Với quan niệm "sống cái nhà, già cái mồ", nhiều đại gia không ngần ngại bỏ tiền tỷ xây cất lăng mộ, nhà thờ.
Chứng kiến sự hoành tráng và cầu kỳ của những "dinh thự" dành cho người chết mới thấy hết sự xa hoa của giới nhà giàu kể cả lúc còn sống hay lìa đời.
Xây lăng mộ 3.000 cây vàng báo hiếu cha mẹ
Người nghĩ ra ý tưởng này là ông Hà Mỹ Suông, tên thường gọi là Hội đồng Suông - một đại điền chủ ở tỉnh Hà Tiên cũ hồi đầu thế kỷ 20. Do không có con ruột nối dõi tông đường nên tất cả số tiền dành dụm được ông Suông đều mua vàng dự trữ. Khi số vàng đã đựng đầy 6 thùng lớn (mỗi thùng tương đương với can 50 lít bây giờ) ông Suông quyết định xây khu lăng mộ (hiện nằm ở khu phố 2, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) để làm nơi an nghỉ cho cha mẹ.
Khu lăng mộ này được xây dựng trong vòng 2 năm (1935-1936) với nhiều loại nguyên vật liệu quý hiếm thời bấy giờ. Ông Suông phải lặn lội sang tận Hong Kong mua đá cẩm thạch loại được nhập từ Thụy Sĩ về dùng để ốp thân và hầm mộ. Còn đá núi, ông cho người ra tận Ngũ Hành Sơn lấy về. Khi vật liệu đã đầy đủ, ông Hội đồng Suông lại cho người đi mời những nghệ nhân có tay nghề giỏi nhất, được tuyển chọn từ Trung Quốc và Hải Phòng.
Kiến trúc độc đáo trong khu lăng mộ 3.000 cây vàng (Ảnh GĐ&XH)
Gần một thế kỷ trôi qua, khu lăng mộ đình đám này vẫn còn khá nguyên vẹn và thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Những khối đá quý bên lối dẫn vào khu thạch mộ được ghép từ hồi đầu thế kỷ vẫn mới tinh như vừa được đánh bóng. Tất cả khuôn viên, nền mộ và trần che nắng mưa đều được ghép từ những khối cẩm thạch mài nhẵn thín. Phần tiếp theo là gian thờ tự, được thiết kế theo kiến trúc đình chùa 2 gian 3 chái. Ở giữa là gian thờ tự, hai chái bên cạnh dành cho người ở để hương khói. Bên trên mái lợp được tô vẽ rồng, phượng, nghê... uy nghi, bên trong gian thờ tự được điểm những bài thơ bằng chữ Hán. "Địa ngục" được thiết kế theo quan niệm 9 tầng địa ngục, mỗi tầng được mô phỏng theo quan niệm dân gian.
Lăng mộ triệu đô của đại gia đất Cảng
Vị đại gia này là ông Vũ Hồng K.. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", vị đại gia bậc nhất Hải Phòng thời bấy giờ khao khát tự tay xây mộ cho mình lúc nằm xuống. Và ông đã thỏa mãn ước nguyện bằng quần thể lăng mộ hơn 3.000m2 tại quận Kiến An, với tổng chi phí ước chừng 1 triệu USD.
Cổng vào lăng mộ của đại gia đất Cảng được dựng bằng hai cột đá đen, mái cổng là một tấm đá đen lớn. (Ảnh: Bưu điện VN).
Để bắt tay xây dựng khu lăng mộ, ông K. đã vào tận khu vực núi Nhồi, Thanh Hóa để tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất, được khai thác bằng sức người thay vì dùng thuốc nổ như thông thường. Mỗi tảng đá như thế giá từ 10-30 triệu đồng. Phải mất 5 năm với bàn tay của hàng trăm thợ lành nghề, ý tưởng của ông mới thực sự hoàn thiện.
Toàn bộ phần khuôn viên lăng mộ của đại gia đất Cảng đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài dũa rất khít. (Ảnh: VTC News).
Khu trung tâm lăng mộ rộng chừng 200m2, lẩn khuất sau những hàng cau vua rợp bóng. Khuôn viên lăng mộ được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài dũa rất khít. Hầm mộ sâu trong lòng đất 4m, được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ, mỗi khối nặng 2,6 tấn. Ở giữa lăng mộ là khối đá đen nặng 10 tấn, mặt trước là những dòng chữ khắc nội dung kể tài năng cũng như đóng góp của ông cho xã hội. Trên cùng tháp đá bức tượng bán thân của ông K. được chạm khắc tỉ mỉ. Nó được đánh giá là khu lăng mộ "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.
Doanh nhân bỏ tiền tỷ xây lăng mộ lớn nhất VN
Doanh nhân Trần Văn Sen đã bỏ tiền tỷ, mua lại gần 10ha đất làng Mẹo, ngôi làng được mệnh danh là làng tỷ phú ở tỉnh Thái Bình, giá đất ở đây đắt không kém thủ đô Hà Nội, để xây dựng lăng Đức Hoằng Nghị Đại vương, tức ông Trần Hoằng Nghị, cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ. Đây được đánh giá là lăng mộ thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Mất 9 năm xây dựng (từ 2002 tới 2011), khu lăng đền này mới hoàn thành. Các chi tiết đều được làm cầu kỳ. Móng lăng ăn sâu xuống lòng đất 4,2m, được đổ bê-tông kín đặc tạo thành tầng hầm rất rộng, chứa mộ phần của Đức Hoằng Nghị Đại vương. Trên mặt đất, lăng có 3 tầng, 6 mái, cao 41m. Các chi tiết trong mộ khá cầu kỳ, phủ màu vàng và đỏ.
Lăng Đức Hoằng Nghị Đại Vương (Ảnh Infonet).
Đặc biệt, nơi đây còn có tượng các vua quan đời Trần bằng đồng nguyên chất, ngoài phủ vàng. Trên trần các tầng đều có chữ Phúc, được viết rất xảo diệu, sắp xếp hợp lý khiến người xem phải trầm trồ.
Đại gia chi trăm tỷ xây nhà thờ dát vàng
Ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh đã bỏ 10 năm (1998-2008) cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà.
Để thực hiện ý nguyện của mình, ông Lượng đã nhẫn nại thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh. Từ mảnh đất 240 mét vuông, ông mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất gom được rộng tới 5.000 m2, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông.
Ngôi nhà thờ trăm tỷ của đại gia Hải Dương (Ảnh: VTC News).
Có mặt bằng rồi, ông Lượng tiến hành san đất. Công việc đào hồ, đắp núi phải làm đi làm lại vài lần, rất kỳ công. Cầu kỳ nhất là làm ngôi nhà thờ dát vàng. Ngôi nhà tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân. Ban đầu, khi đã gom đủ lượng gỗ lim (mua tận Nam Phi) để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà ông Lượng để đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng. Song, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, đã dỡ bỏ.
Sau đó, ông Lượng lại mướn đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng... Cuối cùng, một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt đã được hoàn thiện và các chuyên gia kiến trúc khó tìm thấy khiếm khuyết.