Vụ tai nạn thương tâm khiến hai anh em tử vong mà nguyên nhân do nổ tủ lạnh tại Trung Quốc chính là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình hay sử dụng tủ lạnh sai cách.
Câu chuyện hai đứa trẻ tại Phúc Kiến, Trung Quốc tử vong do tủ lạnh trong nhà bỗng dưng phát nổ khiến ai cũng phải thương xót và giật mình vì những bất cẩn của bản thân đối với đồ vật tưởng như an toàn này. Bé Trí (8 tuổi) và Hoa (6 tuổi) là hai anh em ruột đang sống cùng gia đình tại Phúc Kiến trong một căn nhà 2 tầng.
Hai đứa trẻ xấu số là nạn nhân của vụ tai nạn không ai ngờ.
Một ngày, bà nội để hai em ngủ trong phòng tầng 2 để ra ngoài làm việc. Khoảng 30 phút sau, ông bà nội bé về nhà bỗng giật mình vì thấy mùi cháy khét từ trong phòng của hai cháu. Khi hai người vào phòng thì thấy cả Trí và Hoa nằm trên mặt đất, người đầy máu. Hai cháu lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng không kịp. Sau đó, nguyên nhân vụ nổ đã được xác định là do chiếc tủ lạnh đặt trong phòng.
Chiếc tủ lạnh chính là nguyên nhân gây nổ.
Tai nạn thương tâm này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo các gia đình, phải chú ý đến cách sử dụng tủ lạnh an toàn. Dưới đây là những lưu ý khi dùng tủ lạnh.
Giữ tủ lạnh sạch sẽ, lau dọn đúng cách
Tủ lạnh sạch sẽ không chỉ giúp đảm bảo an toàn vệ sinh cho bản thân người sử dụng mà còn giúp kéo dài “tuổi thọ” của tủ. Vì vậy, bạn nên dùng khăn ẩm, mềm lau tủ ít nhất một lần/tuần.
Khi vệ sinh tủ lạnh, bạn nên rút nguồn điện, lấy hết thực phẩm trong tủ ra và vệ sinh toàn bộ từ trong ra ngoài. Để lau tủ lạnh, bạn có thể sử dụng axit boric là một loại axit yếu thường được dùng làm chất sát trùng. Nếu không thích mùi hóa học, bạn có thể dùng dấm pha loãng để lau cũng rất hiệu quả. Sau khi lau dọn, để tủ mở ít nhất một giờ để bay hết mùi thuốc tẩy rửa rồi mới cho đồ ăn vào.
Nơi đặt tủ lạnh cũng cần chọn cẩn thận
Thứ nhất, tủ lạnh nên đặt cách xa các nguồn nhiệt như bếp, lò than,… Khi tủ lạnh đang làm việc, nếu nhiệt độ xung quanh tăng cao 5oC, điện năng tiêu thụ của tủ có thể tăng lên 25%. Ngoài ra, tủ lạnh đặt gần nguồn nhiệt cao cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tủ lạnh không nên đặt quá gần bếp. (Ảnh minh họa)
Thứ hai, không nên cắm tủ lạnh chung ổ với các thiết bị điện tiêu thụ nhiều điện năng khác. Lý do là hai thiết bị điện cùng hoạt động, ổ cắm có thể không chịu được, dễ xảy ra hiện tượng đoản mạch gây cháy nổ. Bên cạnh đó, thường khi sử dụng chung một ổ cắm thì hai thiết bị điện phải đặt gần nhau, khi tủ lạnh hoạt động sẽ tạo ra sóng điện tử ảnh hưởng đến thiết bị điện kia.
Thực phẩm không nên đặt trong tủ lạnh
Đầu tiên, đồ ăn để trong tủ lạnh không nên quá nhiều, bạn phải để khoảng trống trong tủ để không khí lạnh lưu thông, vừa giúp tiết kiệm điện vừa kéo dài tuổi thọ của tủ. Đồ ăn sống và chín không được để lẫn vào nhau, đồ ăn sống nên được trữ trong hộp nhựa, túi bảo quản, không nên đặt trực tiếp vào tủ.
Xếp đồ ăn kín hết tủ vừa tốn điện vừa khiến hiệu quả làm lạnh của tủ không đạt mức tối ưu. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, đồ ăn còn nóng không nên để luôn vào tủ lạnh. Chai, lon nước đóng kín thì tuyệt đối không được đặt vào tủ đông. Khi nhiệt độ giảm thấp, thể tích nước trong chai, lon sẽ tăng lên. Đến một mức độ nhất định, lượng nước này có thể làm bung nắp chai, vỡ chai hoặc thậm chí là nổ tung, rất nguy hiểm.