Người ta thường biết đến cây bồ công anh là một biểu tượng của tình yêu mà ít ai để ý rằng, đây cũng là một vị thuốc với rất nhiều công dụng khác nhau.
Nguồn gốc, đặc điểm
Cây bồ công anh hay có tên gọi khác ở Việt Nam là rau bồ cóc, diếp hoang,... là một loài cây thân thảo thuộc họ nhà Cúc, có tên khoa học là Lactuca indica.
Cây thân thảo, mọc đứng cao khoảng 0.5 – 1m, mọc hàng năm hay 2 năm, có thân thẳng, nhẵn, ít phân nhánh. Lá rất đa dạng, các lá dưới thuôn, dài 30cm, rộng 5-6cm, gần như dính ở gốc, không ôm thân, nhọn, có răng to hay chia thùy. Các lá ở giữa và ở thân về phía trên ngắn và hẹp dần, ít có răng hoặc hoàn toàn nguyên, hình dải.
Thân và lá có nhựa màu trắng như sữa, vị hơi đắng. Cụm hoa màu vàng, có loại màu tím. Quả có màu đen, lông trắng nhạt.
Cây bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như: Cao Bằng, Lào Cai, Hà Nội,…
Đây là loại cây rất dễ trồng bằng hạt, mùa trồng vào tháng 3-4 hoặc 9-10, cũng có thể trồng bằng mẩu gốc, sau 4 tháng là có thể thu hoạch được. Thường thì nhân dân ta thu hái lá về dùng có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô để dùng dần, không cần chế biến gì đặc biệt.
Ý nghĩa của cây bồ công anh
Bồ công anh có hoa màu vàng nhưng rất nhanh tàn, sau khi cánh hoa rụng đi sẽ để lại chùm quả trắng dạng bông hình cầu rất đẹp. Một nhánh bồ công anh có vòng đời rất ngắn nhưng triệu cánh bồ công anh bay trong gió sẽ mang hạt giống đi khắp nơi, như vậy bồ công anh chẳng bao giờ chết được. Chúng thể hiện cho sự bất tử.
Ngoài ra, loài cây này còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau như biểu tượng cho những giấc mơ, lời tiên tri cho tình yêu đôi lứa, hay hiện thân của niềm kiêu hãnh vươn cao, sự tự do tự tại trong thế giới rộng lớn.
Công dụng của cây bồ công anh
Ở Mỹ, bồ công anh được xem là “thần dược” có nhiều tác dụng, đặc biệt là điều trị ung thư vú, hay bị loét bao tử. Cây chứa nhiều sắt (tương đương với lượng sắt tìm thấy trong rau dền), vitamin C, B, vitamin A cao và nhiều nguyên tố vi lượng khác như magiê, canxi, sodium…
Loại cây này có vị đắng, cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải độc bài nung, hoạt huyết khư ứ. Có thể chữa được nhiều chứng bệnh như chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa, chữa các chứng viêm loét, suy nhược cơ thể, rối loạn gan mật,...
Người ta thường dùng lá cây bồ công anh, thu hoạch lá về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, dùng tươi tốt hơn. Cũng có thể dùng cả cây bỏ rễ, cắt nhỏ, phơi khô để dùng.
Bên cạnh đó, hoa bồ công anh cũng có thể cắt để cắm bày nhà. Chậu hoa bồ công anh có thể bày như một loại chậu hoa cảnh đẹp.
Cách trồng
Bồ công anh là loại cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu và đất trồng tại Việt Nam, cây sống 1 năm, ưa sáng nhưng cũng có thể chịu được bóng. Cây mọc từ hạt vào mùa xuân đến mùa hè. Gần cuối mùa hè cây đã bắt đầu ra hoa kết quả. Vào thời kỳ cây đang sinh trưởng mạnh, nếu bị gãy hay bị cắt ở gần gốc, phần còn lại sẽ tái sinh chồi và sinh trưởng tiếp.
Có thể trồng bằng phương pháp gieo hạt vào mùa đông xuân và đầu thu (vào các tháng 3-4 hoặc 9-10). Có thể trồng bằng mẩu gốc, sau 4 tháng có thể bắt đầu thu hoạch.
Nếu muốn trồng bằng hạt, hãy chọn hạt giống mới, khoảng 2 tuần sau khi thu hoạch. Dùng kéo cắt bớt lông trên hạt giống để tránh bị gió bay.
Sau đó, gieo hạt giống vào chậu, khoảng cách là 15 cm, nếu có điều kiện thì khoảng cách trên 25cm là tốt nhất. Khi gieo hạt vào chậu, dùng 1 ít đất phủ nhẹ lên hạt, rồi tưới nước vào chậu.
Phun nước hơi ấm ấm để tưới cho cây. Tuy nhiên, không được để cây quá ẩm hoặc chịu quá nắng, sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của bồ công anh.
Sau khi trồng, cần thường xuyên làm cỏ và vun gốc. Cách mỗi tháng bón phân hữu cơ cho cây với lượng vừa đủ, không được bón quá nhiều. Từ 1 đến 3 tuần sau chúng ta sẽ thấy kết quả.