Hiện nay có khoảng 8 triệu ngôi nhà bỏ hoang ở Nhật và tỉ lệ này ngày càng nhiều do tốc độ già hóa dân số quá nhanh.
Nhà bỏ hoang lây lan chóng mặt
Kể từ khi người hàng xóm già chuyển đi từ 10 năm trước, bà Yoriko Haneda đã làm những gì có thể để giữ cho ngôi nhà hoang trông đỡ đổ nát. Bà thường xuyên cắt tỉa cây bụi và và phạt bớt cây leo để đỡ vướng đường đi cũng như dễ nhìn ra biển.
Trong thực tế, hàng chục ngôi nhà ở trên khu sườn đồi này, cách Tokyo một giờ lái xe, đang bị bỏ hoang. "Những ngôi nhà trống ở khắp nơi. Có những người rời bỏ nơi mình đã sống trong suốt 20 năm, thậm chí là nhiều hơn". Bà Haneda, 77 tuổi phàn nàn rằng những tên trộm đã đột nhập vào nhà hàng xóm hai lần và một cơn bão đã làm hư hại mái của căn nhà cạnh đó.
Trong ba căn nhà bỏ hoang xung quanh, chủ nhân của một nhà chuyển đi từ bao giờ và lý do gì bà cũng không biết. Còn với hai căn nhà còn lại, những người già hơn bà Haneda vài tuổi đã lần lượt qua đời, và sau đó bà cũng không nhìn thấy ai lui tới nữa. Bà buồn rầu: “Căn nhà của tôi cũng sẽ bỏ trống sau khi tôi qua đời, con gái tôi đã chuyển lên Tokyo ở. Cả cái khu này sẽ ngày càng hoang vắng. Có vài chục căn nhà mà đến 6-7 căn trống rồi”
Số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản ngày càng gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ này cao hơn so với ở Mỹ và châu Âu rất nhiều. Theo thống kê của chính phủ, hiện nay có khoảng 8 triệu căn nhà bị bỏ trống trên toàn nước Nhật. Gần một nửa trong số đó bị lãng quên hoàn toàn - không phải để bán, cũng không có thuê. Chúng chỉ đơn giản bị bỏ trống trong tình trạng hư hỏng.
Khó khăn tìm ra giải pháp
Yokosuka, một thành phố nằm không xa Tokyo, rất gần với các căn cứ hải quân và nhiều nhà máy ôtô, một thời từng thu hút hàng chục nghìn người trẻ tuổi đến tìm việc. Đến nay, những người xưa già và mất đi, còn con cháu vốn đã ít lại đổ về Tokyo. Giá nhà ở Yokosuka hiện thấp hơn 70% so với thời kỳ đỉnh cao thập niên 1980.
Nhiều ngôi nhà ở Yokosuka giờ có giá rẻ như cho.
Nhiều nhà bỏ trống của Nhật Bản không sử dụng cho chủ nhà cũng không thể bán vì chẳng có người mua. Nhưng phá dỡ chúng thì lại liên quan đến câu hỏi tế nhị về quyền sở hữu, và về việc ai sẽ trả chi phí.
Dù Chính phủ Nhật đã thông qua luật mới để khuyến khích phá hủy những căn “nhà ma”, nhưng khi số nhà như vậy ngày một tăng cao thì không thể phá hủy toàn bộ. Ban đầu tình trạng bỏ trống nhà chủ yếu ở các vùng nông thôn nhưng ngày càng lan dần đến những khu vực quanh thành phố.
Những căn nhà này chính là những dấu hiệu dễ thấy nhất của sự già hóa dân số Nhật Bản và trong khoảng 50 năm tới, dân số sẽ giảm đi khoảng 1/3. Điều này sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế Nhật Bản và lực lượng lao động trẻ phải làm việc nhiều hơn để hỗ trợ tỷ lệ người cao tuổi ngày một tăng. Có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra để khuyến khích phụ nữ Nhật Bản sinh nhiều con hơn hoặc mở rộng chính sách nhập cư. Chính quyền nhiều thành phố ở Nhật đã phải nghĩ ra nhiều giải pháp, ví như tặng tiền mặt cho ai chuyển vào ở trong những căn nhà bỏ hoang.