đỗ Thu Huyền (42 tuổi) cũng được tô điểm với màu sắc trong trắng, tinh khôi của loài hoa này.
Chị Đỗ Thu Huyền.
Chị Huyền cho biết, như thường lệ năm nào cũng vậy cứ đến mùa cúc họa mi về chị lại cắm những bình hoa to trang trí trước nhà. Năm nay, ngay từ đầu mùa chị đã cắm rất nhiều bình hoa này để vừa thỏa mãn đam mê, vừa làm không gian sống của mình tràn đầy hương sắc của mùa đông về.
Chia sẻ về niềm đam mê dành cho hoa của mình, chị Huyền kể, chị sinh ra và lớn lên ở đất trồng hoa Nhật Tân, Tây Hồ. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ chị đã được ngấm dần tình yêu hoa vào trong tâm hồn mình và những kỷ niệm đẹp làng hoa ngày Tết người người tấp nập đến mua, những cánh đồng hoa rực rỡ trải dài.
Lớn lên, khi ý thức được cái đẹp chị thường cắt hoa ngoài vườn cắm những chiếc bình nhỏ xinh để bàn khách hay hái những bông hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa cúc vạn thọ, cúc su si... về cắm. Mặc dù, hiện nay xã hội thay đổi, ở Việt Nam có nhập khẩu nhiều các loại hoa nước ngoài nhưng chị vẫn dành tình yêu dành cho các loại hoa dân dã, những loài hoa đẹp trong ký ức của mình. Đặc biệt, dù hiện nay bận rộn với gia đình, công việc nhưng chị vẫn cố gắng dành tình yêu và thỏa mãn niềm đa mê cắm hoa của mình.
Cứ mùa nào hoa đó, ngôi nhà chị không lúc nào thiếu vắng đi những sắc hoa tươi thắm, mùa xuân, hoa thược dược, violet sưởi ấm căn nhà nhỏ, đến mùa hạ hoa sen lại tỏa hương thơm ngát. Mùa thu, không gian nhà chị lại rực rỡ sắc màu hoa cúc, đặc biệt những cành cúc họa mi mong manh, xinh xinh, tinh khiết cũng không thể thiếu để báo hiệu đông đã về.
“Ngày xưa cúc họa mi có thể nói là hoa dại không được trồng nhiều đại trà. Khoảng 5-6 năm trở lại đây trào lưu chụp hình với hoa tại vườn nên cúc hoạ mi được lên ngôi. Và mỗi mùa cúc hoạ mi về mình thường cắm những bình to trang trí trước nhà”, chị Huyền cho hay.
Cúc họa mi ngập tràn ngôi nhà chị khi vào mùa.
Theo chị Huyền, để bình hoa cúc họa mi được bền, khi cắt ngoài vườn mọi người phải tưới luôn nước vào lá, không nên tưới nước trên bề mặt hoa bởi hoa cánh trắng mỏng tưới nước lên mặt sẽ dễ bị thâm cánh. Sau đó, mọi người nên sơ chế, nhặt sạch hết lá phiến to để khi cắm, hoa tập trung hút nước vào bông hoa và nụ.
“Mọi người nên cắm ngập trong nước trong vòng 4-5 tiếng cho hoa hút nước đủ cứng cành. Sau đó, mọi người mới tạo dáng cắm thẳng vào bình”, chị Huyền tư vấn.
Nhờ bí quyết cắm hoa này của mình mà những bình cúc họa mi chị Huyền chia sẻ luôn khiến mọi người phải thích thú và dành không ngớt lời khen về sự khéo léo trong cách cắm hoa của chị.
Không chỉ với cúc họa mi, với các loài hoa khác chị Huyền cũng khiến mọi người phải trầm trồ với phong cách cắm Ikebana (Nhật Bản) vô cùng mới lạ, thanh thoát, tao nhã giống như một bức tranh tuyệt đẹp.
Bình hoa mộc lan.
Hoa sen thơm ngát trong ngôi nhà chị vào mùa hè.
Ngày nào cũng vậy, dù bận rộn đến mấy, chị cũng dành thời gian buổi tối, sau khi cơm nước xong xuôi để thả hồn vào phiêu cùng hoa. Và mỗi lần chia sẻ thành quả miệt mài ngồi tỉ mẩn cắm, chăm chút từng bình hoa, nhận được những nút like, bình luận quan tâm của mọi người khiến chị có động lực hơn. Đối với chị Huyền, cắm hoa không chỉ mang lại sự yên bình, làm đẹp không gian sống và làm việc mà còn giúp chị thỏa sức sáng tạo, thư thái hơn sau một ngày làm việc căng thẳng.
Những bình hoa chị cắm theo phong cách Ikebana Nhật Bản.