Nhiều người thường vứt cây quất sau khi trưng Tết, nhưng nếu nắm vững bí quyết dưới đây thì sang năm bạn sẽ có quất sai trĩu quả để chơi tiếp mà không cần phải tốn tiền mua cây mới.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, hầu như gia đình nào cũng có vài chậu hoa, cây cảnh trong nhà như đào, quất, mai, lan,… Sau Tết, nhiều người thường vứt những cây này đi vì không biết cách chăm sóc.
Tuy nhiên, có một số loại hoa chăm sóc sau Tết không hề khó, ví dụ như đào, quất, lan hồ điệp. Chỉ cần biết cách chăm sóc, năm sau bạn sẽ có hoa để chơi Tết tiếp, không cần tốn tiền mua.
1. Cây đào
Sau Tết, hãy mang cây đào ra vườn trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là 15 tháng Giêng. Nên chọn chỗ đất cao ráo, thoát nước tốt, đất sét pha thịt có độ pH 7-8. Nếu nhà không có đất, có thể trồng trong chậu to, nhưng nhớ rằng đường kính chậu phải to hơn tán cây, dưới đáy có lỗ thoát nước. Lưu ý, nên trồng cây đào ở nơi có nhiều ánh sáng vì đây là loại cây ưa sáng.
Trước khi trồng, phải bón lót bằng phân ải hoặc phân hữu cơ vi sinh. Lúc trồng nhớ lấp đất vừa ngang cổ rễ, nêm nhẹ đất từ xung quanh dồn vào bầu cho chặt rồi tưới nước đẫm. Những ngày sau đó, nên tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.
Cách chăm sóc đào sau Tết:
- Trồng xong, cần cắt ngay cành lần thứ nhất để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Ngoài ra, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch, trong quá trình cắt cần kết hợp tạo hình tán cây.
- Sau mỗi lần cắt, cần hòa phân hữu cơ tưới cho cây. Đặc biệt vào tháng 8, 9 cần tưới bón nhiều để thúc cho cây ra hoa nhiều hơn.
- Cuối tháng 8 âm lịch, nên hãm cây nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa. Cụ thể, hãy dùng dao thật sắc khứa quanh một vòng cho đứt vỏ qua tầng libe, vào tận gỗ ở vùng gần cổ cây. Sau khi hãm 1 tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ.
- Vào giữa tháng Chạp, nên tuốt lá để kích thích cây ra nụ.
2. Cây quất
Nhiều người thường vứt cây quất sau khi trưng Tết, nhưng nếu nắm vững bí quyết dưới đây thì sang năm bạn sẽ có quất sai trĩu quả để chơi tiếp mà không cần phải tốn tiền mua cây mới.
Cụ thể, trước khi trồng lại cây quất khoảng 10 ngày, bạn nên dùng sản phẩm siêu ra rễ tưới đẫm gốc cây và phun trên tán lá để hình thành các rễ mới. Ngoài ra, hãy cắt hết quả và vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây để hạn chế nhu cầu dinh dưỡng và lượng nước của cây, khi rễ chưa kịp phát triển bám chắc vào đất ở môi trường mới.
Khi trồng quất trong chậu, bạn cần phải thay đất mới cho cây. Nên trồng trong đất tơi xốp, thoáng khí, đủ ẩm, giàu chất dinh dưỡng và độ pH từ 5-6. Nên chọn chậu trồng có đường kính lớn hơn tán cây, có lỗ thoát nước tốt.
Nếu trồng cây quất ở ngoài đất vườn, nên trồng chỗ đất cao, tránh nơi trũng ứ nước làm cây bị thối rễ. Nhưng dù trồng trong chậu hay ngoài đất vườn, nên chọn nơi có nhiều ánh sáng vì quất là cây ưa sáng.
Trước khi sang chậu hay xuống đất, nên bổ sung một lớp phân chuồng hoai mục đã qua xử lý dưới đáy chậu hoặc hố trồng.
Sau khi trồng, hãy dùng nước vôi trong đã chuẩn bị hoặc pha thuốc phòng trừ nấm phun đẫm lên toàn bộ cây để phòng trừ sâu bệnh gây hại. Sau khi thay đất 7 ngày, hãy xới đất xung quanh chậu để đất tơi xốp và bón phân để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây.
Định kỳ 15 ngày, nên bón phân cho cây bằng phân vi lượng PTS9 và dung dịch tăng trưởng để cây sinh trưởng tốt hơn. Sau khi cây đã phát triển bình thường, cho lộc mới, hãy tiến hành chăm sóc, bón phân gốc như cây quất bình thường là được.
3. Lan hồ điệp
Muốn trồng lan hồ điệp sau Tết, trước hết bạn cần cắt bỏ ngồng hoa khi hoa trên cành bị héo khoảng 2/3. Lưu ý, nên cắt cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3cm.
Đồng thời nên cắt bỏ những lá bị sâu bệnh, úa vàng, loại bỏ phần rễ bị thối, giữ lại rễ vẫn còn xanh tươi. Sau đó, hãy bôi vôi, thuốc làm liền da cây, thuốc tím,… vào các vết cắt để khử trùng, tránh cây bị nấm, sâu bệnh tấn công.
Tiếp theo, hãy đặt nguyên bầu cây vào chậu và dùng dây cố định. Đặt chậu vào vị trí mát mẻ, tránh mưa và tránh ánh sáng trực tiếp. Nguyên nhân là do lan hồ điệp sợ ánh sáng mạnh, nếu tiếp xúc với nắng gắt lá sẽ vàng, rễ bị thối nhũn và chết cây.
Về bón phân, bạn có thể chọn bón Atonik hoặc phân bón B1, pha loãng theo tỷ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước rồi phun sương ẩm hàng ngày cho cây. Khi thấy lan hồ điệp ra rễ non thì 1 - 2 tuần sau đó nên bỏ thêm một lớp đất vào trong chậu.
Khoảng 1-2 tháng sau, lan hồ điệp sẽ phát triển ổn định trở lại. Lúc này bạn có thể bón phân, tưới nước cho lan như bình thường. Lưu ý, trong quá trình chăm sóc, cần phải phun thuốc chống nấm thường xuyên cho cây.