Mọi thứ vật dụng gắn với cuộc sống gia đình thời bao cấp, nay không hẳn đã là thứ vô tri, mà ít nhiều lưu giữ những kỷ niệm trong mỗi cuộc đời con người.
Cuộc sống luôn hướng người ta vươn tới những giá trị mới bằng sự vận động của khoa học, công nghệ, của sự tiện dụng, thức thời. Bởi thế, chiếc xe máy, chiếc đồng hồ, cái TV… một thời là tài sản lớn của những gia đình giàu có giờ đã thành thứ hàng thông dụng cho mọi người. Tuy nhiên, mọi thứ vật dụng gắn với cuộc sống gia đình không hẳn đã là thứ vô tri mà ít nhiều lưu giữ những kỷ niệm cuộc đời. Dù những món đồ cũ xưa ấy nay còn lưu giữ trong gia đình hay không, nhưng khi nhìn lại hay nghe nhắc đến, những thế hệ người Việt đã sống qua thời bao cấp hay giai đoạn mới mở cửa vẫn nôn nao hoài niệm.
Nếu như, vào những năm tháng ấy, ở các làng quê vẫn còn những chiếc nồi đồng, nồi đất, cối giã gạo… được ông bà để lại qua nhiều đời thì những cư dân ở thị trấn, thị xã, thành phố lại không thể nào quên những món đồ tích tụ từ nhiều nguồn khác nhau. Cái thì từ nước Nga (Liên Xô cũ), cái là sản phẩm qua đường tiểu ngạch thời mới mở cửa, cái do nền công nghiệp, cơ khí non trẻ trong nước sản xuất. Nếu như những món hàng sang trọng chỉ có ở các nhà quyền quý thì những món đồ khá bình dân lại gắn liền với những khu tập thể, trung cư.
Một số hiện vật thời bao cấp
Chiếc quạt con cóc một thời là tín hiệu dự báo một đời sống hiện đại. Giữa muôn vàn thứ cũ kĩ, ở những khu tập thể nóng nực, cơn gió đến từ chiếc quạt nhỏ cũng đủ đem đến luồng gió mát cho bữa cơm của cả gia đình. Nhớ khi ấy, có nhiều chiếc quạt khi đã cũ kĩ, về đêm, cánh quạt nhiều khi còn văng ra khỏi trục trong giấc ngủ say nồng của gia chủ. Có những chiếc đã khô dầu phải dùng tay quay cánh mãi mới có thể tự quay được. Tuy thế, quạt con cóc, quạt tai voi vẫn là những chiếc quạt khỏe, bền phục vụ nhiều gia đình trong những năm tháng hàng hóa còn khan hiếm.
Nếu quạt con cóc là những cơn gió mát lành thì chiếc ti vi đen trắng lại lan tỏa sức “nóng” của những mùa bóng đá. Những trận đấu được phát lại hay trực tiếp đều đến từ khuôn hình bé nhỏ cỡ 14” ngày ấy. Bao nhiêu tín hiệu, thông điệp từ những cường quốc thể thao, những phong cách, lối chơi những sắc màu văn hóa từ các dân tộc, châu lục đều đến qua “ô cửa” nhỏ ấy. Người ta giục con cái tắm rửa, ăn cơm sớm để tối còn sang nhà hàng xóm xem phim. Cả dãy hành lang, cả khu tập thể có thời cũng quây quần xem một bộ phim cảm động.
Nhớ lại những ngày ấy thật xúc động và ý nghĩa. Nhưng ấn tượng hơn cả phải là tiếng đàn ghi ta trong những đêm cả dãy nhà hay khu tập thể bị cúp điện. Khi ấy những bản tình ca qua ngón đàn tài tử của những "nhạc công vô danh" lại vang lên như xua tan cái nóng, gợi nhớ những kỷ niệm sâu lắng. Những cây đàn ghi ta ngày nay vẫn còn bày bán trong các gian hành nhạc cụ nhưng không còn hiện diện nhiều trong các gia đình. Có thể người ta đã chuyển sang nghe nhạc, chơi nhạc bằng các hệ thống, thiết bị âm thanh hiện đại, cũng có khi vì ngày nay còn quá ít người đam mê chơi ghi ta…
Còn rất nhiều món đồ thời bao cấp gắn bó với những buồn vui, thăng trầm của từng gia đình. Mỗi khi ngắm lại nhưng vật dụng đó, ta lại thấy trân trọng những giá trị của quá khứ dù chúng không còn được sử dụng hay cũ mòn, hư hỏng.